Tượng Nữ hoàng Victoria bị giật đổ ở Canada sau khi hàng trăm hài cốt trẻ em được phát hiện

02/07/2021 - 17:06

PNO - Một bức tượng nhỏ hơn của Nữ hoàng Elizabeth II ở Winnipeg cũng bị kéo đổ trong một cuộc biểu tình. Những người biểu tình đã phản đối cách chính quyền đối xử với trẻ em bản địa, trong các trường học khét tiếng ở khu dân cư.

 

Tượng Nữ hoàng Victoria bị bôi bẩn sau khi bị kéo đổ trong một cuộc biểu tình vào Ngày Canada (1/7) ở thành phố Winnipeg - Ảnh: Reuters
Tượng Nữ hoàng Victoria bị kéo đổ và bị bôi bẩn trong một cuộc biểu tình vào Ngày Canada (1/7) ở thành phố Winnipeg - Ảnh: Reuters

Bức tượng Nữ hoàng Victoria đã bị kéo đổ ở Canada trong bối cảnh sự phẫn nộ ngày càng gia tăng sau khi những ngôi mộ không có bia mộ của trẻ em bản địa được phát hiện.

Một nhóm người biểu tình đã tập trung trước tòa nhà cơ quan lập pháp tỉnh Manitoba và kéo đổ bức tượng đúng vào Ngày Canada - lễ kỷ niệm hàng năm vào ngày 1/7 đánh dấu việc Canada trở thành liên bang.

Những người biểu tình mặc áo sơ mi màu cam để tôn vinh những đứa trẻ bản địa (được gửi đến các trường học dân cư khét tiếng của đất nước) và in những dấu tay màu đỏ lên bức tượng và bệ đỡ, đồng thời để lại tấm biển mang dòng chữ “Chúng ta cũng từng là trẻ em, hãy đưa họ về nhà”.

Một bức tượng nhỏ hơn của Nữ hoàng Elizabeth II ở phía đông khuôn viên cũng bị giật đổ. Cả hai nữ hoàng này đều được xem là đại diện cho lịch sử thuộc địa của Canada.

Ít nhất 150.000 trẻ em bản địa đã được gia đình đưa đến các trường học trong hơn một thế kỷ qua trong chiến dịch của chính phủ: hòa nhập mạnh mẽ những đứa trẻ bản địa vào xã hội Canada.

Hôm 1/7, tổ chức Lower Kootenay - mang tên của quốc gia đầu tiên tại địa phương, thuộc Hội đồng bộ lạc Ktunaxa Kinbasket tham gia Hiệp ước British Columbia - thông báo họ đã phát hiện 182 hài cốt trong những ngôi mộ không tên tại một ngôi trường cũ ở khu dân cư. Đây là phát hiện mới nhất trong một loạt những khám phá nghiệt ngã làm chấn động đất nước.

Những khám phá trước đó đã dẫn đến việc các nhóm bản địa kêu gọi không kỷ niệm Ngày Canada ở Canada.

“Chúng ta sẽ không ăn mừng việc đất đai và cuộc sống của người bản địa bị đánh cắp mà sẽ tập hợp lại để tôn vinh tất cả những người đã mất cả mạng sống vì Canada”, nhóm Idle No More (Không thể ngồi im nữa) kêu gọi tổ chức các cuộc biểu tình toàn quốc để hỗ trợ các cộng đồng bản địa.

Tại Ottawa, hàng ngàn người đã tụ tập ở Đồi Quốc hội để tham gia cuộc biểu tình đòi “Hủy bỏ ngày Canada”. “Thật nhục nhã, Canada” và “Hãy mang họ về nhà”, họ hô khẩu hiệu.

Thủ tướng Justin Trudeau thừa nhận, ngày lễ liên bang năm nay đã diễn ra trong không khí vô cùng u ám. Trước kia, sự kiện này thường được đánh dấu bằng pháo hoa, những cuộc dã ngoại và các bữa tiệc ở trung tâm thành phố.

“Những phát hiện khủng khiếp về hài cốt của hàng trăm trẻ em tại các trường dân cư cũ ở British Columbia và Saskatchewan đã thúc đẩy mỗi người phải suy ngẫm về những thất bại lịch sử của đất nước chúng ta. Những bất công vẫn còn tồn tại đối với người dân bản địa cũng như nhiều cộng đồng khác ở Canada”, Thủ tướng Trudeau tuyên bố. Ông nhấn mạnh: “Với tư cách là người Canada, chúng ta phải trung thực với bản thân về quá khứ của mình”.

Hôm 1/7, Sở cảnh sát Calgary thông báo, 10 nhà thờ trong thành phố đã bị phá hoại trong đêm bằng màu sơn cam và đỏ. Một nhà thờ bị đập vỡ cửa sổ và bị ném sơn vào bên trong. Cảnh sát nói rằng các dấu tay sơn đỏ và con số “215” - ám chỉ đến phát hiện đầu tiên về những ngôi mộ vô chủ của Tk’emlúps te Secwe̓pem (trụ sở bộ lạc bản địa ở Canada) hồi cuối tháng 5 - cho thấy hành vi phá hoại liên quan đến sự phẫn nộ về những ngôi mộ vô chủ.

Những người biểu tình ngày càng nhắm vào các nhân vật lịch sử đã đồng lõa trong việc thành lập và tổ chức hoạt động của các trường học kéo dài hơn một thế kỷ.

Tháng trước, những người biểu tình cũng đã kéo đổ tượng nhà giáo dục Egerton Ryerson ở Toronto. Egerton Ryerson được coi là kiến ​​trúc sư của hệ thống trường học dân cư của Canada.

Cẩm Hà (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI