Tưởng nhói ngực do hậu COVID-19, nhiều bệnh nhân suýt chết vì mắc bệnh tim

28/03/2022 - 09:45

PNO - Cảm thấy cứ đau nhói ngực sau khi khỏi COVID-19 hơn 1 tuần, anh B. nghĩ mình bị hậu COVID-19 nên tự uống thuốc, đến khi cảm thấy khó thở, mệt mỏi,…

Vừa thoát khỏi tay “thần chết”, bác sĩ chẩn đoán sức khỏe anh T.H.B. (28 tuổi, ở Q.3) đã ổn định, tuy nhiên anh vẫn còn lo lắng mỗi lần có cảm giác hụt hơi, khó thở và “đánh trống” ngực. Cách đây khoảng 1 tháng, anh B.  nhập viện trong tình trạng gần như tử vong.

Anh kể, đang ngồi uống cà phê với bạn đột nhiên anh thấy tức ngực râm ran, hơi khó thở. Cứ nghĩ mình là “cựu F0” nên mắc hậu COVID-19, anh tiếp tục trò chuyện với bạn cho đến khi không còn biết gì nữa.

“Tôi bị đau nhói cả vùng ngực khoảng 4 ngày liên tục. Do hỏi nhiều người hậu COVID-19 cũng có triệu chứng như vậy, thêm phần bận việc nên tôi chưa đi khám. Lúc ngồi cà phê, ban đầu tôi thấy hơi đau ngực theo nhịp thở, khoảng 10 phút thì đau thắt ngực và không biết gì nữa. Khi tỉnh lại đã thấy ở trong bệnh viện, bác sĩ nói chỉ cần đưa vào trễ 20 phút có lẽ tôi đã tử vong rồi”, anh B. chia sẻ.

Người dân nên đi khám khi bản thân có triệu chứng bất thường, đừng chủ quan tự ý uống thuốc khi cho rằng mình bị hậu COVID-19
Người dân nên đi khám khi có triệu chứng bất thường, đừng chủ quan tự ý uống thuốc khi cho rằng mình bị hậu COVID-19

Anh B. cho rằng anh may mắn bởi địa điểm anh uống cà phê gần bệnh viện và bạn anh phát hiện kịp thời nên hô hoán chủ tiệm cà phê cùng đưa anh đi cấp cứu. Anh đã trải qua cuộc phẫu thuật tim khẩn cấp mới thoát khỏi tử thần.

Vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cũng tiếp nhận và điều trị cho anh T.V.H. (30 tuổi) ) được người quen chở đến cấp cứu khi có các triệu chứng đau tức, vị trí đau tức vùng sau xương ức. Mỗi lần chơi thể thao xong hay khi vận động mạnh, anh H. có cảm giác nghẹn và khó thở. Tuy nhiên, càng ngày tần suất đau thắt ngực càng tăng, bị đau ngay cả khi nghỉ ngơi.

Ngay khi tiếp nhận, bác sĩ nghi ngờ anh H. mắc các bệnh liên quan đến tim mạch nên chỉ định chụp mạch vành cùng với siêu âm trong lòng mạch. Các bác sĩ chẩn đoán đây là dấu hiệu của cơn đau thắt ngực không ổn định, động mạch vành hẹp 80%. Anh H. nhanh chóng được can thiệp bằng phương pháp đặt stent, đồng thời kê toa thuốc điều trị. Sau can thiệp, anh hết đau ngực, khả năng gắng sức cải thiện và nhanh chóng hồi phục.

TS.BS Trần Hòa - Phó trưởng khoa Tim mạch Can thiệp, Trưởng Đơn vị Can thiệp nội mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, đau thắt ngực là dấu hiệu điển hình của bệnh lý động mạch vành. Theo nhiều nghiên cứu thống kê, bệnh động mạch vành là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới (khoảng 30%), cao hơn hẳn các bệnh lý khác như nhiễm trùng, bệnh lao, ung thư…

Đau thắt ngực cũng có nhiều nguyên nhân khác nhau, thường gặp nhất là do xơ vữa động mạch vành dẫn đến tình trạng trái tim bị thiếu oxy. Nguyên nhân chính dẫn đến xơ vữa động mạch vành là quá trình lắng đọng và tích tụ cholesterol trong thời gian dài. Vì vậy, đau thắt ngực thường xảy ra ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người bệnh trẻ tuổi cũng xuất hiện bệnh động mạch vành.

Cơn đau thắt ngực bất chợt và dữ dội có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý liên quan đến tim mạch. Hiểu về yếu tố nguy cơ từ đó phòng ngừa hiệu quả ảnh hưởng của chứng đau thắt ngực là yếu tố quan trọng giúp người bệnh tránh các biến chứng nguy hiểm.

Người bệnh có thể gặp những cơn đau xuất hiện khi làm việc nặng, gắng sức, căng thẳng, stress tâm lý. Cơn đau kéo dài vài phút, vài lần trong ngày, hoặc vài ngày vài tuần mới xuất hiện một lần, cơn đau có thể giảm khi sử dụng thuốc.

Bác sĩ Hòa khám và tư vấn cho bệnh nhân
Bác sĩ Hòa khám và tư vấn cho bệnh nhân

Mặt khác, có người bị đau bất cứ lúc nào, ngay cả khi đang nghỉ ngơi, cơn đau kéo dài trên 20 phút, mức độ dữ dội, có thể kèm theo nhiều triệu chứng khác như khó thở, vã mồ hôi, choáng váng, buồn nôn, ngất lịm… Cơn đau không giảm ngay cả khi người bệnh ngưng gắng sức và dùng thuốc. Nếu không phát hiện và được đưa đến bệnh viện kịp thời, nhồi máu cơ tim do bệnh mạch vành cấp) rối loạn nhịp tim gây ngưng tim hoặc đột tử. 

Nguy hiểm hơn, đã có trường hợp người bệnh chủ quan nghĩ bản thân mắc hậu COVID-19 chứ không phải các vấn đề tim mạch nên cứ ở nhà chịu đựng hoặc tự ý sử dụng các loại thuốc truyền miệng, uống theo toa thuốc của bệnh nhân khác.

Bác sĩ Hòa khuyến cáo, người có triệu chứng đau thắt ngực, đặc biệt là người có nhiều yếu tố nguy cơ cần đến bệnh viện để tầm soát bệnh động mạch vành. Riêng đối với những tình huống đau thắt ngực không ổn định, người bệnh cần đến bệnh viện ngay lập tức để có thể tăng khả năng sống sót nếu nhồi máu cơ tim xảy ra.

Bên cạnh đó, người bệnh cần có chế độ ăn lành mạnh với thức ăn ít cholesterol, ít muối. Tăng cường các loại rau, trái cây, ngũ cốc. Cần có chế độ tập luyện lành mạnh: tăng cường vận động để cải thiện lưu thông hệ tuần hoàn. Tùy theo khả năng gắng sức, có thể chọn các bài tập nhẹ nhàng, vừa phải như đi bộ nhanh, tập yoga, đạp xe đạp, bơi lội…, không hút thuốc lá, tránh thức khuya, căng thẳng quá mức.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI