Tướng Nguyễn Đức Huy: "Trên vai tôi có cả ánh sáng từ người mẹ đã sinh ra tôi, từ người vợ đã sinh ra các con tôi"

06/02/2022 - 05:59

PNO - Vị tướng già trầm ngâm nói: "Tôi được phong tướng năm 1987. Ngôi sao trên vai tôi trĩu nặng tình đồng đội, nghĩa đồng bào và lòng biết ơn hai người phụ nữ...".

Nói "thời bình" là để tìm một dấu mốc trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Nhưng từ khi khoác áo lính, hết chống Pháp ở chiến trường Bắc bộ, chống Mỹ ở chiến trường Thừa Thiên, một trong những nơi chiến sự ác liệt, nóng bỏng nhất; rồi sau năm 1975 là chiến trường Tây Nam, biên giới phía Bắc cho đến khi trở về sống trong một căn hộ chung cư ở quận Tây Hồ; tướng Nguyễn Đức Huy chưa một ngày thực sự được nghỉ ngơi. Mỗi ngày với ông là một trận chiến. 

Tướng Nguyễn Đức Huy thời chống Mỹ (bìa phải) cùng lãnh tụ Cuba Fidel Castro ở chiến trường Quảng Trị năm 1973
Tướng Nguyễn Đức Huy thời chống Mỹ (bìa phải) cùng lãnh tụ Cuba Fidel Castro ở chiến trường Quảng Trị năm 1973

“Viết lại những quyển sách đời binh nghiệp của mình cũng là một trận chiến, đặc biệt là chiến trường Vị Xuyên”. Vị tướng già tuổi ngoài 90 vẫn gửi nhiệt huyết vào những dòng chữ: "Cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược (17/2/1979 đến 18/3/1979; tháng 4/1984 đến tháng 10/1989 đã đi qua hơn 40 năm nhưng do yêu cầu đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nên cho đến nay ta không nói hoặc ít nói về hai cuộc chiến tranh này, đặc biệt là cuộc chiến tranh xâm lược lấn chiếm biên giới Vị Xuyên. Do đó trong nhân dân ta, ngay cả các cán bộ cao cấp của quân đội không biết hoặc biết rất ít về cuộc chiến.

Sách giáo khoa chưa được biên soạn, lịch sử các đơn vị đã trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên chưa được viết nên cuộc chiến tranh này gần như bị quên lãng. Nhưng tôi là người đã trực tiếp tham gia chiến đấu cả hai cuộc chiến tranh ở cương vị sư đoàn và quân khu, còn được sống trở về với núi tư liệu và hồi ức cuộc chiến trĩu nặng trên đôi vai. Xương máu những người nằm xuống thôi thúc tôi phải viết!".

Tướng Huy trao cho tôi cuốn Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên, nói: "Cô đọc đi. Ẩn số sự im lặng nằm trong quyển sách này!".  

Tôi đọc, cuốn sách mỏng thôi, mà lòng tôi dâng trào những cung bậc cảm xúc. Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên không chỉ là nỗi day dứt khi nghĩ về đồng đội, chiến sĩ; những hy sinh và mất mát, đau thương. Hơn 4.000 dân quân đã ngã xuống ở Vị Xuyên, trong cuộc chiến không cân sức. Những năm ấy, khi thế hệ chúng tôi hồn nhiên sống, loay hoay với những câu hỏi đâu là giá trị cuộc đời, hăm hở lập thân lập nghiệp, thì ở mặt trận Vị Xuyên, những trận đánh giữ đất đã diễn ra quyết liệt. Những người lính dũng cảm đã tiêu diệt và làm bị thương hơn một vạn quân xâm lược, buộc chúng phải rút về bên kia biên giới.

Tướng Huy truyền dẫn nỗi day dứt cho nhiều người khi nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên còn rất nhiều ngôi mộ vô danh, nhiều hài cốt chưa được quy tập. Nhưng hồi ức cuộc chiến tranh của ông không chỉ có những trận đánh tiếp nối trận đánh, những khắc phục sai lầm, chiến lược và chiến thuật để giành thắng lợi, mà còn có những khoảng lặng làm trĩu nặng lòng người.

Và không chỉ Vị Xuyên, cả cuộc đời binh nghiệp của ông gây xúc động cho tôi bởi những cảm xúc rất con người. Ở chiến trường Khe Sanh, vừa thoát khỏi lằn ranh sinh tử, vị tướng cầm quân viết những dòng xúc động khi nghe tin báo vợ sinh con trai. Vào cái ngày chỉ huy đội quân tiến vào Sài Gòn, nghe tin vợ sinh con, ông nhắn về, dặn vợ đặt tên con trai là Thắng.

Vậy đó, cái chết không hủy hoại được sự sống. Nguồn năng lượng từ tình yêu người chồng, người cha dành cho vợ con đã tiếp thêm cho ông sức mạnh để chiến đấu. 

Ông tâm sự: "Khi đang là Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô, đầu tháng 2/1985, Bộ Quốc phòng cho người xuống hỏi ý kiến để đưa tôi lên chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên. Tôi hơi bất ngờ và cũng không ít nghĩ suy. Trong suốt cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, rồi hòa bình chưa yên lại đi biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào; gánh nặng gia đình đều dồn trên vai vợ. Cô ấy vừa dạy học, vừa nuôi năm đứa con thơ, phụng dưỡng mẹ già nên tần tảo, xoay xở đủ kiểu thời bao cấp, thật gian khổ, nhọc nhằn để có một hậu phương ổn định, cho tôi yên tâm chiến đấu ngoài mặt trận.

Khi về công tác tại Quân khu Thủ đô, tôi nghĩ đây là thời cơ để gia đình sum họp, để tôi gánh vác khó khăn với vợ, cùng vợ nuôi dạy con cái, bù đắp cho vợ. Tôi đưa cả gia đình từ Thái Bình về Hà Nội. Chưa được cấp nhà, cả gia đình phải ở tạm căn phòng khách quân khu chỉ 15 mét vuông, cũng chưa có hộ khẩu. Thời ấy không nhà, không hộ khẩu là chuyện rất căng thẳng, rồi còn chuyện học hành của những đứa con. Nhưng tôi là người lính, Tổ quốc gọi thì lên đường...".  

Tôi hỏi phu nhân tướng Huy - bà Nguyễn Thị Minh Thuận: "Hồi đó trước quyết định của chú, cô nghĩ sao?". 

Bà chân thành nói: "Nghĩ thì rất nhiều, nhưng tôi cũng chẳng biết làm sao. Làm vợ lính, tôi đã quen với những quyết định bất ngờ và chấp nhận, đối mặt với những tình huống xấu nhất. Thực lòng lúc đó tôi choáng váng. Sau bao năm xa cách, giờ vợ chồng những tưởng được bên nhau, cùng được sống những ngày hạnh phúc, nuôi nấng con cái thì ông ấy lại tiếp tục ra mặt trận, bỏ lại tôi với đàn con giữa Hà Nội, chuyện nhà còn dang dở...". 

"Rồi cô xoay xở ra sao?", tôi hỏi. Bà nói: "Tôi rất lo, có quá nhiều nỗi lo. Những đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn giữa Hà Nội, mà Hà Nội rất khác với Thái Bình. Để lo cho bao nhiêu miệng ăn mà hộ khẩu không có, tem phiếu không đủ, thật vất vả. Tiền lương của giáo viên cấp II về hưu của tôi, lương đại tá thời bao cấp của ông ấy không thấm vào đâu với nhu cầu của một đại gia đình giữa thủ đô. Tôi phải xoay xở đủ kiểu. Tôi đi giao bánh mì cho các cửa hàng ăn uống, rồi may mắn xin được một suất bán vé xổ số kiến thiết ở thủ đô, mỗi ngày có thêm được vài ba ngàn đồng.

Khó khăn rồi cũng qua. Gia đình tôi được quân khu cấp nhà, cuộc sống bắt đầu ổn định. Nhà có ổn thì ông ấy mới yên tâm chiến đấu ngoài mặt trận. Có những lúc phải nuốt nước mắt vào trong, nhưng tôi không bao giờ than thở, nói về những khó khăn. Tôi đã quen cảnh một mình nuôi dạy con cái để chồng làm nhiệm vụ chiến đấu. Hơn nữa, bên cạnh tôi còn có sự chia sẻ, động viên của quân khu. Tôi cũng được tiếp thêm nhiều sức lực...".  

Tướng Nguyễn Đức Huy: Ngôi sao trên vai tôi có cả ánh sáng từ người mẹ đã sinh ra tôi, từ người vợ đã sinh ra các con tôi...
Tướng Nguyễn Đức Huy: "Ngôi sao trên vai tôi có cả ánh sáng từ người mẹ đã sinh ra tôi, từ người vợ đã sinh ra các con tôi..."

“Nhưng sức chịu đựng của con người cũng có những giới hạn…”, tôi chia sẻ.

Bà nhìn sâu vào mắt tôi: “Tôi biết cô muốn nói gì. Chúng ta là phụ nữ nên dễ đồng cảm. Đúng là có lúc tôi thấy mình đuối sức, thấy mủi lòng, thấy cần lắm bờ vai của chồng để tựa vào. Nuôi dạy bốn đứa con trai trở thành những đứa con ngoan, có chí hướng cũng là một trận chiến không kém phần khốc liệt.

Trận chiến của ông ấy là ngoài mặt trận, đối mặt với sống và chết. Còn trận chiến của một người vợ, người mẹ là vượt qua những phút yếu lòng, vừa kiên định dạy dỗ con, vừa mưu sinh kiếm sống.

Thật quá nhiều cám dỗ, đi sai một bước là gia đình không còn. Vậy nên tôi phải nhủ lòng mình mạnh mẽ, giữ cho được hậu phương. Cực khổ gì tôi cũng chịu được, nhưng tôi không chịu được tổn thương”.  

"Tổn thương? Nhưng cô chú trông thật hạnh phúc, thật đẹp đôi…", tôi kinh ngạc kêu lên. Bà cười, nụ cười bao dung, độ lượng: "Vậy mà có tổn thương đó. Có một lần ông ấy làm tôi khóc, khóc tức tưởi, khóc như chưa bao giờ được khóc. Giờ nhắc lại có khi ông ấy mới nhớ đó!".

Rồi bà kể: "Chúng tôi cưới nhau sau năm 1954. Ông người Hải Dương, tôi quê Thái Bình. Tôi nhỏ hơn ông tám tuổi, mới học lớp Tám, còn ông đã là sĩ quan. Đám cưới được tổ chức tại hội trường Ủy ban tỉnh Thái Bình, chỉ vài gói chè và ít bánh kẹo mà hạnh phúc ngập tràn. Ông ấy lúc đó gầy nhom, nhưng đôi mắt sáng và nụ cười tươi của ông khiến tôi tin cậy để trao gửi cuộc đời. Đâu ngờ làm vợ lính là chờ đợi, nhớ thương đằng đẵng.

Một hôm, nhận được thư của một chiến sĩ đơn vị ông báo tin "chú bị thương", lòng tôi nóng như lửa đốt. Một cô gái chưa từng bước chân ra khỏi đồng bằng Bắc bộ nhưng nghe tin chồng bị thương, tôi quyết đạp xe từ Thái Bình vào Nghệ An, vượt hơn 300 cây số thăm ông.

Đường đi không biết, tới đâu hỏi tới đó, không có dép, tôi đi guốc, với cái túi đựng vài bộ quần áo ràng phía sau xe. Năm 1968, địch đã ném bom xuống miền Bắc. Lo cho chồng, tôi đạp xe băng qua những trận mưa bom.

Ròng rã ba ngày đêm, tôi đến được đơn vị đóng quân của chồng ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Do giữ bí mật, đêm đó đơn vị đưa tôi đến gửi ở tạm trong một nhà dân. Chú lính cẩn thận xem giấy chứng minh của tôi rồi nói: "Thủ trưởng họp sư đoàn, mai mới về".

Đêm ấy, tôi nằm trằn trọc trên tấm phản gỗ, không sao ngủ được, mong được gặp chồng biết bao. Sáng hôm sau thì ổng về. Tôi cứ nghĩ ổng sẽ rất vui mừng khi gặp vợ, nào ngờ ổng nghiêm mặt, quắc mắt lạnh lùng hỏi: "Cô vào đây làm gì?". Tôi sững người. Trời ơi, tôi vượt hàng trăm cây số, bao nguy hiểm rình rập, đạn bom, đói khát, ít ra cũng có được một nụ cười chứ! Vậy mà...

Tôi tủi thân, nghẹn ngào, nước mắt cứ thế tuôn giàn giụa. Tôi khóc ngon lành, khóc tức tưởi. Ông bà cụ chủ nhà hoảng hồn, không biết có chuyện gì mà gặp chồng, vợ lại khóc như mưa...".

Nhắc lại chuyện cũ bà vẫn không nguôi xúc động, mắt rưng rưng. Tướng Huy nhìn vợ, thoảng nụ cười trên môi, dịu dàng: "Chuyện cũ, bà nhắc tôi mới nhớ. Mà bà nhớ lâu quá. Tôi lúc đó cũng có khó xử. Ừ, thì tôi có bị thương thật, nhưng chỉ nhẹ thôi. Chắc là chú lính thương tôi mới báo tin cho bà. Đơn vị huấn luyện, rất bí mật, mình là chỉ huy, lại đưa vợ tới, coi sao được. Nên thật tình thấy vợ xuất hiện, tôi mừng quýnh, nhưng phải cố kìm nén. Quá nhiều cảm xúc, không biết nói gì, nên vụng về thốt ra một câu rất vô duyên. Tôi cứ ân hận mãi về chuyện này!". 

Bà cười: “Ừ, thì tại cô nhà báo hỏi, tôi chạnh lòng chợt nhớ chuyện xưa thôi. Tôi rất nhớ ơn ông bà cụ năm đó đã thương vợ chồng mình như con cái trong nhà, cho tôi với ông ở bên nhau, không kiêng kỵ gì”.  

Vượt hơn 300 cây số bằng xe đạp, băng qua mưa bom bão đạn, để gặp chồng, được sống bên nhau một đêm rồi đạp xe trở về; tình vợ chồng người lính thật đằm, sâu. Lớp trẻ chúng tôi ngày nay đọc nhiều truyện ngôn tình, thật khó tưởng tượng ra một tình yêu sâu thẳm đến vậy. 

Tướng Nguyễn Đức Huy và phu nhân Nguyễn Thị Minh Thuận, tại nhà riêng năm 2020
Tướng Nguyễn Đức Huy và phu nhân Nguyễn Thị Minh Thuận, tại nhà riêng năm 2020

Rót nhẹ tách trà xanh đưa về phía vợ, vị tướng già trầm ngâm nói: "Tôi được phong tướng năm 1987. Ngôi sao trên vai tôi trĩu nặng tình đồng đội, nghĩa đồng bào và lòng biết ơn hai người phụ nữ. Đó là mẹ tôi. Mới 12 tuổi tôi đã mồ côi cha. Mẹ tôi một nách nuôi ba đứa con thơ. Bà làm vú em cho người ta, quần quật cả ngày mà chỉ dám ăn một bữa, còn bữa cơm chiều gói lại, bọc vào vạt áo mang về cho con. Khi tôi đi bộ đội, người gầy nhom, chỉ 37 ký lô. Mẹ ở nhà tần tảo, thêm nỗi lo cho đứa con chiến chinh trận mạc.

Còn vợ tôi, với bản lĩnh một cô giáo, lại quen với cảnh vợ bộ đội nên một mình nuôi dạy con cái để chồng làm nhiệm vụ, đã gạt đi tất cả khó khăn để động viên chồng yên tâm ngoài mặt trận. Cả năm đứa con đều nên người, thành đạt là nhờ ở người mẹ. Công lao này quá lớn. Ngôi sao trên vai tôi có cả ánh sáng từ người mẹ đã sinh ra tôi, từ người vợ đã sinh ra các con tôi...". 

Bà xúc động, nghẹn ngào nói: "Sao mãi đến bây giờ tôi mới được nghe ông nói như thế này?". 

Có một khoảng lặng giữa đôi vợ chồng tướng quân. Tình yêu ông dành cho vợ con chuyển hóa trong tình yêu đất nước. Hòa bình thì cuộc chiến tranh mới cũng bắt đầu. Năm 1976, Sư đoàn 325 do ông làm tư lệnh đã có mặt ở Lào, làm nhiệm vụ giúp đỡ nước bạn. Ông không thể quay mặt trước sự bất hạnh của một người mẹ góa chồng có tám đứa con, không biết ra đi lúc nào vì biến chứng bệnh tiểu đường. Trước khi qua đời, người mẹ ấy gặp ông, nhờ nuôi hộ đứa con nhỏ mới năm tuổi. Bà Minh Thuận vợ ông đã đón nhận đứa bé với tình thương người mẹ, cho đứa trẻ ăn học. Hết phổ thông, cô bé ấy vào bộ đội, trở thành thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp.

Giờ đây, gánh nặng trên vai người vợ tướng quân đã vơi nhẹ. Được đền đáp bằng tình yêu thương của con cháu, nhưng bà vẫn bên ông trong cuộc chiến thầm lặng không tiếng súng. Hòa bình nhưng đâu có bình yên. Năm 1994 ông được nghỉ hưu nhưng không một ngày nghỉ ngơi. Tướng quân vẫn đau đáu trước sự tồn vong Tổ quốc, về chủ quyền của biên cương. Ông lập Ban Liên lạc cựu chiến binh toàn quốc Mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang để xương máu những người lính ngã xuống biên giới năm xưa không bị lãng quên.

Đôi chân người lính già tuổi ngoài 90 vẫn chưa chùn khi đặt chân lên quần đảo Trường Sa, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về tình yêu và chủ quyền biển đảo. 

Ông viết các cuốn sách Một đời binh nghiệp, Ký ức chiến trường, Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên vì "phải nói cho con cháu biết những góc khuất lịch sử, để quý trọng hơn những ngày hòa bình hôm nay, để hiểu phải đổi bằng biết bao mất mát, hy sinh…". 

Những đêm vị tướng già thức dậy sớm ngồi bên bàn viết, vợ ông cũng thức, pha cho ông ấm trà xanh. Đôi khi ông bà không nói gì với nhau, chỉ lặng im, chìm vào tĩnh lặng của ban mai, bởi phút thinh lặng này nói thay biết bao điều. Tình vợ chồng, nghĩa phu thê đằm và sâu vào những trang sách của tướng quân. 

Trầm Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • 70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    19-12-2024 17:54

    Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh cha già cặm cụi đi cắt cành, bón phân, kéo ống nước tưới cây, tôi thấy lòng đau như ai cắt từng khúc ruột.

  • Xuân… nhặt

    Xuân… nhặt

    19-12-2024 06:46

    Nhà không rộng, chỉ có khoảng ban công là có thể nuôi cây. Vậy là ba cứ đem cây về chăm sóc, tưới tắm, nâng niu.

  • Tôi đi thuê người yêu

    Tôi đi thuê người yêu

    18-12-2024 17:05

    Tại TPHCM, có một dịch vụ được chào mời vừa công khai lại vừa kín đáo: dịch vụ của những người yêu thuê giờ.

  • Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    18-12-2024 10:30

    Tôi nhận ra, ở độ tuổi ngấp nghé 50 của mình, tôi đi viếng đám tang nhiều hơn những đám, tiệc khác.

  • “Tạm ứng” gối chăn

    “Tạm ứng” gối chăn

    18-12-2024 06:17

    Trong công việc, cuộc sống, người ta có thể tạm ứng nhiều thứ, nhưng tạm ứng gối chăn sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.

  • Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    17-12-2024 18:37

    Lòng con canh cánh về mối tình ngang trái của mình. Mỗi khi nghe ai đó nói “phi công trẻ”, “hồng hài nhi”… là con lại chộn rộn, mắc cỡ.

  • Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    17-12-2024 12:48

    Bạn thuyết phục ròng rã mấy tháng trời. Bạn bảo sẽ cùng tôi đi bộ về đích để tôi không thấy ngại.

  • Chữ hiếu trong kinh doanh

    Chữ hiếu trong kinh doanh

    17-12-2024 08:51

    Tôi thích được ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa, được ăn cơm với mẹ, được cùng mẹ đi thăm bà con… Mấy món mẹ nấu là ngon nhất thế giới.

  • Trăm năm trong cái nắm tay

    Trăm năm trong cái nắm tay

    17-12-2024 06:03

    Người ta có thể dễ dàng đến bên nhau, nhưng liệu có bao nhiêu người đi được cùng nhau tới tuổi xế chiều?

  • “Siêu xe” của ông nội

    “Siêu xe” của ông nội

    16-12-2024 16:19

    Chiếc “siêu xe” của ông nội đã theo chủ nhân được gần 15 năm. Mỗi ngày, ông luôn dành thời gian chăm chút nó, như người bạn đồng hành đáng tin cậy.

  • Lời nói như dao

    Lời nói như dao

    16-12-2024 13:03

    Cần tránh những lời nói xúc phạm, miệt thị, thay vào đó là những lời nói lịch sự, tôn trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ.

  • Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    16-12-2024 06:21

    Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.

  • Khoảnh khắc dài nhất

    Khoảnh khắc dài nhất

    15-12-2024 17:58

    Chỉ cần gặp mẹ, được ngồi gần mẹ, mọi chênh chao, chơi vơi, xáo trộn đều được lắng xuống, chữa lành.

  • Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    15-12-2024 16:54

    Có lẽ vì vị mè ướp đẫm mồ hôi của ngoại, cũng có thể vì khói bếp thân thương làm thơm chén cơm nóng hổi quyện cùng vị muối mè mằn mặn.

  • Con bình thường hay đặc biệt?

    Con bình thường hay đặc biệt?

    15-12-2024 06:48

    Mong con thông minh vượt trội hay chỉ cần con khỏe mạnh, bình thường, câu trả lời của bạn là gì?

  • Ngưng đổ lỗi!

    Ngưng đổ lỗi!

    14-12-2024 19:37

    Người luôn tự coi mình là nạn nhân hiếm khi nhận ra lỗi của chính mình, cũng khó có cơ hội nhận ra khả năng của bản thân khi cố gắng.

  • Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    14-12-2024 15:48

    Sau bao nhiêu năm cách lòng, tôi đã thật sự hiểu mẹ, hiểu rằng mẹ có những lý do để rời xa ba, nhưng chưa bao giờ mẹ rời xa tôi.

  • Nuôi dạy con xuyên biên giới

    Nuôi dạy con xuyên biên giới

    14-12-2024 06:14

    Vì công việc đặc thù, có những ông bố, bà mẹ phải chấp nhận cảnh nuôi dạy con xuyên biên giới.