PNO - Dù nhận kết quả âm tính khi kiểm tra COVID-19 nhưng cô gái trẻ tại tỉnh Sơn La vẫn phải nhập viện vì tê liệt nửa thân dưới do tác động của việc lạm dụng bóng cười.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên phân tích hình ảnh tổn thương tủy sống của bệnh nhân ngộ độc N2O
Chân tay vẫn yếu ớt, chưa thể đi lại, N.H.N. (26 tuổi, ngụ tỉnh Sơn La) - bệnh nhân nữ đang điều trị tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai), nhắc đi nhắc lại: “Nếu cho tôi một 1 tỷ, tôi cũng không dám hít thêm một quả bóng cười nào nữa”.
N. sử dụng bóng cười (khí N2O) lần đầu tiên vào năm 2018, khi liên hoan cùng nhóm bạn cũ. Cảm giác lần đầu nếm trải, với N. không có gì đặc biệt ngoài một chút “vui vui” và mùi khí khét lẹt, có phần khó chịu. Thế nhưng, sau vài lần hít bóng, tần suất tăng dần lên khiến N. bị nghiện lúc nào không hay. “Chúng tôi thường tập trung 5-6 bạn gái, chơi với nhau thâu đêm. Ngày nào ít thì hút khoảng 10 trái, còn ngày nhiều thì… không kể”, N. kể. Theo N., hút bóng cười khiến mình cảm thấy vui vẻ, phấn chấn hơn. Tuy nhiên, sau một thời gian, N. nhận ra, bóng cười không khác gì heroin: “Nếu không hít bóng đều đặn, đúng giờ thì cơ thể sẽ co giật, tím tái, toát mồ hôi hột và chân tay bủn rủn không thể làm gì”.
Cách đây hơn một tháng, N. quyết định “cai bóng”. Mười ngày sau, cô gái trẻ bắt đầu có cảm giác mệt mỏi, chán ăn và sốt nhẹ. Dù vậy, N. hoàn toàn không nghĩ đây là ảnh hưởng của bóng cười. N. kể lại quá trình đi chữa “căn bệnh lạ”: “Ngày thứ nhất, nghi mình nhiễm COVID-19 nên tôi đi xét nghiệm, kết quả xét nghiệm âm tính. Ngày thứ hai, tôi đi lại không vững, loạng choạng và té ngã. Lần này, tôi lại đến bệnh viện nhưng cũng không tìm ra nguyên nhân. Các bác sĩ chẩn đoán bị trào ngược dạ dày và thiếu máu lên não, cho truyền thải độc tại nhà nhưng không cải thiện. Tôi tiếp tục đi châm cứu khoảng chục ngày và kết quả chân tay mềm oặt. Nửa thân dưới liệt hẳn, không thể nhúc nhích”.
Tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, N. được chẩn đoán ngộ độc khí N2O. Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng không thể đi, ăn uống mất cảm giác, cơ thể mệt mỏi, tay tê bì. Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, khi chụp cộng hưởng từ cho bệnh nhân, kết quả hình ảnh cho thấy tổn thương não và tổn thương tủy sống rất đặc trưng của các ca ngộ độc khí N2O. Những tổn thương này khiến bệnh nhân có biểu hiện rối loạn cảm giác và dẫn tới yếu cơ, liệt chi.
Cần cấm sử dụng cho mục đích giải trí
Không chỉ trường hợp của N.H.N., vài năm trở lại đây, tình trạng ngộ độc khí Dinitơ Monoxit (N2O) được ghi nhận khá phổ biến tại Bệnh viện Bạch Mai. Khi đi vào cơ thể, N2O gây ngộ độc cấp, khí này chiếm chỗ ô-xy trong phổi rất nhanh và mạnh. Người hít khí có cảm giác kích thích, hưng phấn nhưng có thể bị ức chế thần kinh, lơ mơ, thậm chí ngưng thở dẫn đến tử vong. Bác sĩ Nguyên cho biết, các bệnh nhân nhập viện ở độ tuổi trung bình từ 20-30, trường hợp trẻ nhất là 15 tuổi. Hầu hết, những bệnh nhân này đều vào viện khi bệnh đã trở thành mạn tính, bị tổn thương não, tủy sống và dây thần kinh. Bệnh nhân có biểu hiện rối loạn cảm giác như tê bì như kiến bò từ đầu ngón tay, ngón chân tới vùng bẹn. Bệnh nhân yếu cơ, liệt cơ. Ngoài ra, còn có thể có rối loạn tâm thần như hoang tưởng, ảo giác, rối loạn tính khí.
N2O cũng tác động tới hàng loạt các cơ quan khác của cơ thể như gây ức chế tủy xương khiến thiếu máu, làm giảm khả năng sinh sản ở nữ giới và dễ sẩy thai... “Có những bệnh nhân sử dụng trong 10 ngày đã ghi nhận tổn thương trên cơ thể. Hoặc nhiều bệnh nhân dù chưa có biểu hiện điển hình nhưng khi chụp cộng hưởng từ có thể thấy rất rõ tổn thương ở não”, bác sĩ Nguyên nói.
Phân tích về loại khí này, bác sĩ Nguyên nhận định: “N2O rất giống với ma túy”. Thứ nhất, N2O vốn được sử dụng an toàn trong lĩnh vực y tế (gây mê) hay công nghiệp thực phẩm (chất tạo bọt) chứ không phải sử dụng vì mục đích giải trí. Thứ hai, cách thức tác động trên cơ thể của N2O giống với heroin. Thứ ba, bệnh nhân có xu hướng sử dụng tăng liều, lạm dụng thêm các chất gây nghiện khác, gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với cơ thể. Ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, nhiều bệnh nhân từ hít một vài quả bóng đã chuyển sang đơn vị tính bằng bình. Thậm chí, có những bệnh nhân còn chụp túi ni-lông chứa khí vào đầu để “phê” lâu hơn.
Hiện nay, Bộ Y tế đã có văn bản đồng thuận với TP.Hà Nội về việc ngưng sử dụng khí N2O trong khu vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, với những tác hại mà N2O gây ra và thực tế ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc tại các tỉnh thành, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên kiến nghị, Bộ Y tế và Chính phủ nên sớm đưa N2O vào danh mục chất cấm sử dụng cho mục đích giải trí để từ đó có các biện pháp quản lý đồng bộ, chặt chẽ.
Mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ Y tế quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng khí N2O trong lĩnh vực y tế. Đồng thời, Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá tác động của việc sử dụng khí N2O đối với sức khỏe con người để kiến nghị các biện pháp quản lý, kiểm soát phù hợp. Phó thủ tướng giao Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi giải thích từ ngữ về chất hướng thần trong quá trình xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) để có cơ sở bổ sung khí N2O và các chất tương tự vào danh mục các chất ma túy và tiền chất trong nghị định của Chính phủ.