Cùng lúc với “dự báo” doanh thu của tập đoàn sẽ đạt hàng chục ngàn tỷ đồng vào năm tới, một ông “vua” về cá tra tại Việt Nam đánh tiếng sẽ… nghỉ ngơi. Trước đó, chủ một tập đoàn về thiết bị di động cũng đã sớm chuyển giao quyền lực cho thế hệ kế thừa trong lúc kết quả kinh doanh vẫn “tương đối ấn tượng”.
Sự già cỗi và bị “thanh lý” kiểu như vậy đã ập đến với các ông lớn trên thế giới từ nhiều thập niên trước. General Motors - tập đoàn xe hơi Hoa Kỳ quyền lực nhất thế giới - đã phải ngã quỵ vì không phản ứng nhanh và hiệu quả trước sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu của Nhật Bản với những chiếc xe đẹp hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn và rẻ hơn.
Nếu như có 30 triệu người mua sắm tại Walmart mỗi ngày, thì song song đó, cũng có 3 tỷ người trên thế giới không bao giờ đặt chân vào bất kỳ cửa hàng Walmart nào. Đơn giản, họ là những người có thu nhập ít hơn 2 USD/ngày. Nhưng những người “nhìn xa” thấy rằng, họ chính là hàng tỷ khách hàng tiềm năng cho những đối thủ của Walmart biết chọn thị trường này để khởi nghiệp.
Đưa ra lập luận “tương lai không nằm trong tay các tập đoàn”, Kjartan Rist - chuyên gia về khởi nghiệp và phát triển bền vững châu Âu - cho rằng, “sức mạnh để đổi mới đang rơi vào tay của những cá nhân siêu tài năng” cùng với sự phát triển không tưởng tượng nổi của công nghệ.
|
Ảnh minh hoạ từ internet |
Theo ông, các tập đoàn lớn nhất và thành công nhất cũng là những người sử dụng lao động lớn nhất. Họ có quy trình sản xuất, bán hàng, phân phối, nhà kho, hậu cần, tất cả đều làm việc hài hòa để cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Các đối thủ cạnh tranh hầu như không tồn tại. Để xây dựng cơ đồ như thế, phải mất nhiều năm và đòi hỏi đầu tư vốn đáng kể.
Thế nhưng, với sự phát triển của công nghệ, mô hình thành công đã hoàn toàn thay đổi, với nhiều doanh nghiệp thành công rực rỡ mà chỉ cần rất ít nguồn lực. Whatsapp là một ví dụ: công ty non trẻ này đạt giá trị 19 tỷ USD nhưng chỉ cần có 55 nhân viên.
“Khi chúng ta bước vào làn sóng đổi mới công nghệ tiếp theo, chúng ta sẽ ngày càng chứng kiến sự chuyển giao quyền lực khỏi các tập đoàn truyền thống vào tay các nhóm nhỏ hơn của các cá nhân có kỹ năng cao và siêu tài năng” - Kjartan Rist tiên đoán.
Ông cho rằng, hơn bao giờ hết, lúc này là thời điểm thú vị để trở thành một doanh nhân. Các công nghệ mới nổi mang đến nhiều cơ hội chưa từng có để đổi mới mô hình doanh nghiệp với yêu cầu tối thiểu về tài nguyên và cơ sở hạ tầng dựa trên các nền tảng ứng dụng, phần mềm như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (machine learning), thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR) và vạn vật kết nối mạng (internet of things)…
Việc xác định, tối đa hóa các kỹ thuật phức tạp và ngày càng phức tạp này đòi hỏi người khởi nghiệp cùng với nó phải có kiến thức, kỹ năng chuyên môn tương đương, cũng như khả năng đáp ứng nhanh chóng các cải tiến và sự cạnh tranh mới.
Trở lại điểm yếu của các tập đoàn, ông cho rằng, sức mạnh tương lai không phụ thuộc vào kích thước. Các tập đoàn luôn phải vật lộn để đổi mới, sự cồng kềnh đã khiến họ thiếu sự nhanh nhẹn tự nhiên và linh hoạt so với các doanh nghiệp nhỏ hơn.
Khi bước vào các giai đoạn đổi mới theo quy luật, việc những người đương nhiệm trở nên khó khăn hơn để theo kịp tốc độ thay đổi là hiển nhiên. Điều mà tập đoàn kinh tế lớn đang thiếu là khả năng khai thác sức mạnh của những cá nhân tài năng nhất, bằng cách cung cấp một môi trường để họ phát triển thật mạnh.
Sự lột xác cần những “con ngựa chứng” và những ông chủ biết chấp nhận rủi ro. Cá nhân đó cần sự tự do vượt ra ngoài các quy tắc của công ty. Bao giờ cũng vậy, các nhà cải tiến cực đoan nhất sẽ không bao giờ phù hợp với các cấu trúc cổ hủ, lỗi thời. Trên thực tế, rất khó để các doanh nghiệp lớn thu hút, tập hợp và giữ chân những cá nhân như vậy. Thật không may, họ lại là nhân tố then chốt cho đổi mới, sáng tạo.
Thông tin mới nhất về ông chủ tập đoàn Vingroup rời bỏ vị trí chủ tịch một công ty con chuyên về bất động sản khiến nhiều tay “hóng chuyện” đưa phỏng đoán: rất có thể đó là một hướng đi mới của ông tỷ phú muốn đưa tập đoàn này trở thành tập đoàn công nghệ. Nếu vậy thì quả là đúng xu thế mà bài viết này đang phân tích.
Chỉ lưu ý rằng, sẽ không giống như đầu tư vào đất đai với nền tảng là “chạy chính sách” để có được những dự án trên nền đất được định giá rẻ mạt. Việc đầu tư vào các công nghệ tiên tiến lại vô cùng rủi ro khi các tập đoàn lâu nay chủ yếu chỉ “dịch chuyển giá trị” chứ không thể tạo ra bất kỳ giá trị nào mới. Nó hoàn toàn đối lập với những người mới với khát vọng sáng tạo.
Đổi mới đòi hỏi sự nhanh nhẹn và cấp tiến - những điều không thể có trong những tập đoàn bị lệ thuộc vào chính trị, ác cảm với thay đổi, lo lắng về các dòng doanh thu và sản phẩm hiện có. Niềm hy vọng thực sự và duy nhất của họ là chỉ là các hợp đồng chuyển giao công nghệ từ các nghiên cứu (spin-off), liên doanh hoặc cùng lắm là “mua lại” những cá nhân tài năng nhất, chứ hoàn toàn không phải là thứ đổi mới nội sinh.
Xin nhắc lại, những người thành công trong làn sóng đổi mới tiếp theo sẽ là những cá nhân và nhóm nhỏ có kỹ năng, kỹ thuật cùng tầm nhìn với tất cả sự tự do và nhanh nhẹn để khám phá những bí ẩn còn lại của thị trường toàn cầu. Những cá nhân xuất sắc đó sẽ nhận sự hỗ trợ đầy đủ từ các nguồn lực, mạng lưới và tiếp cận vốn từ các nhà đầu tư rủi ro để làm theo bản năng của mình, hơn là bị các tập đoàn “mua lại”.
Tương tự, với cái nhìn của Grant McCracken - nhà nghiên cứu nhân học thuộc Đại học MIT (Hoa Kỳ) - tập đoàn là một thứ của quy trình, địa điểm và sản phẩm được xác định tương đối rõ ràng, có tổ chức, bị ràng buộc và bị “bám rễ”.
Chính vì vậy, các tập đoàn đang vô cùng mâu thuẫn với tương lai, vì tương lai không bao giờ được định nghĩa, tổ chức, ràng buộc hay neo đậu. Do đó, đối với các tập đoàn, tương lai trông giống như kẻ thù, nơi có đủ mọi rủi ro nhưng ý tưởng thì dần cạn kiệt.
Chỉ có một cách duy nhất để sống trong một thế giới tốc độ, bất ngờ, ồn ào hôm nay, đó là phải thường xuyên “thăm hỏi” tương lai. Đây là đòi hỏi quá xa lạ với những chủ tịch già nua nắm giữ cả núi tiền.
Quốc Ngọc