Tương lai là của phụ nữ và trẻ em

11/03/2022 - 06:29

PNO - Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII được kỳ vọng có những bứt phá để “tương lai là phụ nữ”, “tương lai là trẻ em”.

Có lẽ tháng Ba hằng năm chỉ thật sự khởi đi từ ngày thứ tám, ngày cả thế giới tôn vinh những thành tựu chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa của nữ giới. Năm nay, trong dịp này, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII chính thức khai mạc với tinh thần Đoàn kết - Nhân văn - Sáng tạo - Phát triển.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2017-2022, người ta chú ý đến mục tiêu cho năm năm sắp tới được nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Hội LHPN Việt Nam khóa XII trình đại hội lần này.

Bà Lâm Thị Ngọc Hoa (bìa phải), Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TPHCM, đại diện chương trình Vòng tay yêu thương tặng quà cho trẻ mồ côi, khó khăn tại Q.4, TPHCM vào chiều 2/11. Đây là một trong những chương trình hưởng ứng chương trình Mẹ đỡ đầu do Trung ương Hội phát động - Ảnh: Diễm Trang
Bà Lâm Thị Ngọc Hoa (bìa phải), Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN TPHCM, đại diện chương trình "Vòng tay yêu thương" tặng quà cho trẻ mồ côi, khó khăn tại Q.4, TPHCM vào chiều 2/11/2021. Đây là một trong những chương trình hưởng ứng chương trình "Mẹ đỡ đầu" do Trung ương Hội phát động - Ảnh: Diễm Trang

Trong tám chỉ tiêu mà hội đưa ra trong văn kiện, có chỉ tiêu hằng năm, mỗi cơ sở hội duy trì thường xuyên ít nhất một loại hình hoạt động để vận động phụ nữ nâng cao kiến thức, trau dồi đạo đức, rèn luyện sức khỏe; hằng năm, giúp 33.500 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực cho 17.000 nữ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh; đến cuối nhiệm kỳ, các cấp hội hỗ trợ 80% phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người trở về được phát hiện tiếp cận ít nhất một dịch vụ trợ giúp xã hội… 

Chức năng quan trọng của hội là đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ… nhưng Hội đã không quên trẻ em trong các định hướng hoạt động của mình. 

Theo kết quả điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 do Quỹ nhi đồng (UNICEF), Quỹ dân số (UNFPA) của Liên Hiệp Quốc và Tổng cục Thống kê công bố cuối năm ngoái, có 4% trẻ em bị nhẹ cân khi sinh; chỉ có 23,5% trẻ em sinh ra trong hai năm trước thời điểm điều tra được bú mẹ trong vòng một giờ sau sinh, 45,4% trẻ em dưới sáu tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn, 60,7% trẻ em dưới sáu tháng tuổi được bú sữa mẹ là chủ yếu và 66,5% được tiếp tục bú mẹ khi một tuổi; tỷ lệ hoàn thành cấp tiểu học là 98,3%, hoàn thành cấp trung học cơ sở là 86,8% và hoàn thành cấp trung học phổ thông là 58,1%.

Cũng theo các công bố điều tra trên, có 70,8% trẻ dưới 15 tuổi từng phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt của các thành viên gia đình, gồm phạt tâm lý như la hét, chửi mắng, phạt thể xác như đánh bằng tay hoặc dụng cụ; tỷ lệ trẻ dưới 15 tuổi bị xử phạt nặng như đánh mạnh nhiều lần vào mặt, đầu, tai là 1,6%. Kết quả cũng cho thấy tỷ lệ lao động trẻ em từ 5-17 tuổi của Việt Nam là 6,6%.

Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) luôn kiên định với cái nhìn “tương lai là phụ nữ” đối với mọi mô hình phát triển. Điều này có nghĩa, mọi ý tưởng của chúng ta về phụ nữ đang giúp biến đổi thế giới. Bình đẳng giới là một trong những cách chắc chắn nhất để mọi người và mọi quốc gia thoát khỏi đói nghèo, giúp hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững.

Để đạt được các giá trị bền vững, không thể tách rời hai nhóm dễ tổn thương nhất trong xã hội, đó là phụ nữ và trẻ em.

Trước những thực trạng bất lợi cho phụ nữ và trẻ em như nghèo đói, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục… Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII được kỳ vọng có những bứt phá để “tương lai là phụ nữ”, “tương lai là trẻ em”.

Trong các chỉ tiêu cho nhiệm kỳ mới, dự thảo văn kiện đại hội cũng đã xác định: mỗi năm, Hội LHPN các cấp chủ trì giám sát ít nhất một chính sách và phản biện xã hội ít nhất một dự thảo văn bản liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và tổ chức hội. Đến cuối nhiệm kỳ, Hội LHPN cấp Trung ương đề xuất thành công ít nhất năm chính sách, đề án và Hội LHPN cấp tỉnh đề xuất thành công ít nhất một chính sách, đề án liên quan đến phụ nữ. 

Thật khó để xóa bỏ được ngay những thực trạng bất lợi cho phụ nữ và trẻ em. Việc xóa bỏ - hay chí ít là cải thiện chúng - không chỉ là trách nhiệm của riêng hệ thống Hội LHPN. Tuy nhiên, điều mà nhiều người kỳ vọng là, các cấp Hội làm thật tốt vai trò đại diện của mình, để khi trẻ em, phụ nữ gặp phải những “vấn đề” trong cuộc sống, họ nhớ ngay và gọi ngay cho tổ chức Hội.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI