Tương lai bất định của những đứa trẻ tổn thương vì đại dịch

16/06/2021 - 07:51

PNO - Là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, trẻ em trên toàn cầu hoàn toàn bị động với thế giới bên ngoài. Không được ăn uống đầy đủ hay đến trường vì phong tỏa, nghèo khó, dịch bệnh, trẻ còn đối diện với sự mất mát người thân mà không gì có thể bù đắp.

Những đứa trẻ mồ côi vì đại dịch

Đợt bùng phát COVID-19 thứ hai tàn phá và nhấn chìm Ấn Độ là một trong những thảm kịch tồi tệ nhất. Cho dù hiện tại, người Ấn có thể nhẹ lòng khi số ca nhiễm và tử vong giảm nhưng hậu quả và sự mất mát vẫn còn. Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia bảo vệ quyền trẻ em (NCPCR), hầu như không một gia đình nào ở Ấn Độ không bị virus tấn công, hàng ngàn trẻ em phải mồ côi trong vài tuần qua. Hiện có ít nhất 1.742 trẻ em mất cả cha lẫn mẹ và hơn 7.460 trẻ em mất cha hoặc mẹ vì COVID-19. Hậu quả của những mất mát này là để lại cho những đứa trẻ một tương lai mờ mịt. 

Một đứa trẻ bán rau ở Kathmandu, Nepal. Đa số trẻ em được phỏng vấn cho biết thu nhập của gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch
Một đứa trẻ bán rau ở Kathmandu, Nepal. Đa số trẻ em được phỏng vấn cho biết thu nhập của gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch

Đối với chị em Nitish Kumar, ngày đưa xác cha và sau đó là mẹ đi hỏa táng là ngày đen tối nhất trong cuộc đời. Ba của các em là bác sĩ bị nhiễm COVID-19 và qua đời hồi tháng Năm, vài ngày sau mẹ cũng ra đi. Thảm cảnh ập đến với những đứa trẻ vốn được ăn học đầy đủ giờ không biết làm gì khi không có tiền cũng không còn cha mẹ. “Tôi muốn trở thành bác sĩ như cha mình, nhưng ưu tiên bây giờ phải đi tìm việc làm để có cái ăn cho chị em tôi. Với cái chết của cha mẹ, giấc mơ của chị em tôi cũng bị chôn vùi”, cậu bé 14 tuổi Kumar nói.

Thảm kịch mất cha mẹ đối với trẻ em Ấn Độ là vô cùng tàn khốc, điển hình như cặp song sinh sáu tuổi Tripti và Pari được phát hiện nằm ngủ bên cạnh người mẹ đã tử vong vì COVID-19 mà không hề hay biết bà đã chết. Giờ hai bé sống nhờ vào các nhóm nhân đạo. Hay Shatrughn Kumar, 12 tuổi, được mẹ nuôi dưỡng sau khi cha qua đời. Nhưng cách đây không lâu, mẹ em cũng bị COVID-19 cướp đi. Shatrughn Kumar hiện là chỗ dựa duy nhất của em trai tám tuổi và phải làm việc tại một công trường để kiếm sống dù thu nhập rất ít ỏi. 

Nạn bóc lột lao động trẻ em tăng 

Đại dịch cũng khiến nạn bóc lột lao động trẻ em tăng cao, đẩy cuộc sống của những đứa trẻ rơi vào tình trạng bấp bênh, không an toàn. Jo Becker, thuộc Tổ chức Theo dõi nhân quyền, cho biết: “Nhiều gia đình đối mặt với thất nghiệp, không có thu nhập. Một số trẻ em nói rằng cha mẹ chúng đã vay nợ, lâm vào cảnh nợ nần, vì vậy chúng cảm thấy phải làm việc để giúp gia đình”.
Từ các cuộc phỏng vấn hàng trăm trẻ em trong độ tuổi từ 8 - 17 ở Ghana, Nepal, Ấn Độ, và Uganda cho thấy, các em phải làm những việc nặng nhọc như lái xe kéo, khai thác vàng, dệt thảm, làm gạch... “Cái đói khiến chúng tôi không thể ngồi chờ chết”, Florence (13 tuổi, ở Uganda) nói.

Ở một số quốc gia, hơn 1/3 trẻ em làm việc ít nhất 10 giờ/ngày, một số trẻ Nepal làm việc 14 giờ/ngày. Tiết lộ gây sốc nhất là từ Ghana, nơi trẻ em làm việc trong các mỏ vàng, mang vác nặng, hít thở bụi từ máy chế biến và xử lý thủy ngân. Ibrahim (14 tuổi) cho biết: “Tôi thực sự kiệt sức sau khi làm việc”. Sau năm giờ làm việc ở mỏ, cậu chỉ được trả 20 cedis (khoảng 60.000 đồng).

Lao động trẻ em là điều cấm ở hầu hết quốc gia. Tuy nhiên, Jo Becker cho biết, việc thực thi các luật không thể triệt để do ảnh hưởng của đại dịch. “Hầu hết quốc gia mà chúng tôi theo dõi đều có luật lao động trẻ em phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, nhưng do các hạn chế của COVID-19, những nỗ lực trên bị phá vỡ. Vì thế, chỉ khi nào các chính phủ cam kết chi trả trợ cấp trẻ em để giảm áp lực tài chính cho các gia đình để họ mua thực phẩm, trả tiền nhà thì lao động trẻ em mới giảm được”. 

Thảo Nguyễn (tổng hợp)
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI