Tương lai bấp bênh của mạng xã hội

24/03/2024 - 15:42

PNO - Giống như khởi đầu của Facebook hay Twitter - nhằm giúp mọi người chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ trong đời, chúng ta vốn là người nắm giữ ý nghĩa của mọi trang mạng xã hội.

Các mạng xã hội nổi tiếng đang đồng loạt cho thấy dấu hiệu của hội chứng “khủng hoảng danh tính” - như tình huống một người đứng trước “ngã ba đường”. Tại đó, đôi khi chúng ta không chắc chắn về bản thân, về việc nên chọn hướng nào để bước tiếp an toàn tới tương lai. Vậy tương lai của Facebook, TikTok hay Instagram… sẽ thế nào? Chúng có thể bị “khai tử” hay biến đổi hoàn toàn? Ý nghĩa thực sự của mạng xã hội là gì?

Ảnh minh họa: DerekAbella/New York Times
Ảnh minh họa: DerekAbella/New York Times

Cuối năm 2023, 41 bang tại Mỹ đồng loạt đâm đơn kiện Meta (công ty mẹ của Facebook, Instagram, WhatsApp và Messenger). Nguyên nhân vụ việc, theo Bộ Tư pháp Mỹ, xuất phát từ cáo buộc cho rằng công ty này đã cố tình lợi dụng các chức năng trên không gian mạng xã hội để cưỡng ép người dùng vị thành niên tham gia dù lâu nay Meta luôn khẳng định hệ thống diễn đàn họ quản lý “đảm bảo an toàn với trẻ em”.

Luật sư đại diện các bang khởi kiện phát biểu: “Meta khai thác những công nghệ tân tiến để dẫn dắt, lôi kéo, cuối cùng là cám dỗ trẻ em và trẻ vị thành niên thành nạn nhân chịu lệ thuộc vào thế giới mạng. Động cơ của họ là lợi nhuận”.

Bất luận lời buộc tội trên xác đáng đến đâu, có một câu hỏi đáng suy ngẫm hơn ở đây: Phải chăng mọi người, nhất là giới trẻ, đang dựa dẫm quá nhiều vào mạng xã hội?

Khi kết nối dần hóa… hời hợt

Nhà tâm lý học người Mỹ David Greenfield - Giám đốc điều hành một trung tâm cai nghiện công nghệ và internet tại bang Connecticut (Mỹ) - lý giải về thuật ngữ “nghiện mạng xã hội”: “Hãy tưởng tượng đến một chiếc máy đánh bạc có thể thưởng cho bạn những “món quà” thú vị nếu bạn kiên nhẫn mày mò nó. Đây gần như là nguyên lý chung của tất cả mạng xã hội ngày nay. Thông tin, hình ảnh, âm thanh đặc sắc, mới lạ được đưa đến trước mắt chúng ta nhanh chóng, không ngừng, theo đúng sở thích của mỗi người”.

“Vũ trụ kỹ thuật số” Metaverse - không gian internet 3D phản ánh động thái chuyển hướng kinh doanh của Meta sang công nghệ thực tế ảo, thay vì tiếp tục bám trụ vào hệ thống mạng xã hội cổ điển - Nguồn ảnh: New York Times
“Vũ trụ kỹ thuật số” Metaverse - không gian internet 3D phản ánh động thái chuyển hướng kinh doanh của Meta sang công nghệ thực tế ảo, thay vì tiếp tục bám trụ vào hệ thống mạng xã hội cổ điển - Nguồn ảnh: New York Times

Vấn đề thực sự xảy ra khi người dùng “bị đắm chìm quá độ” - theo Greenfield. “Đương nhiên người trưởng thành đã hình thành phản ứng tự tiết chế, kiểm soát nhất định. Nhưng ở người trẻ - đối tượng thường khao khát được gắn kết với thế giới xung quanh, sức cám dỗ nơi không gian ảo đôi khi rất khó cưỡng lại” - ông nói.

Greenfield mô tả mạng xã hội tựa một “liều thuốc tiêm” kích thích tâm trí chúng ta tò mò và phụ thuộc.
Gần 2 thập niên trước, Facebook bùng nổ đầu tiên trong môi trường đại học phương Tây. Nó từng đơn thuần là một không gian trực tuyến được thiết kế giản dị, chủ yếu để giới sinh viên học sinh gặp gỡ và giao lưu. Nối gót không lâu sau đó là Twitter - nơi mọi người chia sẻ ảnh chụp gia đình, bữa ăn ấm cúng hằng ngày. Thuở đầu, Instagram cũng tràn đầy những bài viết, bức ảnh ghi lại khoảnh khắc vui vẻ giữa bạn bè, người thân.

Đáng tiếc, giờ đây, chiếm vị trí nổi bật trên trang chủ Instagram và Facebook lại là đủ loại quảng cáo được tài trợ, tin tức giải trí “câu view” với nội dung thật giả lẫn lộn. Tương tự, đăng nhập vào TikTok, Snapchat, bạn có thể thấy choáng ngợp bởi vô số video quảng cáo hàng tiêu dùng giá rẻ, dịch vụ hẹn hò…

Mạng xã hội đang dần mất đi giá trị kết nối thuần túy, vốn được xem là nền tảng cốt lõi của chúng. Những bài đăng thể hiện bầu không khí thân thiện, chân thật về đời sống không còn phổ biến như trong quá khứ. Thay vào đó, trang mạng càng hấp dẫn nhiều người dùng, nội dung nó thể hiện càng có nguy cơ bị thương mại hóa tràn lan, đôi khi kèm theo ảnh hưởng lợi bất cập hại.

“Mạng xã hội rốt cuộc là gì?”

Một mặt, thực tế này đã khó tránh khỏi trước tốc độ phát triển nhanh - mạnh của nhiều doanh nghiệp truyền thông hiện thời. Tuy nhiên, mặt khác, sự thương mại hóa ồ ạt “có thể khiến chúng ta đánh mất niềm vui bình dị khi sử dụng mạng xã hội” - văn sĩ Brian Chen - một chuyên gia nghiên cứu công nghệ và hàng tiêu dùng - nhận xét.

Những kết nối vô bổ, thiếu kiểm soát có thể dần “giết chết” trải nghiệm mạng xã hội của bạn - Nguồn ảnh: iStock
Những kết nối vô bổ, thiếu kiểm soát có thể dần “giết chết” trải nghiệm mạng xã hội của bạn - Nguồn ảnh: iStock

“Không khó để nhận ra một số tên tuổi lớn như Meta đang ưu tiên liên kết thương hiệu với người dùng thay vì người với người như trước đây” - ông nói.

Nếu một bộ phận người trẻ “nghiện” nội dung vốn bắt đầu trở nên hỗn tạp bởi trào lưu thương mại hóa trên không gian mạng xã hội, một số người khác đang hướng tới những trang web mang tính cộng đồng nhiều hơn.

Hiện có một làn sóng người dùng đã thoát ly khỏi các mạng xã hội lớn, đông thành viên. Ngược lại, họ bắt đầu ưa chuộng một vài không gian ảo nhỏ hơn nhưng đề cao thông điệp kết nối và sẻ chia. Chẳng hạn Mastodon (ra mắt từ năm 2016), được nhìn nhận như phiên bản “thu nhỏ và tự do hơn” của Twitter. Tại đây, mọi người có thể chủ động tạo lập hoặc tìm kiếm nhiều nhóm bạn bè chung sở thích.

Nextdoor (trụ sở tại Mỹ, nay đã lan tỏa đến 11 quốc gia) lại khai thác ý tưởng “gắn bó người dân trong cùng khu vực dân cư”. Mạng xã hội cho phép bạn trò chuyện, học hỏi kinh nghiệm sống với nhiều hàng xóm gần nhà, thông qua các bài đăng cảnh báo tình hình kẹt xe ở một tuyến đường cụ thể, phòng chống trộm và giới thiệu gương người tốt việc tốt.

“Tôi nghĩ vấn đề là những người dùng internet bình thường như chúng ta sẽ không bị lôi cuốn bởi một diễn đàn mạng xã hội “toàn năng”. Mọi người đang có khuynh hướng ưa chuộng các cộng đồng trực tuyến đặc sắc khác nhau bởi chúng truyền tải góc nhìn cuộc sống phong phú. Suy cho cùng, vì con người là một tập thể, chúng ta muốn khám phá và học hỏi lẫn nhau” - giáo sư Ethan Zuckerman - chuyên ngành chính sách công tại Đại học Massachusetts Amherst (bang Massachusetts, Mỹ) - cho biết.

Xu hướng trên đã được dự đoán từ vài năm trước bởi một số nhân vật tiêu biểu trong ngành công nghệ, bao gồm Mark Zuckerberg - Giám đốc điều hành Meta - và Jack Dorsey - một trong những nhà sáng lập Twitter (nay đổi tên là X). Trên thực tế, Dorsey đã luôn nỗ lực thúc đẩy khái niệm “mạng xã hội phi tập trung”. Dù ở quy mô nhỏ, chúng trao cho người dùng nhiều quyền lợi hơn để sáng tạo, kiểm soát nội dung họ muốn tiếp cận mỗi ngày, cũng như kết nối với cộng đồng yêu thích.

Nền tảng Nextdoor gắn kết những người dùng sống cùng khu vực. Trang mạng cũng có chức năng mua sắm hàng hóa, dịch vụ từ doanh nghiệp địa phương để góp phần phát triển cộng đồng - Nguồn ảnh: AFP
Nền tảng Nextdoor gắn kết những người dùng sống cùng khu vực. Trang mạng cũng có chức năng mua sắm hàng hóa, dịch vụ từ doanh nghiệp địa phương để góp phần phát triển cộng đồng - Nguồn ảnh: AFP

Đối với những trang mạng nổi danh, “ngã ba đường” đã gần ngay trước mắt. Động thái thay đổi để hướng về tương lai của chúng đang làm dấy lên tranh cãi nhiều hơn là ủng hộ. LinkedIn - mạng dịch vụ chuyên nghiệp lâu nay chỉ tập trung kết nối giới doanh nhân và doanh nghiệp - gần đây lại trở thành một trang web đăng tin hẹn hò. TikTok đang xây dựng dịch vụ nghe nhạc có đăng ký để cạnh tranh với Spotify - công ty truyền phát nhạc trực tuyến lớn mạnh tại thị trường Âu Mỹ. Trong khi đó, “gã khổng lồ” Facebook ngày càng bị xem như một không gian kinh doanh cho cộng đồng hơn là nơi để chia sẻ câu chuyện cá nhân.

Cây bút Madison Kircher của tờ New York Times gọi đây là “sự hỗn độn vô nghĩa”. “Rốt cuộc, mạng xã hội là gì? Chúng ta - những người dùng internet - luôn có khả năng tìm kiếm lẫn tái lập hàng loạt cộng đồng phù hợp nhu cầu, sở thích riêng ngay trên một diễn đàn sẵn có. Tôi tin vào tính sáng tạo và thích nghi linh hoạt ở con người” - cô bày tỏ.

Giống như khởi đầu của Facebook hay Twitter - nhằm giúp mọi người chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ trong đời, chúng ta vốn là người nắm giữ ý nghĩa của mọi trang mạng xã hội. Kircher nói: “Một không gian mạng lớn nhỏ ra sao, nổi tiếng đến đâu không quan trọng. Các giá trị quan trọng nhất ở nó phải xoay quanh người dùng”.

Như Ý (theo New York Times)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI