|
Một bệnh nhân đang được khám hậu COVID-19 tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh - ẢNH: T.C. |
Nhiều bệnh nhân trẻ bị ung thư phổi
Cách đây 3 ngày, anh T.V.H. - 28 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình, TPHCM - vô cùng bất ngờ khi nhận tin mình mắc bệnh ung thư phổi. Trước tết vừa rồi, anh H. bỗng thấy mệt mỏi, sốt nhẹ, ho húng hắng như bị cảm cúm; test nhanh COVID-19 ở nhà thấy hiện lên 2 vạch. Khi kỳ nghỉ tết kết thúc, anh H. vẫn thấy người uể oải dù kết quả test nhanh đã âm tính. Do đó, anh tới một bệnh viện tại TPHCM khám hậu COVID-19 thì được cảnh báo có tình trạng viêm phổi. Anh H. được cho thuốc về uống và hẹn tái khám sau 1 tuần.
Sau khi uống hết thuốc, anh H. đỡ hơn, thi thoảng mới ho vài tiếng nên bỏ tái khám và tự bồi bổ ở nhà vì nghĩ từ từ cơ thể sẽ hồi phục. Bẵng đi chục ngày, anh H. ho nhiều hơn. Lần này, anh lại đến bệnh viện khám hậu COVID-19. Kết quả chụp X-quang cho thấy phổi bệnh nhân có đám mờ. Bác sĩ đã chỉ định chụp CT và xác định bệnh nhân có khối u trong phổi. Sau khi sinh thiết tế bào, anh nhận tin xấu, khối u là ác tính. Anh H. cho rằng chính vì mắc COVID-19 nên mình mới bị ung thư phổi, bởi trước đó anh vẫn khỏe mạnh và không có dấu hiệu gì bất thường.
Trường hợp như anh H. không hề hiếm. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Duy Cường - Phó khoa Nội hô hấp Bệnh viện Thống Nhất - cảnh báo về tình trạng “đổ thừa” cho hậu COVID-19 của nhiều người khiến việc phát hiện, điều trị bệnh bị chậm trễ, gây hậu quả khôn lường. Từ sau tết đến nay, riêng bác sĩ Cường phát hiện hơn 20 trường hợp bị ung thư phổi khi khám hậu COVID-19. Điều đáng nói, số ca bệnh này đa phần là người trẻ từ 25-45 tuổi.
Điển hình như trường hợp của bệnh nhân N.T.T. - 32 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TPHCM. Cách đây 1 năm, chị T. mắc COVID-19 nhưng chỉ bị nhẹ như cảm cúm. Sau đó, chị hay mệt, ho húng hắng, thở dốc khi leo cầu thang hoặc vận động mạnh. Bệnh nhân từng đến một phòng khám đa khoa kiểm tra hậu COVID-19, kết quả chụp phim phổi cách đây 3 tháng vẫn bình thường. Dạo gần đây, chị T. thấy trong người mệt hơn. Đầu tháng Hai, nhân dịp đưa mẹ đi tái khám định kỳ bệnh đái tháo đường ở Bệnh viện Thống Nhất, chị tiện thể khám luôn hô hấp. Chị nói với bác sĩ mình bị hậu COVID-19 kéo dài.
Bác sĩ Nguyễn Duy Cường đã chỉ định cho bệnh nhân chụp X-quang, phát hiện phổi có đám mờ. Kết quả chụp CT xác định phổi có khối u. Theo bác sĩ Cường, bệnh ung thư phổi diễn tiến rất nhanh, tình trạng thay đổi theo từng tháng. Đó là lý do tại sao 3 tháng trước, bệnh nhân đi chụp phim X-quang phổi vẫn bình thường mà bây giờ lại xuất hiện khối u. Thực ra, bệnh ung thư phổi của bệnh nhân đã tiềm ẩn từ lâu và báo hiệu bằng dấu hiệu mệt mỏi, ho, sốt nhẹ nhưng người bệnh cứ luẩn quẩn với suy nghĩ mình bị hậu COVID-19 nên bệnh đã không được theo dõi sát sao và phát hiện kịp thời.
Ung thư, lao phổi không phải do COVID-19
Ngoài ung thư phổi thì rất nhiều ca lao phổi cũng vô tình được các bác sĩ phát hiện khi bệnh nhân đi khám hậu COVID-19. Bác sĩ Nguyễn Duy Cường đánh giá số ca mắc lao phổi được ghi nhận tại đơn vị mình cao hơn lúc chưa xảy ra dịch COVID-19 khoảng 10%. Mới ngày 8/2, nam thanh niên N.Q.D. - 40 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn - tới Bệnh viện Thống Nhất khám hậu COVID-19. Anh cho biết, kể từ sau khi mình mắc COVID-19 tới nay đã gần 1 năm mà vẫn có cảm giác ớn lạnh, sốt nhẹ vào buổi chiều. Xem phim X-quang phổi của bệnh nhân, bác sĩ Cường nhận thấy có những tổn thương giống với lao, xét nghiệm đàm thì xác định có vi khuẩn lao.
Mắc lao cả năm nay nhưng anh D. không đi khám, bởi tưởng rằng mình bị mệt do hậu COVID-19. Điều này chẳng những nguy hiểm cho bệnh nhân mà còn làm tăng nguy cơ lây bệnh lao cho cộng đồng. Mỗi ngày, Bệnh viện Thống Nhất khám khoảng 100 trường hợp liên quan đến hô hấp thì 2% trong số đó là các ca ung thư và lao phổi.
Tương tự, tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, bác sĩ chuyên khoa 2 Đắc Minh Phong - Trưởng khoa Hô hấp - cho biết, tình trạng người dân đi khám, phát hiện ra bệnh hiểm nghèo rồi “đổ thừa” do hậu COVID-19 rất nhiều. Bác sĩ Phong khẳng định, chưa có y văn nào trên thế giới nói rằng ung thư phổi hay lao phổi là do COVID-19. Những người đi khám hậu COVID-19, vô tình phát hiện bị ung thư phổi có bệnh ung thư đã tiềm ẩn từ trước. Có hay chăng lúc họ mắc COVID-19 đã khiến sức đề kháng của cơ thể suy giảm, từ đó khiến tế bào ung thư bùng phát mau hơn.
Những nguyên nhân gây ung thư phổi là di truyền, khói thuốc lá (chủ động và thụ động), môi trường... Tiếp đến, bệnh lao thường phát triển rất âm thầm, nhiều khi 5-6 tháng sau bệnh nhân mới thấy triệu chứng rõ ràng. Nhiều người đang ủ bệnh lao, vô tình lại mắc COVID-19. Vài tháng sau, bệnh lao bùng phát, lại nghĩ rằng tại hậu COVID-19 gây ra...
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Cường, hậu COVID-19 được tính trong khoảng thời gian 6 tháng trở lại kể từ lúc mắc COVID-19. Sau khoảng thời gian này mà bị các tổn thương hay bệnh tật thì không gọi là hậu COVID-19 nữa. Các tổn thương phổi thời kỳ hậu COVID-19 gồm xơ hóa, tắc mạch máu gây ảnh hưởng khả năng trao đổi khí, khiến bệnh nhân khó thở, giảm ô xy trong máu. Nếu tình trạng tổn thương ở phổi không quá nặng thì cơ thể sẽ có cơ chế bù trừ. Tuy nhiên, để phục hồi hoàn toàn, người bệnh cần có chế độ luyện tập phù hợp. Dấu hiệu mệt mỏi, thở dốc, ớn lạnh do phổi bị tổn thương hậu COVID-19 rất giống với triệu chứng ban đầu của bệnh ung thư và lao phổi. Do đó, khi người dân thấy các triệu chứng kể trên thì cần đi khám chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán, theo dõi sát sao. Việc tái khám đúng hẹn là vô cùng quan trọng. Hôm nay, kiểm tra sức khỏe chưa thấy gì bất thường không có nghĩa là 3 tháng sau vẫn như vậy. |
Thanh Huyền