Tượng đài 48 tỷ đồng ở Bình Định: “Tước đoạt” quyền biểu đạt văn hóa của người Ba Na

06/07/2020 - 07:13

PNO - Có một ứng xử thiếu văn minh và thiếu tôn trọng, nếu không muốn nói là thô bạo - đối với việc bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Cụ thể ở đây là biểu đạt văn hóa của cộng đồng người Ba Na trong câu chuyện xây dựng tượng đài hơn 48 tỷ đồng ở H.Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định đang lùm xùm dư luận.

Tượng đài về người Ba Na nhưng người Ba Na thấy xa lạ 

Dù mang “danh hiệu” là huyện nghèo miền núi của tỉnh Bình Định, nhưng Vĩnh Thạnh vẫn “quyết tâm” đầu tư hơn 48 tỷ đồng để xây dựng tượng đài; để tái hiện cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh cách đây hơn 60 năm của quân dân hai làng Tơlok, Tơlek thuộc cộng đồng người Ba Na.

Công trình tượng đài 48 tỷ đồng đang xây thì phải dừng lại điều chỉnh vì một số chi tiết khắc trên tượng đài chưa phải của người Ba Na
Công trình tượng đài 48 tỷ đồng đang xây thì phải dừng lại điều chỉnh vì một số chi tiết khắc trên tượng đài chưa phải của người Ba Na

Theo lời ông Lê Văn Đẩu, chủ tịch UBND huyện chia sẻ với báo chí, công trình tượng đài này đã hoàn thành được 50%, tuy nhiên, rất khó đúng tiến độ dự kiến hoàn thành trong tháng Bảy này.

Lý do của sự “trục trặc” không nằm ở vấn đề nguồn vốn, mà nằm ở “quy trình”. Thay vì tham vấn ý kiến cộng đồng, xin ý kiến nghệ nhân, già làng người Ba Na một cách cẩn thận trước khi khởi công (vào năm 2019), đơn vị thi công làm luôn cho chóng.

Kết quả, công trình đang được hoàn thành một nửa chặng đường, người Ba Na có ý kiến các hình ảnh khắc trên tượng đài chưa đúng với hình ảnh của họ. Vì thế, Vĩnh Thạnh đang tiếp thu và điều chỉnh.

"Người Ba Na chúng tôi cầm giáo, mác khi tham gia cuộc khởi nghĩa, nhưng trên tượng đài lại cầm... búa. Người Ba Na mặc váy hở chứ không phải váy kín như người đồng bằng, hoa văn cũng không phải của người Ba Na. Dáng đứng cũng không phải của người Ba Na mà là dáng đứng bắn súng" - nghệ nhân Yang Danh, chi hội trưởng chi hội các dân tộc thiểu số (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định) ý kiến.

Câu chuyện bi hài đang diễn ra ở H.Vĩnh Thạnh, khiến tôi nhớ đến vài câu chuyện xung quanh việc trùng tu và khai thác di tích tháp Chăm mà có lần Kiều Maily - một người đang thực hành văn hóa Chăm - kể. Mỗi lần lên tháp Po Inư Nagar ở Nha Trang cúng tế là mỗi lần người Chăm cảm thấy khó xử và đau lòng. Bởi lẽ, việc ban trùng tu nâng bức tượng ở trung tâm kalan (đền/tháp), lên ngang đầu người, tưởng thích hợp cho việc cúng vái, nhưng lại khiến nhiều du khách hiểu biết sững sờ. Trong văn hóa Chăm, khi lạy tượng thần, người Chăm thường nằm rạp xuống, mở mắt ra là nhìn thấy thần Yang trước mặt mình; còn nâng tượng theo cách mới, họ chỉ thấy đế tượng chứ không thấy thần linh ở đâu. 

Kiều Maily thắc mắc: “Vậy ta lấy tộc nào làm trung tâm để trùng tu, trong khi chủ nhân của kiến trúc tôn giáo này chính là người Chăm?”.

Hay như câu chuyện gộp tết người Mông vào tết Nguyên đán của người Kinh ở xã Pà Cò (H.Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) - một quyết định lạ lùng từng khiến cộng đồng lẫn không ít nhà nghiên cứu văn hóa tiếc nuối. 

Từ hai câu chuyện liên quan đến người Chăm, Mông, liên hệ tới câu chuyện ở Vĩnh Thạnh, vậy những người thực hiện dự án này, lấy tộc nào làm trung tâm để thiết kế và thi công dự án, trong khi đối tượng được hướng đến của công trình là cộng đồng dân tộc Ba Na? 

Có thể, có nhiều lý do (vô tình hay cố ý) dẫn đến sự “không hiểu nhau” trong quá trình thiết kế, thi công dự án tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh nên mới có sự “vỡ kế hoạch” như vậy. Nhưng có một điều thấy rõ, khi công trình gần 50 tỷ này xây được một nửa, những hình hài đầu tiên được phát lộ, cũng là lúc cộng đồng Ba Na - đối tượng thụ hưởng văn hóa trước hết ở khu vực đó - nhận ra, cái công trình đang mang danh mình này dựng nên, không phải là mình, xa lạ với mình, và có thể, chưa chắc dành cho mình.

Biểu đạt văn hóa bị bỏ qua

Ở đây, có một ứng xử thiếu văn minh và tôn trọng, nếu không muốn nói là thô bạo - đối với việc bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Cụ thể ở đây là biểu đạt văn hóa của cộng đồng Ba Na ở H.Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định; người Chăm ở Nha Trang, người Mông ở Hòa Bình.

Người Ba Na chúng tôi cầm giáo, mác khi tham gia cuộc khởi nghĩa nhưng trên tượng đài lại cầm... búa.
"Người Ba Na chúng tôi cầm giáo, mác khi tham gia cuộc khởi nghĩa nhưng trên tượng đài lại cầm... búa".

Bỏ qua câu chuyện hiểu biết về văn hóa khi thực hiện công trình văn hóa về một cộng đồng văn hóa, những người thực hiện công trình gần 50 tỷ đồng này đã thực hiện chưa nghiêm túc tham vấn cộng đồng. Điều này đi ngược lại tinh thần “dân chủ, khoan dung, công bằng xã hội và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc và các nền văn hóa” mà Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa do UNESCO lập ra năm 2005.

Một trong những mục tiêu của công ước này đưa ra, đó là khuyến khích đối thoại giữa các nền văn hóa nhằm đảm bảo sự trao đổi văn hóa rộng rãi hơn và cân bằng hơn trong một thế giới thuận lợi. Ở đây, ngay từ đầu, sự đối thoại này đã bị tước bỏ. Vì thế mới có việc, thay vì cầm giáo, mác, mặc váy hở, người Ba Na trên tượng đài cầm búa, mặc váy kín như người Kinh... Khác gì râu ông nọ cắm cằm bà kia!

Từ lâu, bảo vệ sự đa dạng văn hóa tạo nội lực để giao lưu với các nền văn hóa khác, tiếp nhận một cách khoan dung các giá trị văn hóa, sáng tạo nên các giá trị văn hóa mới làm phong phú vốn văn hóa của mỗi quốc gia. Việc bảo vệ, phát huy và duy trì đa dạng của các biểu đạt văn hóa là một nhu cầu cần thiết đối với sự phát triển bền vững, được quy định thành luật. Tuy nhiên, đang diễn ra một thực trạng mất cân bằng giữa các nền văn hóa, xói lở bản sắc, thậm chí có những ứng xử thiếu văn minh như những câu chuyện đã nhắc ở trên. 

Do những người làm văn hóa mà thiếu văn hóa, do định kiến dẫn dắt, hay triển khai chính sách văn hóa từ trên xuống dưới “trục trặc” mà dẫn đến những câu chuyện nực cười về văn hóa như vậy? 

Cốc Vũ

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Trung râu 07-07-2020 07:01:58

    Râu ông nọ chắp cằm bà kia.chua kể dân đã ngheo khó sao k dùng vào việc đầu tư cho nhân dân ma lai di xây tượng đài để giữ trời mưa nắng bào mòn.nếu bộ mặt của huyện là cái tượng đài,mà dj khắp huyện lai thấy người dân họ nghèo khó nhà ở...cac công trình khác k tương đồng thj đó moi la bộ mặt của huyên.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI