Tưởng con suy dinh dưỡng, hóa ra thiếu hoóc môn tăng trưởng

20/05/2023 - 06:05

PNO - Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ chậm phát triển chiều cao. Tuy nhiên, tâm lý chung của phụ huynh khi thấy con thấp còi hay nghĩ rằng bé bị thiếu dinh dưỡng, từ đó làm trễ mất giai đoạn vàng can thiệp cho trẻ.

Một bé đang được khám tầm soát chậm tăng trưởng  tại Bệnh viện  Nhi Đồng 2  - ẢNH: T.A.
Một bé đang được khám tầm soát chậm tăng trưởng tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 - Ảnh: T.A.

Cứ tưởng con suy dinh dưỡng

Em N.V.Đ. (ở quận Bình Thạnh, TPHCM) đang học lớp Bảy nhưng chiều cao chỉ 1,35m, bằng em trai học lớp Bốn, nên được mẹ là chị P.T.P. đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) khám chậm tăng trưởng. Chị P. kể, suốt 4 năm qua, chị đưa con đi khám dinh dưỡng khắp nơi, thậm chí cho con “nạp” nhiều vi chất như canxi, vitamin, sữa tăng chiều cao.

Chị không đủ kiên nhẫn cho con theo một bác sĩ dinh dưỡng, bởi vài tháng thấy con không cao lên là lòng lại nóng như lửa đốt, cho rằng con mình chưa hợp thầy hợp thuốc. Vợ chồng chị ra sức đầu tư nhiều mặt cho con từ dinh dưỡng cho tới thể thao. Thấy ai chỉ ăn gì tăng chiều cao là lập tức săn lùng về tẩm bổ cho Đ. ngay. Thậm chí, Đ. còn được thuê riêng thầy kèm bơi, dạy bóng rổ đều đặn mỗi ngày. 

Gần đây, chị P. nghe bạn khuyên nên thử cho con đi khám xem chậm cao có liên quan tới nội tiết không. Đ. vừa thi xong học kỳ II, chị vội vàng thu xếp xin nghỉ làm vài hôm, đưa con tới bệnh viện kiểm tra. Kết quả thăm khám, xét nghiệm và chụp X-quang tuổi xương xác định bệnh nhi bị thấp do thiếu hoóc môn tăng trưởng. Đ. đang ở độ tuổi dậy thì - giai đoạn cuối cùng để can thiệp, chậm thêm 1-2 năm nữa, khi xương đã đóng lại thì điều trị không hiệu quả nữa. Bé đang được tiêm hoóc môn tăng trưởng tới khi hết tuổi dậy thì với hy vọng cố tăng chiều cao thêm chừng nào hay chừng đó. 

Mới đây, tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh - Trưởng khoa Thận - Nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cũng tiếp nhận bé gái 9 tuổi N.H.Y. (ở quận Phú Nhuận, TPHCM) bị chậm phát triển chiều cao. Tương tự như trường hợp của bé Đ., từ khi Y. 5 tuổi, mẹ bé đã nhận ra con thấp hơn các bạn đồng trang lứa.

Lúc đó, chị cho rằng vợ chồng chiều cao chỉ trung bình nên con thấp cũng là bình thường. Chị chú trọng bổ sung về dinh dưỡng, cho bé uống sữa nhiều và cho con bơi lội với hy vọng sẽ cải thiện chiều cao. Mãi tới khi con vào lớp Ba mà vẫn bé tí như trẻ mẫu giáo, lúc này mẹ bé mới thực sự lo lắng.

Qua tìm hiểu từ bạn bè, chị đưa con đi khám dinh dưỡng. Xét thấy vấn đề của Y. không phải do dinh dưỡng nên bác sĩ đã chuyển bệnh nhi qua Khoa Thận - Nội tiết để kiểm tra. Kết quả xác định Y. bị thiếu hoóc môn tăng trưởng. May mắn, Y. được phát hiện sớm trước tuổi dậy thì nên hiệu quả can thiệp tương đối khả quan.

Cần can thiệp trước khi hết tuổi dậy thì

Theo bác sĩ Vũ Quỳnh, có rất nhiều nguyên nhân gây chậm tăng trưởng ở trẻ nhưng phụ huynh thường chỉ chú trọng tới yếu tố dinh dưỡng. Khi trẻ bị thấp do thiếu hoóc môn tăng trưởng mà lại đi sai hướng là bổ sung vi chất, uống sữa tăng chiều cao, tập thể thao thì chẳng thể cải thiện được. Mỗi năm, Khoa Thận - Nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 2 phát hiện và điều trị cho khoảng 20 trẻ bị thấp do thiếu hoóc môn tăng trưởng.

Những bệnh nhi này có đặc điểm điển hình như chiều cao thấp. Mỗi năm, trẻ từ 4-11 tuổi sẽ tăng 5-6cm nhưng với trẻ chậm tăng trưởng thì mỗi năm chiều cao tăng dưới 4cm. Ngoài ra, trẻ thấp do thiếu hoóc môn tăng trưởng chậm tăng chiều cao nhưng vẫn tăng cân - khác với suy dinh dưỡng là chậm tăng cả cân và chiều cao - do đó vẻ ngoài của trẻ sẽ có vẻ mập, thấp, bụng to. Bệnh nhi thấp do thiếu hoóc môn tăng trưởng thường có gương mặt non hơn độ tuổi thật. Bên cạnh đó, một số dấu hiệu gợi ý khác là trẻ có bất thường vùng tuyến yên (sứt môi hở vòm, dương vật nhỏ…). 

Nguyên nhân khiến trẻ thiếu hoóc môn tăng trưởng có thể là bẩm sinh, mắc phải hoặc không rõ căn nguyên. Nguyên nhân bẩm sinh phải kể đến như bất thường về gen, thiểu sản tuyến yên. Nguyên nhân mắc phải như u tuyến yên, u vùng hạ đồi, viêm tuyến yên, lao, từng phẫu thuật hay xạ trị vùng tuyến yên… Để chẩn đoán thiếu hoóc môn tăng trưởng, trẻ cần được thăm khám và làm các xét nghiệm nội tiết cơ bản, xét nghiệm tầm soát bệnh lý nền, chụp X-quang bàn tay để xác định tuổi xương, làm nghiệm pháp kích thích, chụp MRI não… 

Phương pháp điều trị là tiêm hoóc môn tăng trưởng cho tới khi trẻ hết độ tuổi dậy thì. Thời điểm điều trị càng sớm càng tốt, trước khi xương đóng. Thời điểm xương đóng đối với bé gái, ước chừng 15-16 tuổi (sau khi có kinh nguyệt 2-3 năm) và bé trai là lúc 16-17 tuổi. Nếu xương đã đóng thì điều trị sẽ không hiệu quả.

“Do đó, khi phụ huynh thấy con chậm tăng chiều cao cần đưa trẻ đi khám để xác định chính xác nguyên nhân, từ đó có giải pháp điều trị phù hợp, kịp thời. Việc tự ý điều trị sẽ làm lỡ mất giai đoạn vàng cải thiện chiều cao cho trẻ. Trẻ bị chậm tăng trưởng dễ tự ti với chúng bạn, luôn mang tâm lý mặc cảm, thiếu tự tin để giao tiếp và hòa nhập” - bác sĩ Vũ Quỳnh khuyến cáo. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI