Tưởng con hiếu động hóa ra tăng động

17/03/2023 - 06:07

PNO - Không nhận ra con bị bệnh tăng động, nhiều cha mẹ đưa con đi thăm khám ở giai đoạn trễ, lúc này trẻ đã có nhiều triệu chứng về hành vi, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn giấc ngủ… Đáng lưu ý là hiện tỉ lệ trẻ bị tăng động giảm chú ý đang tăng, trung bình cứ 40 trẻ trong độ tuổi đi học thì có 5 trẻ mắc bệnh này.

 

Mẹ bé S. vừa nghe bác sĩ Trần Quang Huy tư vấn vừa chỉ những vết bầm trên mặt bé - ẢNH: PHẠM AN
Mẹ bé S. vừa nghe bác sĩ Trần Quang Huy tư vấn vừa chỉ những vết bầm trên mặt bé - Ảnh: Phạm An

Trẻ đến tuổi đi học mới biết bị tăng động 

Ngồi chờ khám cho con trai tại Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM), chị Nguyễn Thị Hoa (29 tuổi, ở quận 1) liên tục nhắc nhở con ngồi yên. Tuy nhiên việc này thực sự khó khăn đối với con chị - bé T.H.N. (4 tuổi). Có lúc bé N. lắc chân qua lại, khi thì chạy dọc theo dãy phòng, vỗ tay vào cửa.

“Ở nhà cũng vậy, bé chỉ chịu ngủ khi uống thuốc hoặc quá mệt. Nhưng ngủ được hơn 1 tiếng đồng hồ lại ngồi dậy và vẫn không thể ngồi yên” - chị Hoa kể.

Theo chị Hoa, có lần để gây sự chú ý và giúp con kiểm soát hành vi, cha của bé yêu cầu bé phải nói: “Cho con xin” thì mới đưa món đồ chơi bé đang cần. Tuy nhiên, sau vài giây không lấy được, bé N. đã la hét rồi tự đập mạnh đầu vào tường làm cho cả nhà hốt hoảng. Ban đầu, chị Hoa chỉ nghĩ con mình hơi hiếu động, đến khi bị cô giáo “mắng vốn” quá nhiều, yêu cầu đưa bé đi khám, chị mới biết con bị tăng động.

Chị Hoa cho biết: “Hiện tại con tôi đã bình tĩnh hơn. Biết lắng nghe, làm theo các hướng dẫn của cha mẹ. Biết xin phép người lớn và không còn tự dập đầu ăn vạ mỗi lần bị ngăn cản những hành động quá khích nữa”.

Từ lúc bé N.M.S. (6 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) học mầm non, cô giáo đã thường cảnh báo với cha mẹ bé rằng bé phản ứng chậm, ít tập trung. Tuy nhiên, cha mẹ bé S. cho rằng bé chạy nhảy nhiều, hay giật đồ của bạn là do hiếu động. Đến khi vào lớp Một, bé S. không thể tập trung ngồi học mà thường đi loanh quanh trong lớp, cô gọi tên không phản ứng, diễn đạt ngôn ngữ không suôn sẻ nên thông báo với mẹ của bé. Thấy vậy, người nhà bé S. xin cho bé ở nhà một thời gian. 

Đầu tháng 12/2022, bé S. được mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2. Bé được chẩn đoán tăng động. Ngoài các bài tập để giải phóng năng lượng dư thừa, bác sĩ kết hợp cho bé bổ sung vitamin B6 điều trị. Hiện tại, bé S. đã ổn định, tạm ngưng uống thuốc và đang tập các bài trị liệu về hành vi. Thời gian tới bé có thể quay lại trường học.

Tỉ lệ trẻ bị tăng động đang tăng 

Bác sĩ Trần Quang Huy - Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết, theo thống kê của Bộ Y tế, tỉ lệ trẻ bị tăng động giảm chú ý đang tăng, trung bình cứ 40 trẻ trong độ tuổi đi học thì có 5 trẻ mắc bệnh này. Riêng tại Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu, số lượng trẻ mắc bệnh đang có dấu hiệu tăng, mỗi ngày có 80/100 trẻ đến khám được chẩn đoán bị tăng động.

Có 2 dạng tăng động gồm rối loạn tập trung chú ý, và rối loạn hành vi. “Nguyên nhân gây tăng động vẫn chưa xác định được. Tuy nhiên, tăng động được phát hiện nhiều ở trẻ thiếu vitamin B6, omega 3, DHA, hoặc biến đổi nhiễm sắc thể… Vì vậy, phải tìm ra nguyên nhân cụ thể thì việc chữa trị sẽ hiệu quả hơn” - bác sĩ Huy nói.

Theo bác sĩ Huy, trẻ từ 36 tháng tuổi trở đi có khả năng mắc tăng động, trẻ không tập trung chú ý được, gọi không quay lại, vận động trên mức bình thường… Tuy nhiên, người lớn chỉ nghĩ trẻ hiếu động, cho rằng khi đến tuổi đi học các bé sẽ vào nền nếp. Vì vậy, đa số trẻ bị tăng động hầu như được phát hiện muộn bởi thầy cô giáo.

Lúc này, ngoài không tập trung chú ý, trẻ đã có vấn đề về hành vi như tự ý rời khỏi chỗ ngồi, hay làm mất dụng cụ học tập, tính tình nóng nảy, khó kiểm soát hành vi khi không vừa ý, thậm chí xé tập, đánh bạn, phản ứng mạnh với giáo viên… Kèm theo đó còn là rối loạn ngôn ngữ, rối loạn giấc ngủ…, kết quả học tập kém.

Thông thường sau 18 tuổi, 80% bé mắc tăng động sẽ tự khỏi. Tuy nhiên nếu không điều trị mà chỉ để bé tự khỏi thì dù có hết tăng động, khả năng cao trẻ bị chậm phát triển trí não, hay mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Hiện nay, các phụ huynh chưa cho trẻ khám đúng khoa, mà đưa con đi khám nhiều nơi không bớt mới đến khoa tâm lý. Nếu điều trị nhầm, uống thuốc lâu dài, trẻ dễ bị tác dụng phụ.

“Ngày nay, y học có thể hỗ trợ điều trị triệu chứng, giúp trẻ tăng động kiểm soát hành vi, quay lại cuộc sống bình thường, đi học như các trẻ khác. Chính vì vậy, cha mẹ đừng ngần ngại đưa con đi khám, khi nghi ngờ con có dấu hiệu mắc bệnh” - bác sĩ Huy nói thêm. 

Bác sĩ Huy khuyến cáo: “Trường hợp trẻ bị phát hiện trễ, việc điều trị sẽ khó khăn hơn, độ tập trung chú ý rất kém, rối loạn hành vi nặng. Trẻ có nguy cơ tự làm đau mình, thậm chí gây tổn thương cho người bên cạnh. Tùy theo cơ địa, tình trạng sức khỏe, có trẻ tương tác thuốc nhanh, có bé lại rất chậm. Vì vậy, trung bình mất khoảng 6-9 tháng điều trị thì trẻ mới có thể dần ổn định”.

Sau khi bé được chữa trị khỏi, tốt nhất cha mẹ hãy duy trì cho bé các hoạt động ngoài trời như chơi đá banh, bóng rổ, bơi, đạp xe… để giải phóng năng lượng. Khuyến khích bé ăn nhiều rau, bớt thịt, tăng nhiều cá, để bé tăng sự tập trung chú ý. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI