Tưởng có bầu, hóa ra ung thư buồng trứng

01/03/2019 - 10:00

PNO - “Những ngày đầu năm, bước vào Khoa Ngoại 1 Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, cứ tưởng đây là Khoa Sản. Vì toàn những bệnh nhân mang cái bụng to như có bầu. Thực chất đây là các bệnh nhân bị ung thư buồng trứng khủng”.

Đây là ghi chép của bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Trưởng khoa Ngoại 1 Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Đáng buồn là những bệnh nhân này đều mới nhập viện, hầu hết phát hiện bệnh trễ, tế bào ung thư đã xâm lấn, di căn khắp nơi nên bụng rất to với tiên lượng dè dặt.

Phát hiện ở giai đoạn muộn

Dù đã được bác sĩ Nguyễn Văn Tiến cảnh báo trước, nhưng vừa bước chân đến cửa phòng bệnh C104, Khoa Ngoại 1, phóng viên như bật trở ra vì thấy những bệnh nhân đang mang bụng khủng. Người ngồi nhăn nhó, người vừa bước đi khệnh khạng, vừa lấy tay nâng chiếc bụng nặng nề, người nằm nghiêng vì không chịu nổi sức nặng của cái bụng khủng gây khó thở…

Nằm trong góc phòng là một phụ nữ trẻ gầy đét, tay chân khẳng khiu như suy dinh dưỡng nhưng trái lại bụng rất to. Cô tên Ngô Thúy A., 25 tuổi, ở xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Cô đã có hai đứa con: một tuổi và ba tuổi. 

Tuong co bau, hoa ra ung thu buong trung

Một bệnh nhân bị ung thư buồng trứng 

Bác sĩ Tiến khám cho A., bị ung thư buồng trứng, dịch ổ bụng, di căn đại tràng. Bác sĩ Tiến cho biết, A. là một trong những bệnh nhân nặng ở đây. Đôi mắt A. vẫn còn ngơ ngác khi nhắc đến bệnh. Vì mới trước tết, A. vẫn còn khỏe mạnh, chăm chỉ may tăng ca để kiếm tiền, cùng với chồng làm thợ hồ chuẩn bị tết cho các con. Nhưng đến ngày 24 tết, A. bị đau quặn bụng, tưởng ăn không tiêu nên mua thuốc uống.

Thế nhưng, chỉ trong vài ngày bụng đã phình to. A. nhập viện ở bệnh viện địa phương, bác sĩ chẩn đoán bệnh gan. Nằm được vài ngày, thì bụng tăng kích thước kinh khủng, làm A. tăng lên 4-5kg. Bác sĩ siêu âm lại thì thấy có khối u ở buồng trứng nên chuyển cô lên Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Đến đây thì bệnh của A. đã ở giai đoạn muộn. “Để mổ xong, bác sẽ xin tiền từ thiện giúp con”, bác sĩ Tiến động viên A. Xong, ông bước đi, nhưng tiếng thở dài thương cảm vẫn còn vọng lại.

Kế bên phòng A. cũng là những phụ nữ bệnh tình tương tự. Bà Trần Thị T., 60 tuổi, ở Định Quán, tỉnh Đồng Nai đang nằm quay lưng vô tường thở nặng nhọc. Bà là bệnh nhân đặc biệt ở đây vì hoàn cảnh thương tâm. Hồi nhỏ, bà mắc bệnh sốt bại liệt, làm liệt cả tay chân bên phải, rồi một mắt bị hư và tai bị điếc. Lâu nay, bà sống bằng nghề bán vé số. Cơm bữa đói bữa no, lay lắt qua ngày. Đùng một cái, mới đây, bụng bà to như mang thai, khiến người dân quê không khỏi xì xào. Người chị đưa em đi khám thì phát hiện ung thư buồng trứng giai đoạn muộn.

Đây là căn bệnh không từ một phụ nữ nào, bất kể trẻ hay già. Bà Ngô Thị L., 67 tuổi, ở Huế gia đình có điều kiện nên bà rất quan tâm đến sức khỏe. Cuối năm 2018, trong một lần vô TP.HCM thăm con gái bà đến bệnh viện khám chứng táo bón. Nào ngờ, bác sĩ phát hiện bà bị ung thư buồng trứng và đó chính là nguyên nhân khiến bà bị “tắc đầu ra” do khối u xâm lấn gây tắc ruột.

Vài ngày sau, bụng bà to như thổi. Bà tá hỏa vào Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM khám với hy vọng cơ sở y tế kia nhầm lẫn. Nhưng kết quả cho thấy, bà bị ung thư buồng trứng giai đoạn muộn, khối u đã xâm lấn nhiều cơ quan.

Tuong co bau, hoa ra ung thu buong trung

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến đang khám cho bệnh nhân Ngô Thúy A.

 

Biết sớm trị lành

Ung thư buồng trứng được xem là loại ung thư tiến triển nhanh nhất trong ung thư phụ khoa. Chỉ có khoảng 20% trường hợp ung thư buồng trứng được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, và hầu hết bệnh ở giai đoạn này đều chữa khỏi hẳn. 

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến cho biết: buồng trứng nằm chơ vơ trong ổ bụng mà không có cơ quan nào bảo vệ. Vì vậy, khi ung thư ở buồng trứng phát triển thì buồng trứng bong ra, tế bào ung thư rơi xuống ổ bụng và phát tán khắp nơi trong cơ thể. Trong khi những loại ung thư khác như ung thư tử cung, ung thư vú… đều có cơ quan bao bọc bên ngoài, nên phát tán chậm hơn.

Vì lý do này mà ung thư buồng trứng thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, bởi khi đó, ung thư xâm lấn mới gây triệu chứng như chèn ép trực tràng dẫn đến đi tiêu khó, chảy máu, chướng bụng; xâm lấn hệ niệu gây đau vùng bụng dưới, bí tiểu; xâm lấn vùng phúc mạc, mạc nối lớn thì gây tiết dịch, bụng phình to…

Điều đáng tiếc là có những trường hợp, khi phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1), hoàn toàn có thể điều trị khỏi; hoặc vừa chuyển qua giai đoạn 2, tiên lượng cũng khá tốt. Nhưng người bệnh bỏ ngang điều trị ở bệnh viện để trị thuốc bắc, thuốc nam theo lời đồn thổi, kết quả là tiền mất, bệnh nặng thêm và tính mạng ngàn cân treo sợi tóc.

Bà Nguyễn Thị H., 55 tuổi, ở Q.8 là một trong những bệnh nhân đang phải trả giá vì theo thầy lang chữa ung thư. Nằm trên giường bệnh ở phòng C103, bà H. trông yếu ớt, dù bụng của bà không to như những bệnh nhân khác (do vừa được hút dịch ổ bụng).

Bà thều thào kể: “Tôi phát hiện bệnh cách đây bảy tháng. Lúc đó, bác sĩ nói tôi phẫu thuật và hóa trị là hết bệnh. Nhưng tôi nghe nhiều người hù dọa, đụng dao kéo vô là bệnh nặng hơn nên tôi ở nhà luôn. Tôi lên Hóc Môn bốc thuốc nam uống. Uống được nửa tháng, bụng tôi đỡ đau và ăn uống ngon miệng hơn. Nhưng uống thêm ba tháng nữa thì bụng phình to, ăn bị ói và thở rất mệt. Tết xong là tôi nhập viện vô đây”. Bác sĩ Tiến cho biết, vì bỏ dở điều trị nên bệnh của bà H. đã chuyển từ nhẹ qua nặng với khối u đã di căn ruột.

Với bệnh ung thư nói chung, khi phát hiện sớm việc điều trị khá khả quan. Còn bệnh ở giai đoạn muộn cũng chưa phải là kết thúc. Y học hiện nay có nhiều cách để điều trị ung thư như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Tuy nhiên, theo bác sĩ Tiến, việc điều trị lúc này không còn ý nghĩa chữa triệt để, mà chỉ là điều trị triệu chứng, như chèn ép ruột gây tắt ruột, chèn ép bàng quang gây bí tiểu… thì phải phẫu thuật để giải phóng cơ quan đó. Phẫu thuật bướu to, xâm lấn có nhiều tình huống rủi ro xảy ra. Vì mô bướu, mô ung thư rất bở, đụng vô là chảy máu nên thao tác phẫu thuật rất khó khăn, gay go. Và phẫu thuật trong giai đoạn này giúp ích cho việc điều trị tiếp theo như hóa trị.

Ung thư buồng trứng khi khởi phát thường không có triệu chứng, nên việc quan trọng là tầm soát, phát hiện sớm. Những người có yếu tố nguy cơ cần đi tầm soát như: gia đình có người bị ung thư, nhất là ung thư phụ khoa; béo phì, không sinh con, có mang đột biến… Cần tầm soát định kỳ: sáu tháng hay một năm/lần. 

Ung thư có nên dao kéo?

Quan niệm “ung thư không nên dao kéo” không sai, nhưng chưa đầy đủ. Điều này chỉ đúng với trường hợp bác sĩ không đánh giá toàn diện, đầy đủ về bệnh, cũng như phẫu thuật không đúng cách. Nói cho dễ hiểu, khối u được ví như ổ kiến lửa, nếu cắt không đúng phương pháp như: cắt ngang bướu thì cũng giống như lấy tay chọc vào ổ kiến lửa. Còn mổ đúng là phải cắt rộng, cắt xa, bứng nguyên khối, lấy tận gốc rễ tế bào ung thư mà không làm tổn thương các cơ quan lân cận. Với các bác sĩ chuyên ngành ung thư đây là điều nằm lòng, nên không có chuyện phẫu thuật kiểu cắt ngang bướu - chọc vô “ổ kiến lửa”.

Hiện nay, ung thư được điều trị bằng đa mô thức với rất nhiều “vũ khí” như: phẫu trị, hóa trị, xạ trị… Tuy nhiên, không phải cứ ung thư là “đè” ra mổ. Tùy từng giai đoạn bệnh mà có cách điều trị khác nhau. Có thể phẫu thuật đơn thuần hoặc xạ trị đơn thuần, hay có thể phẫu - hóa - xạ kết hợp.

Khi bệnh ung thư ở giai đoạn sớm, khối u nhỏ thì phẫu thuật rất có ý nghĩa, giúp ngăn chặn tế bào ung thư phát tán. Sau đó, có thể kết hợp với hóa trị, xạ trị để điều trị triệt để. Mấy chục năm theo nghề y, tôi chưa thấy trường hợp ung thư nào được chữa khỏi bằng thuốc nam, thuốc bắc. Nhưng tôi thấy nhiều trường hợp tử vong, bệnh trở nặng vì bỏ dở phác đồ điều trị để uống thuốc nam, thuốc bắc, thuốc không rõ nguồn gốc. 

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến


Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI