Tượng cần không gian để … không ngượng

25/07/2020 - 17:39

PNO - Nếu người Việt có một không gian công cộng đúng nghĩa để thoải mái thưởng ngoạn các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc khỏa thân, với chủ đề “nhạy cảm”…

Cùng với căn bệnh khắp nơi đua nhau làm tượng đài tưởng niệm hoành tráng, sự thiếu vắng không gian tưởng tượng nơi chốn công cộng xem chừng cũng là vấn nạn then chốt, có hệ lụy không nhỏ. 

Từ “căn bệnh” … tượng đài

Tượng đài chiến thắng Khâm Ðức đã và đang được H.Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) đầu tư xây dựng với dự toán kinh phí 14 tỷ đồng. Tượng đài này xây 3 năm vẫn chưa xong, trong khi dự kiến hoàn thành tháng 8/2020, từ chủ đầu tư là UBND H.Phước Sơn, một trong những huyện nghèo nhất nước, vốn nằm trong nhóm 1 (gồm 56 huyện nghèo thuộc 19 tỉnh) đang hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ. 

Ở quy mô cấp tỉnh… nghèo nhất nước, đề án xây dựng quần thể tượng đài với tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng của tỉnh Sơn La cũng từng là tiêu điểm gây sốc của dư luận cả nước hồi năm 2015. Toàn tỉnh Sơn La có 11 huyện và 1 thành phố thì có lúc đã có tới 5/62 huyện thuộc diện nghèo nhất Việt Nam; với số hộ nghèo và cận nghèo cùng nhân khẩu thiếu đói luôn giữ kỷ lục không mong muốn của cả nước.

Thế nhưng chính quyền tỉnh Sơn La cho rằng việc xây dựng cụm công trình hoành tráng này là để đáp ứng tình cảm, nguyện vọng, nhu cầu của dân! 

Chim đại bàng Jatayu - sử thi Ramayana - Công viên Jatayu Earth's Center, Ấn Độ
Chim đại bàng Jatayu - sử thi Ramayana - Công viên Jatayu Earth's Center, Ấn Độ

Và những ngày qua, người dân Bình Định đang xôn xao về chuyện xây dựng công trình tượng đài khởi nghĩa với vốn đầu tư hơn 48 tỷ đồng ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh - địa phương có hơn 40% hộ nghèo. Bên cạnh việc chậm tiến độ, công trình này còn bị chỉ trích vì có những chi tiết không đúng với văn hóa và lịch sử đấu tranh của nhân dân địa phương.

Đó là còn chưa kể đến chất lượng của tượng thường có vấn đề về mặt quản lý dự án khi bị phanh phui, như vụ rút ruột tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) là tượng đài bằng đồng lớn nhất Việt Nam hiện nay, có tổng đầu tư 47 tỷ đồng, thay vì phải được đúc bằng đồng nguyên chất nhưng kết quả điều tra cho thấy phần lớn chỉ là đồng phế liệu; hoặc với vụ sét đánh tượng đài văn hóa ở Quảng Ninh có ngân sách 25 tỷ đồng, từ đó vô tình lộ ra chuyện chất lượng xây dựng công trình này cực kỳ yếu kém. 

Bên cạnh “căn bệnh” xây dựng tượng đài hoành tráng mất kiểm soát, việc mất phương hướng trong quản lý các công trình mỹ thuật công cộng ở nhiều không gian đô thị cũng đáng báo động. Gần đây là vụ việc khiến dư luận cả nước cùng giới làm nghề cười ra nước mắt, đó là chuyện Ban quản lý Công viên Thống Nhất (Hà Nội) đã ra tay tô màu lòe loẹt theo kiểu “xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng” với những bức tượng trắng đã có hơn 60 tuổi đời ở nơi này.

Sau khi nhận về những lời chê bai, phân tích từ cộng đồng mạng và truyền thông đại chúng, ban quản lý bèn sơn trắng trở lại các bức tượng ấy.                                                         

Loveland Park - tượng tương tác  với công chúng thưởng ngoạn
Loveland Park - tượng tương tác với công chúng thưởng ngoạn

Trước đó, năm 2018, mạng xã hội lan truyền hình ảnh tượng 12 con giáp đặt tại khu du lịch quốc tế Hòn Dấu (còn gọi là Hòn Dáu - Đồ Sơn, TP.Hải Phòng) với nhiều luồng ý kiến cho rằng, những bức tượng này phản cảm, thông qua việc tạo hình khỏa thân phơi bày bộ phận sinh dục theo cung cách thô tục. Điều đặc biệt là không chỉ với dư luận đại chúng, ngay cả giới nghệ sĩ điêu khắc cùng với các nhà văn hóa và phê bình mỹ thuật cũng tham gia vào vòng tranh cãi về tính thẩm mỹ của quần thể tượng khỏa thân 12 con giáp hình người này.

Thế là ban quản lý đã xử lý nhanh bằng cách che tượng ở các phần nhạy cảm bằng váy, quần. Dư luận vẫn tiếp tục dậy sóng. Ban quản lý lại tiếp tục “nâng cấp” xử lý khủng hoảng tạo hình quần thể tượng khỏa thân này theo kiểu thay thế quần và váy bằng lá cây và chùm nho giả. Khủng hoảng chồng khủng hoảng, dưới lớp vỏ bi hài của quản lý tác phẩm tượng công cộng. 

Thiếu không gian thưởng ngoạn

Thử hình dung, nếu người Việt có một không gian công cộng thực sự đúng nghĩa để thoải mái thưởng ngoạn các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc khỏa thân, với chủ đề “nhạy cảm”… về tình dục?

Như công viên tình dục Loveland Park ở Yeon-dong, Cheju, Jeju-do (Hàn Quốc). Công viên này hình thành từ năm 2004, trưng bày khoảng 140 tác phẩm điêu khắc mô tả các tư thế quan hệ tình dục từ cổ chí kim hoặc trưng bày nhiều mô hình bộ phận sinh thực khí của nam và nữ giới.

Đồ chơi tình dục cũng được bày bán phổ biến tại đây. Tất nhiên, những hình ảnh này không dành cho người tham quan dưới 18 tuổi. Loveland Park vừa được xem là điểm đến trực quan đặc sắc về giáo dục giới tính, đồng thời cũng vừa là chốn du ngoạn độc đáo có một không hai đối với các cặp tình nhân hoặc đôi lứa đang hưởng tuần trăng mật. 

Dường như không khó để nhận ra, với hệ-tư-duy-tượng-đài-chiến-thắng là chủ yếu hoặc tạo hình khỏa thân của các tác phẩm nghệ thuật vẫn luôn là vấn đề mang tính “nhạy cảm” chẳng những trong con mắt của quản lý kiểm duyệt mà còn với hầu hết công chúng. 
Cũng đừng viện cớ rằng Việt Nam không có truyền thống về tượng công cộng mang tính văn hóa hoặc giải trí, ngoài tượng đài, lịch sử để lại của điêu khắc cổ Việt Nam phần lớn là tượng thờ trong chùa.

Như với pho tượng được xem như cổ nhất của nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Việt Nam: Phật A di đà tọa thiền trên tòa sen, hiện ngự tại chùa Phật Tích (tỉnh Bắc Ninh). Tượng tạc bằng đá xanh nguyên khối, có niên đại vào khoảng năm 1066 thời Lý Thánh Tông. 

Tất nhiên, quản lý tượng tôn giáo liên quan đến văn hóa dân gian vùng miền cũng “nhạy cảm” không kém, kể cả khi có sự tham gia “xã hội hóa” của tư nhân chứ không phải chỉ từ cơ quan nhà nước. Bởi đã từng có tấm gương điển hình về tượng tôn giáo theo tín ngưỡng văn hóa dân gian, với kiểu cách “tân cổ bất giao duyên”.

Đó là trường hợp xây dựng trái phép tượng Bà Chúa Xứ trên núi Sam, Châu Đốc (tỉnh An Giang), hồi năm 2018. Hẳn nhiên, đây là tượng mới, dựng thêm, không phải tượng thờ linh hiển đã hiện hữu trong tín ngưỡng dân gian nơi này từ bấy lâu nay. Tượng Bà Chúa Xứ (thứ hai) của núi Sam này do một doanh nghiệp là đơn vị xây dựng cáp treo núi Sam làm chủ đầu tư, dưới danh nghĩa xây Khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ Núi Sam.

Tượng sử dụng chất liệu nhựa composite, hình dáng ngồi (cao khoảng 20m, rộng 4-6m, diện tích 50m2). Tượng gốc của Bà Chúa Xứ Núi Sam vốn dĩ được làm bằng đá sa thạch, ngự trị hơn 1.500 năm trên đỉnh núi Sam, trước khi miếu thờ Bà Chúa Xứ Núi Sam chính thức thành hình năm 1820.

Đương nhiên, một núi Sam không thể có hai Bà Chúa Xứ trong truyền thuyết lâu đời tại địa phương, là điều không cần phải bàn cãi. Dù vậy, việc phải tháo gỡ tượng mới cũng để lại tai tiếng ít nhiều cho không gian tâm linh vùng Thất Sơn, đồng thời cũng sẽ vô thức gây hệ lụy đối với hoạt động phát triển cho loại hình tượng công cộng có chủ đề văn hóa dân gian vùng miền. 

Bởi, tương tự hình thái xây dựng và sáng tạo tượng thuộc về văn hóa dân gian này, tại Công viên Jatayu Earth's Center ở miền Nam Ấn Độ có tác phẩm điêu khắc chim đại bàng lớn nhất thế giới, tọa lạc trên đỉnh đồi. Chim đại bàng khổng lồ Jatayu này là một hình ảnh không thể thiếu trong sử thi Ramayana (viết bằng tiếng Phạn) của Ấn Độ giáo, được biết đến là loài chim quý tộc có nguồn gốc thần thánh.

Tác phẩm điêu khắc về chim thần Jatayu có kích cỡ xứng tầm lịch sử (chiều dài 61m, rộng 46m, cao 21m và diện tích sàn 1.400m2). Điều thú vị là đôi cánh của Jatayu nằm trên mặt đất, mở lối cho du khách đi bộ lên, từ đó có thể trèo đến móng vuốt rồi cả ở đầu chim. Bên trong lòng của đại bàng khổng lồ chính là tòa nhà của Jatayu Earth's Center.

Tác phẩm điêu khắc công cộng vĩ đại này là dự án hợp tác giữa Bộ Du lịch Ấn Độ và nhà điêu khắc Rajiv Anchal, thi công trong 10 năm mới hoàn thành. Công viên tự nhiên Jatayu Earth's Center chính thức mở cửa từ cuối năm 2017. 

Một khi chỉ có cái nhìn nệ thực và hoàn toàn thiếu vắng sự mơ mộng thấu cảm về không gian tưởng tượng của đời sống tinh thần, định kiến về tư duy sáng tạo cộng với sự ràng buộc các cấp, có lẽ tượng công cộng ở Việt Nam sẽ phải tiếp tục chịu đựng thứ không gian hiện thực luôn thiếu vắng ô-xy nghệ thuật để thở!

Châu Quang Phước

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI