"20 tuổi, đang là sinh viên năm 2 khoa Quản trị kinh doanh ở một trường đại học ở TP.HCM, anh Bùi Thanh Minh phải tạm hoãn việc học vì gặp phải căn bệnh quái ác – bệnh di dạng động tĩnh mạch. Từ đó, thay vì đến trường, anh Minh phải đến bệnh viện để điều trị.
Bớt son chảy máu không ngừng
Anh Minh cho biết: “Ban đầu, tôi thấy đó đơn giản chỉ là một cái bớt nhỏ bị sưng phù, chảy máu, nhưng không ngờ càng điều trị, tôi càng nhận ra bệnh của mình thật đáng sợ. Nhiều lần máu chảy không ngừng, tôi tưởng mình đã chết đi rồi”.
Theo bà Lê Thị Lài (45 tuổi, mẹ ruột anh Minh), lúc bà sinh anh Minh, bà và mọi người đều thấy trên mông phả anh có một cái bớt son nhỏ. Thông thường, đứa trẻ sơ sinh nào cũng đều có bớt xanh hoặc đỏ ở mông nên bà không nghĩ ngợi gì.
Tuy nhiên, khi anh được 3 tuổi thì thường hay quấy khóc vì cái bớt bị nóng rát. Nhiều lúc thấy còn bị nóng sốt, đau đớn, bà Lài và gia đình cảm thấy hoang mang nên đưa anh Minh đến bệnh viện để khám.
|
Anh Minh luôn cảm thấy tự ti về bệnh của mình |
Nói về “cái bớt” của mình, anh cho rằng cách đây 4 năm, như thường lệ anh lại bị “cái bớt” làm cho nóng rát, sốt liên tục kèm theo bớt sưng to, rỉ máu. Vì ngại ngần, anh Minh cũng chỉ đến tiệm thuốc tây gần đó mua thuốc uống.
“Tôi và chồng ẵm con đến bệnh viện nào bác sĩ cũng nói đó là cái bớt bình thường. Khi lớn lên bớt sẽ nhạt đi rồi sẽ không hành nó nữa. Nghe bác sĩ nói vậy tôi mang con về, lâu lâu nó lại quấy khóc một lần rồi thôi nên tôi cũng không chú ý. Cho đến khi Minh lớn, tự nhiên cái bớt lại ngày một to rồi vỡ ra bật máu”, bà Lài nhớ lại.
Theo anh Minh, cứ hễ mua thuốc uống và bôi vào vết thương thì vết bớt sẽ khô ráo, nên anh cũng không chú ý lắm. Cho đến một ngày, nơi vết thương này bể ra, chảy máu xối xả thì anh mới hốt hoảng đến bệnh viện tỉnh nhưng máu không thể cầm được. Anh Minh được chuyển đến Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM cấp cứu.
Sau khi cầm máu và làm các xét nghiệm cho anh Minh, bác sĩ tại đây kết luận anh Minh đang gặp một căn bệnh khá hiếm gặp, buộc phải theo dõi điều trị trong thời gian dài, anh có thể tử vong bất kỳ lúc nào vì mất máu nếu vết thương vỡ ra trở lại.
|
Bệnh đị dạng động tĩnh mạch là căn bệnh hiếm, chiếm dưới 1% dân số mắc bệnh |
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thanh Phong, khoa Lồng ngực Mạch máu, Bệnh viện Đại hoc Y Dược TP.HCM cho biết: “Bệnh nhân Minh mắc bệnh dị dạng động tĩnh mạch - một căn bệnh rất phức tạp so với những dị dạng mạch máu khác. Đây thuộc về bệnh bẩm sinh, chiếm dưới 1% dân số. Nguy hiểm ở chỗ, nếu không thăm khám kỹ, các bác sĩ có thể nhầm tưởng bệnh với bớt sơ sinh khi trẻ được sinh ra".
Có lẽ vì vậy mà bệnh nhân Minh không được phát hiện và điều trị sớm nên bệnh ngày một nặng. Bệnh đã đến giai đoạn 3 nên làm biến đổi da, loét, chảy máu liên tục, cả vùng mông gần như bị phá hủy.
Nguy hiểm hơn, chân phải của Minh ngày một teo tóp do biến chứng, có thể bị liệt, nằm một chỗ suốt đời nếu không tiếp tục điều trị.
Tôi muốn chết cho mẹ đỡ khổ nhưng cũng muốn sống để phụ mẹ trả nợ
Nghe bác sĩ nói vậy, bà Lài nắm chặt tay buồn bã xen lẫn niềm ray rứt vì trước đó bà không quyết tâm đưa con đi điều trị. Về phần Minh, anh cho rằng mình chưa bao giờ trách mẹ. Ngay cả bản thân anh, anh cũng chỉ nghĩ đây là một nốt u sần thông thường, bôi thuốc vào là khỏi.
|
Bà Lài cho biết: "Cực khổ bao nhiêu tôi cũng không sợ, chỉ sợ con mình chết thì không biết làm sao". |
Cứ như vậy cho đến khi nó ngã quỵ thì cũng đến lúc nhà hết tiền. Tôi vay mượn khắp nơi đến nay đã mượn hơn 80 triệu mà nó vẫn không khỏi, nhiều lúc con đòi về nhà mà thấy xót xa lắm”.
Bà Lài buồn bã: “Lúc đang định đưa con đi bệnh viện thì mẹ chồng tôi bị ngã gãy xương đùi, kèm theo nhiều bệnh khác. Thấy con còn chịu được nên tôi và chồng ưu tiên chữa bệnh cho mẹ trước. Bà vừa lành xương thì mất. Trong lúc làm đám tang cho mẹ thì chồng lại bị cụp xương sống, một lần nữa con trai phải chịu đựng thêm một thời gian để lo cho cha.
Nghe mẹ nói, Minh cúi gầm mặt cố nén cơn đau, Minh lại lo mẹ ngã quỵ vì hiện tại cả nhà sống lây lất bằng những đồng tiền ít ỏi từ lương cạo mủ cao su của mẹ. Tiền thuốc của cha, tiền thuốc cho mình, Minh đau đáu không dám nghĩ về tương lai.
Sau hơn 50 lần ra vào bệnh viện, không ít lần anh bước một chân vào quỷ môn quan, nhưng nghe tiếng khóc xót lòng của mẹ, Minh lại cố gắng bám lấy cuộc đời mình. Nhưng hôm nay, thấy cả nhà vì mình mà phải ôm số nợ khổng lồ, trong khi bệnh một ngày nặng thêm, tần suất chảy máu ngày càng nhiều, Minh lại càng muốn về nhà để mẹ đỡ khổ.
|
Theo bác sĩ Lê Thanh Phong, Minh là một bệnh nhân đầy nghị lực, đang từng ngày cố gắng chống chọi với bệnh tật, nhưng nếu mạch máu lại vỡ, Minh có thể tử vong bất kỳ lúc nào. |
Minh nói: “Giờ đây tôi không nghĩ được gì cả, nhiều lần tôi muốn chết đi để mẹ đỡ phải mệt mỏi vì tôi. Nhưng lúc thấy mẹ quá cực khổ, tôi lại cầu nguyện cho mình mau khỏi bệnh để đi làm trả nợ phụ cho mẹ. Tôi mà chết, mẹ vừa gánh bệnh của ba, vừa phải lo chủ nợ đến đòi từng ngày. Tôi chết cũng không yên”.
Nghe Minh nói vậy, thạc sĩ, bác sĩ Lê Thanh Phong không ít lần quay sang an ủi bệnh nhân của mình, anh Thanh cho biết: “Minh đã được can thiệp điều trị 4 lần, vùng mông đã có nhiều cải thiện, hoại tử đã bớt, đáy ổ hoại tử đang được khống chế và đã có mô trở lại.
Tuy nhiên, quá trình điều trị cần phải tiến hành thêm nhiều đợt, phức tạp và khá tốn kém. Mong rằng bệnh nhân có đủ ý chí để được qua giai đoạn khó khăn này”.
24 tuổi, hơn 50 lần ra vào bệnh viện để cắt lọc, tiểu phẫu, phẫu thuật với bao đau đớn nhưng Minh vẫn mong mỏi một ngày được lành bệnh, được tiếp tục đến trường, hoàn thành việc học để tiếp tục đi làm phụ mẹ trả nợ và lo cho người cha đang bệnh tật.
Ước mơ đầy nghị lực vươn lên ấy đang cần sự chung tay giúp đỡ của quý độc giả để thực hiện trọn vẹn. Minh đang khát khao chiến thắng bệnh tật, mong rằng quý độc giả, mạnh thường quân góp sức để anh vượt qua khó khăn này để trở về với chính mình. Một chàng trai luôn nhiệt tình, sống hướng thiện và sống có ích.
Mọi sự hỗ trợ xin liên lạc qua số tài khoản Báo Phụ Nữ TP.HCM: 0071001049165 tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), chi nhánh TP.HCM. Với nội dung "giúp anh Bùi Thanh Minh".
Bạn đọc có thể đến trực tiếp phòng Bạn đọc của Báo Phụ Nữ TP.HCM số 311 Điện Biên Phủ, phường 4, Quận 3.
|
Phạm An