Sân bay quốc ngoại vắng lặng chiều cuối năm. Thời điểm này, người lao động châu Á đều chọn hồi hương đón tết, vì thế một số nước khan hiếm người làm. Đó là lý do tôi, và nhiều người nữa chọn cách ra đi khi năm mới chỉ còn đếm bằng giờ. Ừ thì, vào lúc việc nhiều người ít, cơ hội dành cho mình sẽ nhiều hơn, và tiền công cũng cao hơn.
Vậy là tôi đi, khi trên phố dù người ngược xuôi không giấu được vẻ mặt lo lắng vì virus SARS-CoV-2 quay lại một cách đáng nguy hơn, nhưng vẫn muốn sắm sửa chút gì đó đón tết. Người mua cành đào phai nho nhỏ, tư lự: “Chút vầy cho có tết thôi, năm nay thằng Hai không về vì dịch, nên cũng chả muốn mua gì nhiều cả”. Người sang nhà mời dự bữa cơm tất niên đơn sơ, xua tay phân bua: “Sang uống chén rượu cho vui, năm nay buồn quá, cũng chẳng muốn nấu nướng cầu kỳ, chắc ông bà cũng hiểu cho”...
Trước lúc tôi ra sân bay, hàng xóm mang sang biếu cặp bánh chưng nhà nấu, bảo “sang đó ăn cho khỏi nhớ tết”. Nhưng, việc mang thực phẩm sang nước bạn có nhiều phiền phức, tôi đành kiếu không nhận.
Sân bay đến ngày cuối năm vắng hơn thường khi, vì dịch COVID-19. Kết quả xét nghiệm nhanh của tôi, được lấy mẫu khi vừa xuống sân bay cũng đã có sau đó không lâu, là âm tính. Cái dấu "-" trên báo cáo xét nghiệm đáng giá hơn bao giờ hết. Nhất là, ngay trước khi tôi lên đường vài ngày, dịch ở Việt Nam trở nên phức tạp, bắt đầu từ ca dương tính của một lao động Việt đến Nhật được nước bạn báo sang. Chưa kể, ngày hôm ấy, cả 2 người Việt sang 2 sân bay khác nhau của Nhật đều dương tính. Việc đó khiến các nước trong khu vực xét nghiệm kỹ hơn các lao động Việt Nam sang.
Khoảnh khoắc được lấy dịch xét nghiệm, không hiểu sao nước mắt tôi ứa ra. Cái cảm giác ra đi ngay những ngày tết đã về từ các khu chợ hoa đến phố bán hàng trang trí... dường như giờ mới trỗi dậy. Dù rằng, tôi xác định mình cần cố gắng khi còn trẻ, vài ba năm thôi, kiếm chút vốn lận lưng rồi trở về phụng dưỡng cha mẹ già. Sự cố gắng ấy, có những chuyến xa nhà. Dẫu vậy, không hiểu vì sao mắt tôi vẫn ướt. Cô nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm thoáng chút bối rối khi thấy được cảm xúc của tôi qua đôi mắt. “Hey guy, it's okay” (này chàng trai, không sao mà) - giọng cô có chút vỗ về.
Người quản lý nhóm đưa tôi về khu tập thể lao động người Việt. Buổi tối, chúng tôi ngồi với nhau, câu hỏi han xã giao ban đầu nhường chỗ cho những tự sự, khi ai đó khơi mào bâng quơ: “Nay là 28 tháng Chạp rồi...”. Chỉ vậy thôi, là một câu đếm ngày, nhưng đủ sức trì níu tâm trạng chúng tôi xuống. Rồi những lời kể tuôn như ký ức là một dòng suối ngày lũ.
Cậu bạn quê Thanh Hóa bảo, nếu ở quê ngày này, cậu sẽ “bị” giao nhiệm vụ rất “kinh điển” là chà sáng bộ lư đồng. 365 ngày, bộ lư đồng trên bàn thờ bị 365 nhịp làm cho tối màu đi. Cậu sẽ lấy một nùi giẻ, trước đó cậu trộn một ít tro và trấu, rồi cầm nùi giẻ ấy vốc hỗn hợp kia, chà lên lư. Tay cậu đưa đến đâu, thân lư sáng lên đến đó.
Cậu bạn Nghệ An thì kêu, ấy là việc nhẹ nhàng, như tôi, tôi không thể nào quên được việc phải quét sơn ngôi nhà vào năm ngoái. Cái ngôi nhà mà từ xa đã thấy được màu lưu cữu ấy, dễ chục năm rồi chưa được thay áo. Tôi phải lấy giấy nhám chà đi lớp sơn cũ, sau đó mới lấy cọ phết sơn mới lên. “Trời ơi, mất trọn 3 ngày mới xong nhiệm vụ”, cậu kể.
Những hồi ức cứ thế kéo dài cả đêm, bằng nhịp giọng lúc vui lúc buồn, về những ngày lúc giáp tết lúc trong tết. Cả những trận “quánh chén” đầu năm, vì “cả năm mới gặp nhau một lần”, say bí tỉ rồi bị mắng, cũng được kể trong tiếng cười - cười mà mắt ứa nước.
Tết xa quê, đây không phải lần đầu, nhưng lần nào cũng như lần nào, có nỗi nhớ cứ như tượng hình trong gió. Tôi nghĩ, nhiều năm sau nữa, ắt tôi sẽ rất nhớ tuổi trẻ của mình, trong đó có những cái tết từ phương xa nhớ nhà quay quắt...
Hoàng Kiên (từ Philippines)