Giữa buổi tân thời, mọi món ăn đòi hỏi phải vừa ngon vừa đẹp vừa lạ. Thậm chí món ăn truyền thống vẫn phải cố gắng “cải biên”, “sáng tạo”, “màu mè” nhất có thể dựa trên cái nền căn bản thì mới hấp dẫn. Thương làm sao những món kem vẫn giữ vẹn nguyên dáng hình và mùi vị như một món quà cho những con người tuổi trung niên rưng rưng tìm về thời thơ ấu xa xôi.
|
Xe cà rem huyền thoại của tuổi thơ |
Ai cà rem… kem đây…
Lứa 8X chúng tôi là lứa tuổi sống trong buổi giao thời, lưng chừng giữa một chút không khí cổ điển, đầy hoài niệm của thập niên 1980, 1990 và đoạn đầu của những năm 2000. Có lẽ vì vậy mà tuổi thơ chúng tôi luôn ngọt ngào dù những năm tháng ấy, ai cũng thiếu thốn trăm bề. Hồi đó làm gì có việc được ăn sáng một bữa no nê trước khi đi học. Vậy nên, thỉnh thoảng xin được vài chục đồng mua quà bánh là mừng rơn.
Hồi tiểu học, sáng sáng, tôi bám sau đôi quang gánh rau cải của má, lon ton theo má đến trường. Má bán rau ở chợ chồm hổm gần trường, đợi tôi tan học, 2 má con cùng đi bộ về. Bữa nào bán được nhiều, má hào sảng nhín ra vài chục đồng cho tôi ăn bánh. Nói bánh cho sang, thật ra trong trường chỉ có cái thùng cà rem kèm tiếng chuông leng keng của ông già tên Đường. Bọn trẻ nhao nhao bu quanh “ông Đường cà rem” mua cho được 1 cây vào giờ ra chơi.
Thùng kem của ông Đường đúng là cái kho chứa đầy bí mật. Nó có thể là một mớ kem que dáng dẹt 2 đầu đủ màu được làm từ si rô pha với tắc, đường rồi ủ lạnh cho đông cứng lại. Người ta gọi đó là “cà rem”, tức là kem đá, để phân biệt với “kem ống” - thứ kem cao cấp hơn làm từ sữa, bột kem trộn cùng đậu đen, đậu xanh, nhãn, dừa, sữa, mít… ấn vô khuôn là cái ống thép thon dài. Cà rem thì chỉ có vị ngọt mà lại mau tan, bởi thành phần chính vẫn là nước. Kem ống thì vừa béo vừa thơm, lại dẻo, bùi, giá mắc gấp 3 lần cà rem. Món cà rem, kem ống ngon lành là cả một khoảng trời tuổi thơ tươi đẹp của chúng tôi thuở nào.
|
Cà rem đá |
Học sinh của ngôi trường đó, giờ đã bao nhiêu người thành đạt làm ông nọ bà kia, vậy mà gặp nhau là hỏi ông Đường cà rem còn không. Có lẽ ông Đường cà rem và thùng cà rem chứa “phép thuật” là ký ức sống động nhất suốt thời tuổi nhỏ của bao lứa học sinh trường tôi. Chúng tôi nhớ thùng cà rem, nhớ cái chuông đồng ông cầm lên rung leng keng kèm tiếng rao khàn đục “Ai… cà rem… kem ống đây…”. Sau này, chúng tôi mới ngỡ ngàng khi biết được kỹ thuật đông lạnh kem thô sơ từ nước đá cây cùng với muối của ông Đường. Dưới con mắt trẻ thơ trong veo, ông quả là một ông phù thủy tài ba.
Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp một vài “ông Đường” khác đứng trước cổng trường, bên cạnh là chiếc xe cũ chở thùng kem đủ loại: cà rem, kem ống, kem ốc quế... Bữa nọ, mấy mẹ con tôi tấp vô mua mỗi người một cây đứng ăn tại chỗ. Cà rem vẫn nguyên hình dạng và mùi vị như xưa, tuyệt làm sao! Chợt thấy lòng rưng rưng khi nhìn hình ảnh ông già đi “buôn ký ức” một thời.
Bánh mì kem huyền thoại
|
Bánh mì kem thời tuổi thơ |
Nếu ai nghĩ rằng ổ bánh mì phải kẹp thịt, kẹp chả… mới là đúng điệu thì e rằng người đó chưa biết đến món bánh mì kem của lứa 8X. Không rõ ai đã nghĩ ra việc rọc ổ bánh mì rồi nhận mấy muỗng kem mát lạnh, dẻo thơm vô giữa. Bên trên lớp kem, người bán rắc thêm đậu phộng rang đập dập, rưới chút sữa đặc ông Thọ béo ngậy lên. Vậy là có ổ bánh mì kem vừa mềm, vừa béo, vừa lành lạnh mát rượi trong miệng. Đứa nào sún răng, cắn bánh mì không kịp, kem chảy thành dòng thì càng có kỷ niệm nhớ đời. Nhưng sún thì sún, thà ăn chậm chứ không nhịn thèm được khi chị bán bánh mì kem cứ trưa trưa lại đẩy xe hàng đi khắp hang cùng ngõ hẹp trong xóm.
Xe bánh mì kem nhỏ xíu, gồm một chiếc thùng vuông vức được ràng phía yên sau đựng kem đủ loại và một chiếc giỏ bàng nhỏ đựng bánh mì không. Mở nắp thùng kem ra, thò mặt vô, giả đò lựa kem này kem kia nhưng thực chất là để “hơ” ké cái mặt trong thùng kem mát rượi, giải nhiệt giữa trưa hè. Hồi đó, nhà đứa nào cũng nghèo xêm xêm nhau. Mỗi xóm được 1, 2 nhà có cái “truyền hình” để coi cải lương, phim kiếm hiệp, làm gì có tủ lạnh như bây giờ. Thùng kem của chị bán bánh mì kem đúng là một “tài sản” đáng mơ ước của tụi con nít. Có đứa còn hùng hồn tuyên bố sau này đi làm có tiền, thứ nó sắm đầu tiên là cái thùng kem y hệt vậy.
Sau mấy chục năm, đứa bạn kia đã sắm được bao nhiêu thùng kem, tôi không biết nhưng biết chắc món bánh mì kem ngon đến tận chân răng ngày nào vẫn sẽ ngọt ngào mãi trong lòng chúng tôi. Thỉnh thoảng nhớ món ăn ngày xưa quá, tôi cũng làm cho mình một ổ bánh mì kem. Kem bây giờ là kem hảo hạng trong các siêu thị, vị thì ngon nhưng vẫn không sao sánh bằng vị kem bình dân giản dị thuở nào. Cắn miếng bánh mì kem mà cứ rưng rưng tiếc một khoảng trời tươi đẹp với những món ăn đầy nhung nhớ, nhất là khi món ăn ấy là một món quà chúng tôi phải dè sẻn mớ tiền bạc ít ỏi, ki cóp nhiều ngày mới hùn nhau mua nổi để cùng ăn.
Kem ký
|
Dĩa kem luôn được điểm tô kỹ càng |
Lớn hơn xíu nữa, lứa 8X dần quen thuộc việc ngồi tụm năm tụm ba trong mấy quán kem ký rất thịnh hành.
Nếu cà rem, kem ống đơn giản thì kem ký có vẻ cầu kỳ hơn. Đó là những khối kem dẻo được làm từ bột kem sữa pha vị trái cây: kem dừa béo thơm, kem sầu riêng nức mũi, kem nhãn dai dai, kem khoai môn tím ngọt ngào… Kem được ấn khuôn hình chữ nhật, chủ quán cắt bán theo ký, thành ra “chết tên” kem ký.
Một nhóm vài người có thể kêu một ký kem nhiều loại. Kem được cắt thành miếng vuông vừa phải, trộn đều màu, đặt trong dĩa nhỏ, bên trên rắc nhúm cơm dừa nạo, mấy sợi mứt đu đủ, mứt chùm ruột đỏ au. Sau cùng, chủ quán chế si rô dâu hoặc cam tùy yêu cầu, thêm ít sữa ông Thọ, nhúm đậu phộng rang đập dập. Nhìn dĩa kem được điểm tô kỹ càng như cô gái đẹp ngày ra mắt nhà chồng, ai mà không ham!
Thời buổi chưa có kem nhập khẩu béo ngậy như hiện nay, kem ký được xem là món ăn thời thượng. Kem dẻo, ngọt vừa phải, mùi vị trái cây hòa quyện với sữa, nước cốt dừa thành một thứ gây nghiện. Mấy sợi dừa, mứt… rắc bên trên cũng biết phối hợp nhịp nhàng tạo ra cái thú nhai nhai cho vui miệng. Xắn từng muỗng kem, nhẩn nha trong miệng, vui thú chuyện trò, thấy cuộc đời cũng nhẹ nhàng thi vị… như kem.
Thời đó, nam nữ mới lớn quen nhau, tình cảm rất trong sáng. Quen lâu lắm, anh trai mới dám ngỏ lời rủ chị gái ra quán ăn kem. Mà cũng ít thấy cặp nào đi riêng lẻ, đa số đều rủ thêm “đồng minh”. Cuộc tình mới chớm có thành hay không một phần cũng tùy anh trai có biết khéo léo chọn quán kem ngon, biết chuẩn bị “hầu bao” dư sức chiêu đãi hội “đồng minh” hay không…
Mà dẫu cuộc tình có tan thành mây khói chăng nữa cũng hổng ai nỡ đổ thừa cho… kem. Bởi lẽ đó là món ăn ngọt ngào mà ít nhiều ai trong chúng ta cũng đều dành cho một góc đặc biệt trong ngăn ký ức.
Trần Huyền Trang
Ảnh: Internet