Tuổi thơ kẹo kéo

15/12/2023 - 12:45

PNO - Tôi hăng hái chen vào giữa đám trẻ con đang xúm quanh xe của ông Danh. Đưa cho ông tờ tiền gấp tư, gấp năm, tôi dõng dạc: “Bán cho cháu 200 đồng kẹo kéo”.

Ngày ấy, trước cổng trường, tôi luôn nhìn thấy một chiếc xe đạp cũ. Trên xe là một thùng gỗ đựng thứ mà bất cứ đứa trẻ nào thời đó cũng đều thích ăn: kẹo kéo. “Cửa hàng lưu động” này là của ông Danh, nói giọng Huế, dáng người cao gầy, khắc khổ. Tôi thường nhìn thùng gỗ với ánh mắt thèm thuồng. Đôi lần, tôi có vài trăm đồng bạc để mua một khúc kẹo vừa nhỏ vừa ngắn.

Khi trong túi có tiền, tôi hăng hái chen vào giữa đám trẻ con đang xúm quanh xe của ông Danh. Đưa cho ông tờ tiền gấp tư, gấp năm, tôi dõng dạc: “Bán cho cháu 200 đồng kẹo kéo”. 

Ông Danh cười tươi, khoe trọn hàm răng ám màu của người đã hút thuốc lá lâu năm, cầm tờ tiền bỏ vào túi áo. Rồi tay ông thoăn thoắt mở thùng gỗ ra. Trong ấy có một lớp vải phía trên, phía dưới là toàn bộ kẹo ông làm để bán trong ngày. Ông kéo cục kẹo, rứt ra một đoạn tương đương với số tiền của người mua vừa đưa rồi bẻ một cách dứt khoát. Bọc miếng giấy nhỏ ở phía dưới, ông đưa kẹo cho tôi.

Ảnh mang tính minh họa - N.Trang
Ảnh mang tính minh họa - N.Trang

Tôi cầm lấy khúc kẹo, rời đám đông, nhanh chóng đi vào lớp học, vừa đi vừa nhấm nháp vị ngọt, dẻo của lớp đường màu trắng sữa bên ngoài cùng vị béo bùi của đậu phộng rang bên trong. Tôi ăn thật chậm, sợ kẹo sẽ hết mất. Sau tôi còn rất nhiều đứa trẻ khác đang chờ ông bẻ khúc kẹo đưa cho chúng. 

Ngày ấy, tôi cứ tưởng cục kẹo của ông Danh cũng giống như nồi cơm của Thạch Sanh, kéo hoài cũng không bao giờ hết, vì ngày nào cũng vậy, bất kể nắng hay mưa, tôi đều thấy ông đứng đó, bên cạnh chiếc xe đạp cũ, cạnh chiếc thùng gỗ cũ. Trong chiếc thùng gỗ chứa thức quà ngọt ngào của tuổi thơ, niềm ước ao của một đứa trẻ nghèo chỉ lâu lâu mới được nếm 1 lần cho đã cơn thèm thuồng.

Tôi nhớ, ông chẳng bao giờ cáu gắt, mua hay không thì ông đều cho chúng tôi đứng đó, chưa một lần đuổi đi. Ông vẫn tươi cười bông đùa với đám trẻ trong lúc tay bán hàng không ngừng nghỉ. Khi ấy, tôi đã từng ước, sau này lớn, có nhiều tiền, tôi sẽ mua của ông Danh thật nhiều, thật nhiều kẹo kéo mà ăn cho thỏa thích. 

Lần lần, tôi lớn, học trường khác nên thỉnh thoảng mới thấy xe của ông Danh vụt qua trên đường hoặc đang đứng yên nơi góc cổng trường cũ. Lần sau gặp lại, thấy ông hình như già hơn thuở trước một chút. Lũ trẻ con xung quanh ông cũng thưa thớt hơn thời tôi còn nhỏ. Cũng phải thôi, cuộc sống dần tốt lên, mọi thứ đầy đủ hơn, ngày càng có nhiều món ăn vặt khác trông ngon lành, đẹp mắt. Những thứ ấy hấp dẫn hơn món kẹo mà ông Danh đã miệt mài bán bao nhiêu năm.

Thế rồi, tôi không còn gặp ông Danh thêm lần nào nữa. Ông và “cửa hàng lưu động” của ông không còn xuất hiện ở cái nơi mà tôi đã mặc định thuộc về ông. Ông đã đi đâu? Vẫn còn sống hay đã đi về miền mây khác? Nếu còn sống, liệu ông có còn đi bán thức quà đã từng là niềm ao ước của bao nhiêu đứa trẻ như tôi?

Mỗi khi hiếm hoi bắt gặp “cửa hàng lưu động” trên phố, tác giả lại nhớ đến tuổi thơ kẹo kéo của mình
Mỗi khi hiếm hoi bắt gặp “cửa hàng lưu động” trên phố, tác giả lại nhớ đến tuổi thơ kẹo kéo của mình

Thỉnh thoảng, khi gặp một ai đó bán hàng rong, tôi thường vô thức nhìn vào gian hàng nhỏ của họ xem có kẹo kéo không. Ký ức ngày xưa ùa về, tôi mỉm cười rồi mua một vài cây kẹo được gói gọn gàng trong giấy bóng. Bóc vỏ, cắn nhẹ, vẫn là vị ngọt dẻo của đường, vị bùi béo của đậu phộng rang nhưng sao tôi chẳng thấy ngon như khúc kẹo ông Danh bán cho tôi ngày thơ bé. Lòng tôi rưng rưng hoài nhớ. Tôi đang nhớ vị ngọt của tuổi thơ lấm lem hay đang nhớ hình dung của một con người đã từng xuất hiện trong suốt những năm tháng tôi còn bé dại? Ông Danh cũng như bao nhiêu người tôi gặp trong đời, làm đầy ký ức của tôi, trở thành niềm thương nhớ trong tôi, nhưng tôi chẳng thể nào gặp lại họ. 

Nguyễn Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI