PNO - PN - Một cậu bé 11 tuổi vừa được trao tặng kỷ lục “Người viết tự truyện nhỏ nhất Việt Nam”. Cậu bé mập mạp, khuôn mặt bầu bĩnh và sinh động, nói năng vừa có cái vẻ rất hồn nhiên, vừa biết chọn lựa từ ngữ và có câu...
Cậu bé Đỗ Nhật Nam
Ai cũng có một thời thơ ấu
So với những đứa trẻ bằng tuổi vẫn đang mê truyện tranh, gối ôm và nhiều khi bà hay mẹ còn phải dỗ mới chịu ăn cơm, Nhật Nam có lẽ là một trong những ví dụ xuất sắc về sử dụng quỹ thời gian của con người. Cậu bé học tiếng Anh từ lúc năm tuổi rưỡi. Bảy tuổi, cậu là dịch giả nhỏ tuổi nhất có sách được xuất bản. Nỗ lực học và hành như vậy, trong con mắt của nhiều người, là quá sức của một đứa trẻ, thậm chí quá sức của một người lớn, nên một nhóm người đã gọi cậu là “thần đồng”, trong khi một nhóm khác gọi cậu là “chém gió” và “không có tuổi thơ”. Tuy nhiên, Nhật Nam, trong video clip, không có vẻ gì là “quá sức”, là “bị nhồi nhét”. Cậu bé chứng tỏ mình sở hữu một khả năng ngôn ngữ vượt trội, diễn đạt gãy gọn, trong sáng, trôi chảy, một tuổi thơ hồn nhiên và tự do: được làm điều mình thích, được nói điều mình nghĩ. Tuổi thơ của cậu là của riêng cậu, có thể khác biệt với những bạn bè cùng trang lứa về tốc độ tiến bộ, về khả năng học tập, về sở thích, về nỗ lực cá nhân… cũng là điều rất bình thường. Chỉ là bất thường nếu đòi hỏi mọi cậu bé cô bé 11 tuổi đều phải đạt được những gì Nhật Nam đạt được, hoặc ngược lại: bắt buộc Nhật Nam phải giống như tất cả các cậu bé cô bé 11 tuổi khác.
Có điều kỳ lạ là ai cũng có một tuổi thơ và phần lớn những “thời thơ ấu của tôi” đó là khác hẳn nhau, vậy mà người ta cứ nghiễm nhiên cho rằng như thế này là không phải, là không có tuổi thơ; như thế kia mới là có tuổi thơ đích thực! Một bộ phận, buồn thay - khá đông đảo - của cộng đồng mạng đang đặt một thứ khuôn mẫu đầy định kiến lên cậu bé và cố gắng dồn ép, nhồi nhét cậu cho vừa chiếc khuôn. Họ gọt chân cậu cho vừa chiếc giày mà họ có, những chỗ nào không vừa, không thể vừa, họ chê bai dè bỉu rằng cậu không khiêm tốn, họ phán xét bằng những lời lẽ nặng nề, tệ hại. Có một phần lớn trong chuyện “ném đá” trên đây là hội chứng đám đông, nhưng cũng có phần do cách nghĩ, cách hiểu của một bộ phận công chúng đã được nuôi lớn bằng những khuôn mẫu định kiến ấy, nên đến khi trưởng thành, khó chấp nhận điều gì khác biệt.
Trong cách Nhật Nam trò chuyện, có thể thấy rõ niềm vui thích trẻ thơ khi được nói về những điều mình thích, mình nghĩ. Mong sao cậu bé giữ mãi được sự vui thích hồn nhiên ấy. Cậu bé nói “Mình nên đối xử cẩn thận với những quyển sách” một cách rất vô tư, như thể nói về cách đối xử với một người bạn thường xuyên trò chuyện với mình. Tôi chợt nhớ Mừng trong Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán, tham gia vệ quốc đoàn vì trong sân huấn luyện có lá tầm gửi, cậu bé muốn hái lá chữa bệnh hen suyễn cho mạ, khi theo bộ đội lên chiến khu, Mừng còn gói lá gửi người mang về làng cho mạ. “Chao cái thằng! Chừng nớ tuổi đầu mà đã biết lo cả việc nhà lẫn việc nước! Ngày mình bằng tuổi hắn mình đã biết cóc khô chi?” - nhận xét của một người lớn về Mừng vẫn là nhận xét về một đứa trẻ con sớm khôn, sớm biết suy nghĩ, một nhận xét chan chứa tình yêu thương. Những nhận xét này không ít, không thiếu trong đời sống thường ngày của người Việt Nam, khi một đứa trẻ làm được điều gì đó khiến người lớn tự hào, yêu quý. Đâu rồi cái cách nghĩ với tấm lòng yêu thương rộng mở ấy? Vì sao có lối vào hùa với nhau để rồi ném đá đến nỗi làm một đứa trẻ 11 tuổi tổn thương?
Về mặt bản chất, thời thơ ấu của mỗi người thường gắn với tự do. Những lề lối, những định kiến được xã hội áp vào dần dần trong suốt quá trình đứa trẻ trở thành người lớn. Như bất kỳ một đứa trẻ nào khác, Nhật Nam đang dùng cái quyền tự do của mình. Một đứa trẻ cần được, phải được làm những gì mình thích. Và nếu sở thích đó là đọc sách thì thật tuyệt. Chính sở thích đó mới là điều hiếm có trong thời buổi mà hình ảnh bề ngoài, ấn tượng thị giác, màu sắc và hoạt hình đang lấn át dần thế giới tưởng tượng phong phú và chiều sâu của những con chữ. Trẻ em đang xem nhiều hơn đọc, hậu quả là một bộ phận giới trẻ đang diễn nhiều hơn sống. Một hiện tượng như Nhật Nam, lẽ ra nên được chăm chút để trở thành một định hướng khuyến khích xây dựng văn hóa đọc trong giới trẻ, xây dựng những hình mẫu tích cực cho trẻ em của mỗi gia đình.
Buồn vì câu chuyện xảy ra trên đất nước mình, với một đứa trẻ hiếm hoi sở hữu một tài năng học và đọc, viết xuất sắc. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990, nhưng nhiều quyền trẻ em vẫn chưa được thấm sâu trong nhận thức của cộng đồng.. Hãy ném đá những kẻ xâm hại trẻ em; những kẻ buôn bán, bóc lột sức lao động của trẻ em, thay vì đòi hỏi một đứa trẻ phải giả vờ khiêm tốn thừa nhận sự kém cỏi của một bộ phận người lớn.
Tuổi thơ dữ dội
Xin được mượn tên một tác phẩm của nhà văn Phùng Quán để nhìn câu chuyện của ngày hôm nay bằng đôi mắt bình tĩnh hơn. Những dũng sĩ thiếu niên, những đứa trẻ 13 tuổi viết nhạc kịch “Sông Ô Lâu trắng đôi bờ tóc lau, hát lời thề chiến đấu đến bạc đầu” (Sông Ô Lâu đánh giặc - Quỳnh sơn ca, Tuổi thơ dữ dội) từng là hình tượng anh hùng, là giấc mơ, là nụ cười nước mắt của biết bao lớp độc giả. Chẳng ai nói những đứa trẻ anh hùng ấy là những đứa trẻ không có tuổi thơ. Sự khác thường trở thành sự bình thường, khi người ta thoát ra khỏi những định kiến, biết sống không giới hạn, biết trân trọng những con người xuất sắc, biết nâng niu và thưởng thức những tài năng.
Trẻ em không phải là một người lớn thu nhỏ. Trẻ em là một con người. Trên một số diễn đàn, đã có những bạn đọc nhận ra điều này: hãy tôn trọng con người ấy, với tất cả sự khác biệt của họ. “Không chấp nhận những con người khác mình không phải phẩm chất của một con người văn minh. Nó có lẽ là một dấu hiệu của một xã hội còn hơi khép kín” (Trần Đình Thanh Long, Một câu nói riêng với “thần đồng” Đỗ Nhật Nam). Trong trường hợp này, sự khác biệt của cậu bé là sự ưu tú. Đây không phải là chuyện chạy nhanh hơn hay xinh đẹp hơn, mà là câu chuyện của khả năng, nỗ lực và niềm vui thích, say mê học tập, đọc, viết - những năng lực xã hội, đòi hỏi xã hội phải nâng niu, bồi dưỡng. Nếu quá trình chăm chút ấy thành công, cộng đồng có thể có “một con người hảo hạng” - chữ dùng của nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, cộng đồng có thể được hưởng lợi ích từ một thiên tài.
Một số tờ báo mạng quá đáng đến mức sưu tầm, đăng tải cuộc đời của những thần đồng bất hạnh, như một kiểu “dự báo dự đoán” ngớ ngẩn tệ hại và tàn nhẫn. Sao lại làm điều đó, thay vì chúc cho em một sự trưởng thành hạnh phúc và giỏi giang, cũng là mong cho nòi giống mình ngày một thông minh ưu tú hơn?
Mong rằng “đá” trên những trang mạng sẽ sớm ngừng và Nhật Nam sẽ không phải khoác lên người chiếc áo “khiêm tốn”, “vừa phải”, “có đọc truyện tranh” cho vừa mắt một số người. Mong rằng gia đình Nhật Nam, cùng với những người yêu quý cậu bé tài năng này, sẽ giúp em biết chấp nhận những va đập lẽ ra không nên có trong thời thơ ấu. Hãy coi đó cũng là một phần trong tuổi thơ khác người của em. Và rồi em sẽ lớn lên, bình thản và tự tin khi đã trải qua một thử thách, dù nó có “dữ dội”, khó khăn. Những người lớn a dua rồi sẽ nhận ra sự ấu trĩ của mình và ngừng lại, nhưng điều quan trọng là em hãy tiếp tục bước đi bằng tốc độ của mình, đến mục tiêu của mình, xuyên qua cả những bó hoa, những tràng vỗ tay, những lời khen lẫn những cơn mưa đá tinh thần…
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.