Tuổi thơ con thả trên đồng (*)

11/06/2023 - 07:10

PNO - Sau vụ gặt, cánh đồng còn là nơi lý tưởng để trẻ con chơi thả diều. Gió đồng lồng lộng, những cánh diều thỏa sức bay lượn giữa bầu trời bao la.

 

Hè về, khi bạn bè loay hoay tìm chỗ học thêm, bồi dưỡng văn hóa, ngoại ngữ, lớp năng khiếu… thì vợ chồng tôi tỉnh rụi cho con “ăn chơi” đã đời. 

Thả tuổi thơ trên cánh đồng - ẢNH: INTERNET
Thả tuổi thơ trên cánh đồng - ảnh: Internet

Thực ra, chơi cũng là lúc con tự học, tự đúc rút những giá trị mà con được trải nghiệm một cách tự nhiên nhất, không phải bị thúc ép như những bài học đầy chữ. Những bài học trực quan này, con không cần phải trả bài cho ai cả nhưng tôi tin chúng sẽ ở mãi trong tâm trí con, theo con đến sau này. 

Mẹ ơi, rơm rạ là gì?

Từ nhỏ, con trai tôi đã là một đứa trẻ hiếu động. Con luôn thích vận động, chạy nhảy, chơi đùa với chó con, mèo con… Con cũng là đứa theo mẹ ra vườn chăm cây cối nhiều nhất. Khi còn học mầm non, những giờ cùng cô giáo ra mảnh vườn nhỏ sau trường ươm hạt giống, tưới cây, chăm sóc rau củ, thu hoạch trái cây… khiến con có hứng thú nhiều nhất.

Từ bước đệm đó, con gần gũi với thiên nhiên, bắt đầu để ý, tập tành quan sát nhiều thứ xung quanh. Tôi vẫn nhớ trên đường đi học, con cứ níu tay chỉ vào những cây bàng cao lớn bên đường, reo lên: “Cổ thụ kìa mẹ”. Những lúc đó, dù đang chăm chú quan sát đường để lái xe, tôi vẫn không khỏi bật cười. Tôi giải thích với con đó chưa phải là cổ thụ.

Và rồi sau đó, con đã được tận mắt sờ vào những gốc cổ thụ cao to như “người khổng lồ xanh” trong Thảo Cầm Viên. Con còn thích thú hơn nữa khi chẳng những chỉ có cổ thụ trong Thảo Cầm Viên mà còn rất nhiều cây lâu năm khác trên những tuyến đường rộng lớn ở Sài Gòn. Về nhà, khi nâng niu một cây cà chua vừa nảy được vài chiếc lá nhỏ xinh, con nói: “Con nhất định sẽ trồng nó thành cổ thụ”. Trước sự ngây thơ của con, tôi cố gắng nín cười, từ tốn giải thích đó là cây ăn trái, cây trồng ngắn hạn. Con vỡ ra một bài học mới: không phải cây nào cũng lớn lên thành cổ thụ.

Con đã có câu trả lời bên mớ rơm rạ miền Tây - ẢNH: T.H.T
Con đã có câu trả lời bên mớ rơm rạ miền Tây - Ảnh: T.H.T

Hè năm nay, vợ chồng tôi đã gạch đầu dòng điểm đến là rừng Nam Cát Tiên với ý nghĩ rằng con mình sẽ được một bất ngờ lớn với vô số cổ thụ, loài bướm và hệ thực vật vô cùng phong phú… Nhưng không, kế hoạch đã thay đổi hẳn khi hôm nọ con ngồi trầm tư sau khi xem một quyển truyện tranh với hình vẽ những cánh đồng trơ gốc rạ thật đẹp:

- Mẹ ơi, rơm rạ là gì?

Để trả lời câu hỏi của con, vợ chồng tôi lập tức quyết định thẳng tiến về miền Tây. Thực ra, chỗ tôi ở vẫn có nơi nhập rơm rạ khô từ Long An, Củ Chi (TPHCM)… về bán cho các nhà vườn nhỏ lẻ nhưng tôi muốn con có hình dung rộng lớn hơn về nơi sinh ra cây lúa, hạt gạo - nơi mà sau những vụ mùa bội thu, rơm rạ trải vàng mặt ruộng. Nếu đến nơi đó, sau này con sẽ không cần hỏi mẹ thêm câu “Thế nào là khói đốt đồng?”.

Rau mập ú và con cào cào búng chân tanh tách
Mùa này về miền Tây là đúng dịp cho con tận mắt nhìn thấy, sờ nắn mấy cọng rơm rạ khô rang trên đồng sau vụ gặt. Tôi nghĩ ngay đến người quen ở miền Tây còn con thì thả nỗi háo hức của mình qua khung cửa chiếc xe đang chạy về miền quê Trà Vinh thanh bình. Lần đầu tiên con thấy nhiều cây dừa cao lớn với những buồng trái chen chúc nhau khi xe qua miệt Bến Tre. Đúng là xứ dừa rộng lớn khiến ai đến cũng phải ồ lên thích thú. Nhưng, cái thích thú của trẻ con thật khác lạ. Cu cậu reo lên ngạc nhiên: “Mấy cây dừa giống mẹ lúc mẹ uốn tóc cuốn lô”…

Trà Vinh chào đón con không phải bằng những cánh đồng bát ngát mà là những ngôi nhà khang trang nhưng luôn có chuồng trâu cất tạm bên hông hoặc sau nhà. Xứ này, con trâu là đầu cơ nghiệp, là tài sản quý giá nhất của người dân Khơ Me. Ngôi nhà người quen mà chúng tôi đến cũng vậy. Phía sau nhà là chuồng trâu lớn với hơn 20 con trâu lẫn nghé.

Vừa đến nhà người quen là con lăng xăng chạy ra… thăm trâu - ẢNH: T.H.T
Vừa đến nhà người quen là con lăng xăng chạy ra… thăm trâu - Ảnh: T.H.T

Tận mắt thấy những con trâu bụng bự, nước da đen xám, cặp sừng dài, mắt lồi, miệng trệu trạo nhai cỏ liên hồi…, con hét lên đầy sảng khoái. Tôi cứ nghĩ con sẽ sợ sệt hoặc chí ít cũng sợ… dơ. Nhưng không, con hào hứng sờ đầu, sờ mặt mấy chú trâu đang khoan thai nhai cỏ trong chuồng. Rồi con mạnh dạn đề nghị với chủ nhà: “Chừng nào thả trâu ra đồng ăn cỏ, ông cho con theo với”. Bác chủ nhà cười tít mắt: “Ừ, nhưng con phải dậy sớm đó”.

Xứ này đón bình minh rất sớm, chưa tới 5g sáng mà những tia nắng ban mai đã xuyên qua cửa sổ. Chủ nhà lục đục tháo mấy thanh chắn chuồng trâu, tháo dây buộc ra khỏi cọc. Không biết do giữ đúng lời hứa hay do lạ nhà, con dậy rất sớm, tỉnh rụi, không gà gật ngái ngủ như mọi ngày. 

Đường từ nhà ra đồng là một bờ đê lớn ngay cạnh con rạch nhỏ. Lon ton theo sau bác chủ nhà lùa đàn trâu đi ăn, con ngạc nhiên khi thấy những dề lục bình ken dày trên mặt nước rạch: “Rau gì mập ú!”. Con thích thú với phát hiện của mình. Thích hơn nữa là trưa hôm đó, con được ăn món canh chua với nõn non của thứ “rau mập ú” lạ lùng này.

Cánh đồng mới xong vụ gặt. Một khoảng mênh mông chỉ thấy trơ gốc rạ vàng. Nếu được nghỉ hè sớm hơn một chút, con đã được tận mắt xem cảnh gặt lúa, được cầm một bông lúa trĩu hạt vàng ươm. Tiếc thật! Nhưng bù lại, con vẫn rất háo hức được nhúng chân xuống đất bùn, tha hồ chạy nhảy bên chú trâu đang gặm những cọng cỏ còn đẫm sương đêm. Bầy cào cào xanh trong bụi cỏ nháo nhào ùa ra khi con quơ tay chụp, bay loạn xạ, búng chân tanh tách trong lòng bàn tay con. Con cũng khựng lại vài giây khi bị gai trên chân con cào cào làm đau tay nhưng có lẽ sự thích thú đã lấn át nỗi sợ.

Sau vụ gặt, cánh đồng còn là nơi lý tưởng để trẻ con chơi thả diều. Gió đồng lồng lộng, những cánh diều thỏa sức bay lượn giữa bầu trời bao la. Con được theo chân mấy đứa cháu của chủ nhà, hò hét kéo thả mấy con diều cá mập, diều phụng, diều siêu nhân… đủ màu sắc. 

Về Trà Vinh, lần đầu tiên con được thấy những chiếc lu thật lớn dựng bên hiên nhà dùng chứa nước mưa. Bầy gà con đi lon ton bên gà mẹ. Con đi theo bầy gà, tìm mọi cách để dụ mấy chú gà con chơi với mình nhưng bất lực vì gà mẹ rất dữ. Cũng nhờ vậy, con cảm nhận được tình mẹ của loài vật cũng cao cả như con người.

Tạm biệt những cánh đồng rơm rạ, con nói rằng sẽ rất nhớ những cuộn rơm được cuộn tròn bằng máy thật đẹp mắt mà bác chủ nhà để dành cho “những bạn trâu bụng bự” nhai đỡ đói vào mùa khô. Thứ con mang về lại Sài Gòn, ngoài những vết cỏ cắt đầy 2 bắp chân, còn có rất nhiều kỷ niệm về những điều kỳ diệu tuyệt vời mà thiên nhiên và con người miền quê đã thơm thảo đãi đằng… 
 

Trần Huyền Trang


(*): Lời bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI