Tôi sống ở Sài Gòn - TPHCM bao nhiêu năm mà chỉ thật sự biết đời sống khổ ải của hàng vạn người dân sống trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào dịp đến thăm gia đình anh bạn học cùng trường đại học.
Những phận người khổ ải từ “kênh nước đen”
Đó là năm 1988, H. đưa tôi về nhà bằng xe đạp vì một lời hứa lúc vui (mà không thể không thực hiện). Trước khi đến nhà, H. dặn: “Chỗ nhà anh có nhiều điều lạ lắm, có gì đừng hỏi, đừng thắc mắc nha!”.
Điều lạ trước tiên là khi bước lên “chiếc cầu” là tấm ván mỏng tang chỉ vừa khít chân một người dẫn vào mái nhà sàn cất tạm bợ trên kênh Nhiêu Lộc, H. nhắc: “Em bước nhè nhẹ thôi, coi chừng cầu sập”. Quả thật cầu mong manh, tôi 45 ký yếu, bước rón ra rón rén mà cầu vẫn đu đưa đu đưa…
Biết có khách đến nhà, chị M. của H. nấu cho một nồi cháo gà. Cả nhà vừa ăn cháo vừa đập muỗi liên tu bất tận. Nhưng đáng sợ nhất là cái mùi nước đen từ dưới sàn nhà xộc vào mũi, xin lỗi, như mùi nước cống lâu ngày không thoát được. Chị M. ý nhị bảo: “Em thông cảm, con kênh này nó tù đọng 2 chục năm rồi, nhà ai khá khá, người ta không ở đây đâu!”.
Được một lúc thì bác K. - ba H - về. Bác “la” chị M. lười, không chịu giăng mùng cho tôi ăn cháo. Tôi hỏi nhỏ H: “Tại sao phải giăng mùng khi ăn?”. H. bảo, thì vừa trốn muỗi, vừa tránh được cái mùi nước kênh như nước cống. Ăn xong, tôi chào cả nhà ra về, chị M. ái ngại hỏi: “Em có muốn đi toilet không?”. Tôi đảo mắt nhìn quanh nhà, thấy có một vuông nhựa xanh được quây lại sau sàn bếp, H. bảo: “Tất cả đều thải bằng cách đó xuống kênh!”.
|
Kênh Nhiêu Lộc xưa - Ảnh tư liệu |
Cho tôi biết gia cảnh, H. có vẻ buồn buồn nhưng không thiếu tự tin vì chúng tôi chơi với nhau rất thân. Sau đó, H. còn đưa tôi đi “tham quan” xóm kênh nước đen kéo dài từ Bình Thạnh sang quận 1, quận 3, Phú Nhuận, Tân Bình. Đó là những cảnh đời sống tạm bợ đến mức tối đa, mà không có cách nào thoát ra. Ví dụ như nhà H. tiếp khách không bao giờ quá một người. Vì cộng với 3 nhân khẩu nhà H. cùng khách như tôi là 4 người, không thể 5 người vì nhà có nguy cơ… sập. Không nhà nào được quyền cơi nới hoặc làm thêm công trình phụ nào cả vì đây là khu dân cư tự phát từ sau năm 1968.
Bác K. cho biết. khi chiến tranh khói lửa lan tràn, dòng người từ khắp nơi đổ về Sài Gòn trú ngụ, ban đầu nhiều gia đình dựng lều ở tạm dọc theo kênh Nhiêu Lộc. Chờ mãi không hết chiến tranh, không hồi hương được, họ đành chọn Sài Gòn làm quê hương thứ hai. Và để có một chốn gọi là “nhà”, họ đã dựng nên những ngôi nhà sàn lấn ra đến giữa dòng kênh. Cuộc sống tự phát, không quy hoạch, cứ thế mà các chất thải sinh hoạt và hằng hà các loại rác cứ “vô tư” đổ ào ào xuống lòng kênh… Nhiều xưởng dệt, xưởng nhuộm mọc lên quanh các vùng lân cận cũng đẩy hết nước thải công nghiệp xuống lòng kênh. Tín hiệu sống của dòng kênh xanh Nhiêu Lộc trước đó với tôm cá bạt ngàn và giống rau muống ngon ngọt nổi tiếng khắp Sài Gòn kết thúc khi nước kênh không lối ra và chuyển màu đen xỉn.
Bài toán khó đã giải được
Sau này đi làm, tôi được tham dự nhiều cuộc họp quy hoạch TPHCM, vấn đề cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhiều lần được các cấp các ngành đặt ra một cách nghiêm túc, cấp bách và đầy tinh thần trách nhiệm. Phải nghiêm túc, cấp bách và đầy tinh thần trách nhiệm thôi. Bởi nếu bạn yêu thành phố này, bạn mong muốn thành phố này phát triển thì không thể nào “làm ngơ” được trước con kênh dài gần 9km len lỏi qua các con đường nội đô huyết mạch kéo dài từ Bình Thạnh, Phú Nhuận qua quận 1, quận 3, quận Tân Bình… trong tình trạng ô nhiễm nặng nề, luôn nồng nặc mùi xú uế. Và kéo theo đó là một dải dài những khu xóm ổ chuột, tràn lan tệ nạn xã hội. Thế là quyết tâm, quyết tâm, quyết tâm… vì một TPHCM văn minh, nghĩa tình và phát triển.
Dự án cải thiện vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bắt đầu từ năm 2002 với nguồn vốn ban đầu hơn 8.600 tỉ đồng (vay từ Ngân hàng quốc tế - WB không lãi). Giai đoạn một dự án tập trung xây dựng hệ thống cống ngầm phía dưới kênh (dài 8 km) để thu gom nước thải các loại, đường kính cống 3 m, tổng chiều dài cống nước thải được lắp đặt để vận hành toàn dự án dài 60km. Song song đó, việc gia cố 2 bên bờ kênh cũng được tiến hành.
Quả thật không dễ dàng nếu không kể đến công tác bồi thường, giải tỏa mặt bằng với hơn 7.000 hộ dân gồm hơn 5 vạn người dân sống trên kênh Nhiêu Lộc. Nhờ công tác vận động, giải thích có tình có lý của các cơ quan hữu trách nên việc bồi thường, giải tỏa đạt hiệu quả cao.
Sang giai đoạn hai, năm 2012, chính quyền TPHCM đầu tư 550 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng 2 đường Trường Sa - Hoàng Sa chạy dọc theo 2 bên bờ kênh nhằm tạo cảnh quan đẹp cho thành phố và kết hợp khẳng định chủ quyền biển đảo. Khi dòng kênh trở nên xanh mát, nguồn nước trở lại dồi dào như xưa và được xác định không còn ô nhiễm, hàng tấn cá các loại được thả xuống kênh Nhiêu Lộc. Mọi người hy vọng, hướng tới tương lai, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ trở thành một môi sinh lý tưởng.
|
Một góc kênh Nhiêu Lộc nay - Ảnh: Đồng Dao |
|
Góc đặt dụng cụ tập thể dục phục vụ người dân bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Ảnh: Đồng Dao |
Năm 2014, đàn cá sinh sôi nhanh chóng trong kênh bỗng chết hàng loạt. Có ngày các nhân viên vệ sinh môi trường vớt đến cả trăm tấn cá chết. Qua kiểm tra, cơ quan hữu trách kết luận, nước kênh Nhiêu Lộc bị ô nhiễm cục bộ. Có nghĩa, kênh đã đến lúc cần được nạo vét, cần được xem lại hệ thống thoát nước và tăng cường nhắc nhở ý thức người dân về “thói quen” còn xả rác vô tư xuống dòng kênh.
Con kênh xanh xanh bây giờ…
Sau 22 năm được cải thiện vệ sinh môi trường, dòng kênh đen ô nhiễm Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã trở thành “con kênh xanh xanh những chiều êm ả nước trôi” cho cư dân TPHCM thưởng ngoạn sáng chiều. Kênh Nhiêu Lộc bây giờ còn là “lá phổi” lọc bớt bụi bặm đường phố, không khí ô nhiễm từ các công trình lân cận với chiều dài dòng nước xanh trong gần 9 km uốn lượn quanh thành phố cùng 2 hàng cây vững chãi xanh ngát bên bờ.
Không gian bờ kênh còn là điểm tập thể dục thể thao của người dân các quận lân cận. Vào các dịp lễ tết, các cuộc đua thuyền trên kênh Nhiêu Lộc cũng thu hút hàng ngàn lượt dân tham gia và cổ vũ. Một đội thuyền phục vụ du lịch dọc theo tuyến kênh cũng đã được thành lập và đưa vào hoạt động mỗi dịp cuối tuần. Bạn có thể mua vé để được ngồi thuyền dạo khắp thành phố theo kênh Nhiêu Lộc, lại vừa được uống nước dừa, vừa được nghe đờn ca tài tử, vô cùng thú vị!
|
Chiếc cầu bắc qua kênh Nhiêu Lộc nối quận 1 và quận Bình Thạnh được khánh thành và đưa vào sử dụng đầu năm 2024 - Ảnh: Đồng Dao |
|
Bến thuyền du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Ảnh: Đồng Dao |
Hồi sinh được con kênh xanh xanh Nhiêu Lộc quả là thành công đáng kể của chính quyền và nhân dân TPHCM. Vấn đề quan trọng còn lại là việc giữ gìn sao cho con kênh mãi xanh, mãi là điểm đến đáng nhớ. Sáng sáng chiều chiều trên dòng kênh bây giờ vẫn có “các ngư ông” chèo những chiếc thuyền con đi nhặt rác và vớt lục bình để làm sạch mặt kênh. 2 bên bờ kênh luôn có các cô nhân viên vệ sinh dọn rác và thổi lá khô từ trên cây rụng xuống.
Thật ra, ý thức người dân trong việc giữ gìn cho dòng kênh sạch khỏe bây giờ vẫn chưa cao. Ngày nào nhân viên làm vệ sinh chậm trễ, mặt kênh lại lềnh bềnh rác và có mùi. Ai cũng nghĩ mình vất một chút rác xuống kênh cũng chẳng sao. Nhưng mỗi tí ống hút, mỗi tí bọc nhựa, mỗi tí hộp xốp… sẽ trở thành “nhiều tí”. Và nguy cơ ô nhiễm, làm nghẹt dòng chảy con kênh cũng sẽ đến một ngày không xa.
|
Bảo vệ môi trường như bảo vệ cuộc sống của bạn - Ảnh: Đồng Dao |
“Đường xa nghĩ nỗi sau này… ” khi con kênh Nhiêu Lộc xanh xanh bây giờ của thành phố chúng ta sẽ trở lại thành cơn ác mộng bốc mùi đen đúa như xưa. Sẽ chẳng mấy chốc thôi, khi ai cũng nghĩ con kênh không phải là của cá nhân mình.
Còn tôi thì, nếu thật sự có ngày ác mộng ấy trở về, tôi sẽ mang khẩu trang ra ngồi bên dòng kênh mà tiếc, tiếc bao công sức tiền bạc chất xám đổ cho kênh Nhiêu Lộc một thời của chính quyền TPHCM và những người thật sự yêu quý thành phố này…
Bùi Thị Đồng Dao
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây |