Tuổi ngựa chứng: Con khó chịu, cha mẹ đành... chịu khó

17/05/2021 - 06:00

PNO - Một phụ huynh ngớ người khi bị con “sửa lưng”: “Con thấy lời khuyên cha mẹ hãy làm bạn với con là lời khuyên vớ vẩn nhất đó mẹ. Thôi mẹ cứ làm mẹ đi, đừng giả bộ làm bạn nữa!”.

Ở tuổi dậy thì, một nét tâm lý đáng lưu ý là trẻ bắt đầu phán xét người lớn. Người lớn tương tác kiểu gì, “thạo nghề” làm cha làm mẹ đến đâu cũng có lúc bị con… đánh giá. Điều này càng dễ làm bùng phát xung đột trong mối quan hệ cha mẹ với con cái tuổi “ẩm ương” vốn không dễ “xuôi chèo mát mái”.

Trẻ phán xét là do trẻ vô phép, hỗn, phải dập ngay, hay trong lời nói ấy, có điều gì người lớn thực sự cần lắng nghe?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khi con giành quyền… chấm điểm cha mẹ

Một tối, chị Huyền K. (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vô tình đọc được đoạn chat trên Facebook của con với bạn thân, có nội dung động trời là… chấm điểm cho cha mẹ.

“Chiến sự” bùng nổ bởi điểm con chấm quá bèo, chỉ ở mức trung bình trong khi đứa bạn chấm cho ba mẹ nó đến điểm 8. Con trừ điểm chị K. vì nhiều lý do, trong đó có lý do “mẹ hay lấy quyền làm mẹ để áp đảo”. 

Ngay sau khi đọc được đoạn chat, chị K. giận run, gõ cửa phòng con, mắng xối xả. Đang học bài, bị mẹ “đột kích”, con bé lớp Bảy bất ngờ, câm lặng, nước mắt chảy dài.

Một lúc không chịu nổi thái độ của mẹ, bé gào lên: “Mẹ không cho con vào tài khoản Facebook của mẹ, tại sao mẹ lại vào tài khoản của con để đọc tin nhắn riêng? Mẹ làm vậy có quá đáng không? Con tiếc là con đã quên xóa những dòng tin nhắn đó để mẹ khỏi vào coi”.

Chị bủn rủn tay chân khi nghe con nói “xóa”. Xóa tin nhắn khác nào phủ nhận vai trò đồng hành của một người mẹ như chị. Rằng chị như đứng bên lề của những tâm tư nỗi niềm của con và còn tệ hại hơn nữa khi con muốn giấu giếm.

Cơn giận vẫn phừng phừng nhưng chợt nhìn ánh mắt hối hận của con vì đã lỡ lời, chị sựng lại và dịu bớt. Chị tự hỏi phải chăng con nói đúng “mẹ hay lấy quyền làm mẹ để áp đảo” và tình huống vừa xảy ra là dẫn chứng xác đáng cho điều con nói còn gì.

Chị ôm “số điểm trung bình” nặng trĩu rời khỏi phòng con. Chọn một dịp thuận lợi hơn, bình tâm hơn, mẹ con sẽ đi cà phê, trò chuyện thẳng thắn trên tinh thần cả hai cùng cầu thị, sửa đổi.

Có những câu chuyện đau lòng khi con gái ở tuổi cấp II bỏ nhà đi theo bạn trai, nguyên nhân sâu xa là “vì ba mẹ không tin, không tôn trọng con nên con đổ hư như vậy cho đúng với lời ba mẹ mắng mỏ, suy diễn”.

Con nhỏ dại, va vấp trên hành trình học làm người lớn thì cũng là lúc phụ huynh học, hoàn thiện hành trang làm cha mẹ và cũng phải đóng “học phí”. Thái độ, lời nói phản biện của con dù xù xì, khó nuốt nhưng là những “bộ đề” cần thiết.

Đã bao giờ phụ huynh trực tiếp hoặc gián tiếp nghe con phàn nàn: “mẹ quá độc tài”, “ba bao giờ cũng nói như đúng rồi”, “mẹ mình gì cũng được chỉ có điều quá nóng tính, dễ nổi đóa”, “giá mà mẹ cư xử lịch sự, tế nhị với bạn con”, “ba mẹ đặt ra luật lệ trong nhà nhưng ba mẹ toàn phá lệ, ba mẹ đúng là… chơi ăn gian” hoặc chỉ là “mẹ ăn mặc luộm thuộm khi rước con khiến con ngại với bạn bè”… 

Nhiều đứa trẻ tuổi teen bất bình vì chuyện gì đó thì cha mẹ phán: “Còn nhỏ mà đã…”, chuyện khác lại chê trách: “Sao lớn đầu rồi mà việc đó cũng không biết, việc kia cũng làm không xong”. Các em cảm thấy vô lý, chẳng biết thực ra mình lớn hay nhỏ với cách cha mẹ áp đặt góc nhìn chủ quan, một chiều như thế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nguyên tắc 3A 

Con vẫn yêu cha mẹ, nhưng chỉ chọn những phụ huynh “điểm cao” để kết thân, sẻ chia tâm sự. “Giám khảo” tuổi dậy thì đã khá khó tính, siêu soi, “thí sinh” phải nỗ lực nếu không muốn… thi trượt.

Đến đây thì phụ huynh có thể phản đối vì sao mình là cha mẹ, là người đẻ ra con mà lại yếu thế như vậy? Con cái dù ở tuổi nào cũng không có quyền chê trách, nhận xét cha mẹ chứ?

Cha mẹ cần hiểu, phần điểm con trừ không phải là sự chê trách mà thực ra là nguyện vọng của con đối với cha mẹ và chưa được đáp ứng. Con ở tuổi dậy thì cụ thể hóa mong mỏi của mình về cha mẹ bằng lời góp ý, “bóc phốt“ (thay vì khóc thét, lăn ra nằm vạ như tuổi mầm non). 

Lời nói khó nghe, thái độ thể hiện chút chống đối ở con có thể châm ngòi cho mâu thuẫn nhưng cũng là cơ hội để cha mẹ nhìn lại mình, phân tích cho con trẻ hiểu những khó khăn riêng từ phía cha mẹ.

Nếu phụ huynh tiếp thu, từng bước biến chuyển thì “giám khảo nhí” sẵn sàng cho phúc khảo và hào phóng lấp đầy những điểm số. Mối quan hệ cha mẹ - con cái trở nên tin yêu hơn, thân thiết, cởi mở hơn. Vì thế, khoan hãy dán nhãn cho tuổi teen là ương bướng, nổi loạn, vị kỷ.

Trong hội thảo “Giao tiếp cùng con tuổi dậy thì” do Trường tiểu học, THCS, THPT Việt Mỹ VASS (Q.Tân Bình, TP.HCM) tổ chức vào cuối tháng 4/2021, chuyên viên tham vấn tâm lý - tiến sĩ Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Phân viện tại TP.HCM) chia sẻ:

Muốn hiểu con và muốn con nghe mình, phụ huynh cần nghe con trước. Cha mẹ phải luyện kỹ năng lắng nghe, kiểm soát cảm xúc khi nghe, “nghe sao cho con nói, nói sao cho con nghe” và luôn thấu cảm (đặt mình vào tình huống của người nói, hiểu được nội dung công khai, nghĩa đen và nội dung ẩn giấu bên trong, thông điệp và cảm xúc của con). 

Ví dụ, với câu “con thấy mẹ độc tài quá!”, nếu đang giận dữ, mất bình tĩnh, phụ huynh sẽ chỉ đọc được nghĩa đen “cái gì mẹ cũng muốn phán rồi bắt mọi người tuân theo”.

Phụ huynh đã bỏ sót một cách uổng phí tình cảm chân thành: “Con thấy mẹ con mình có quan hệ tốt nên con mới dám nói thẳng với mẹ như vậy, mong mẹ đừng giận con” và nghĩa sâu kín bên trong cũng chính là điều con thực sự muốn giãi bày: “Con mong mẹ hiểu chị em con hơn”.

Một phụ huynh ngớ người khi bị con “sửa lưng”: “Con thấy lời khuyên cha mẹ hãy làm bạn với con là lời khuyên vớ vẩn nhất đó mẹ. Thôi mẹ cứ làm mẹ đi, đừng giả bộ làm bạn nữa!”.

Thì ra, con khó chịu khi phụ huynh kết nối với con chưa đúng cách hoặc chỉ nửa vời (khi tỏ ra thân thiện, ngang hàng con để moi thông tin, khi lại dùng quyền hành để cản ngăn, bắt ép con theo ý mình).

Những gì cha mẹ cần làm là cho con cơ hội được nói; đưa ra những yêu cầu đơn giản, nhẹ nhàng, có giải thích; đừng ngại nói lời xin lỗi; dứt khoát khi cần (kiên định quy tắc, xây dựng kỷ luật tích cực trong gia đình); học cách chuyển hóa cảm xúc tiêu cực khi tương tác với con. 

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy cũng “bật mí” cho phụ huynh công thức 3A giúp con, giúp mình hạnh phúc là: Aware (hiểu mỗi người có sự khác biệt) - Accept (chấp nhận sự khác biệt) - Adapt (thích nghi với sự khác biệt). Người lớn nêu gương và dám thay đổi vì mình, vì con sẽ kết nối hiệu quả, xây dựng mối quan hệ gia đình tốt đẹp. 

Tô Diệu Hiền

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy lắng nghe phụ huynh chia sẻ về hành trình nuôi dạy con tuổi dậy thì
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy lắng nghe phụ huynh chia sẻ về hành trình nuôi dạy con tuổi dậy thì

Đến tuổi teen, bộ não con người mới chỉ phát triển được 80%

Đảm nhiệm nhiều trọng trách ở trường đại học và bệnh viện về thần kinh nổi tiếng tại Mỹ nhưng giáo sư Frances E. Jensen vẫn thừa nhận công việc khó khăn nhất của bà là dìu dắt hai con qua độ tuổi teen. Có điều gì ở bộ não tuổi teen đưa đến những hành xử khó hiểu như vậy?

Bà lao vào tìm hiểu, nghiên cứu và cuốn sách Não bộ tuổi teen đã ra đời từ trí tuệ, sự dày công của một giáo sư thần kinh và trải nghiệm từ trái tim của người mẹ. 

Nghiên cứu cho thấy bộ não tuổi teen chỉ mới phát triển được 80% so với người trưởng thành. Phải đến giữa những năm tuổi hai mươi (độ tuổi trên 25), bộ não con người mới thực sự hoàn thiện. Với tuổi teen, cảm xúc mạnh hơn và lấn át lý trí.

Kết quả nghiên cứu lý giải vì sao tuổi teen đã phát triển về thể chất và thu nạp nhiều kiến thức mà vẫn còn nông nổi, bồng bột, kém điều khiển hành vi và cảm xúc.

Kết quả nghiên cứu này cũng nhắn nhủ phụ huynh cả thế giới rằng, đứa con tuổi teen của chúng ta hãy còn dại khờ, vẫn được “quyền… sai”, vẫn cần sự uốn nắn, nâng đỡ nhẹ nhàng, kiên nhẫn của người lớn trên nguyên tắc “hiểu + chấp nhận = tôn trọng = yêu”. Đừng đặt cho tuổi teen những đòi hỏi quá cao! 

HOÀI NHÂN 

(Ghi theo thông tin tiến sĩ Phạm Thị Thúy cung cấp trong hội thảo)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI