Rời cuộc trò chuyện, tôi chở nhân vật của mình vòng qua vài ba con đường ở Sài Gòn để đến Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM (quận 3). Hôm ấy, nhân vật của tôi có lịch khám vì tuổi bà đã cao, “máy móc” đôi khi cần được bảo hành chút đỉnh. Đó cũng là cuộc gặp mà có lẽ trong đời làm báo của mình, tôi khó lòng quên được.
Tuổi 90 yêu đời chất ngất
Tôi biết bà Minh Đăng Khánh (tên thật Nguyễn Thu Khê, 90 tuổi) thông qua một số hình ảnh bà chụp cho thương hiệu thời trang trong nước. Mới nhất, bà xuất hiện trong MV Mộng yu của ca sĩ Amee với hơn 10 triệu lượt xem sau 3 tháng phát hành.
Từ cách ăn mặc, phong thái và mái tóc bạc phơ nhìn rất “ngầu” ấy, nhiều người dùng mạng xã hội trong đó có tôi, cảm thấy được truyền năng lượng tích cực.
Trên thế giới, hình ảnh những người mẫu lão niên "oanh tạc" các sàn diễn hay làm người mẫu ảnh, đại diện cho các thương hiệu không hiếm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, xu hướng trên chưa có nhiều. Vì thế, khi bà Minh Đăng Khánh diện những mẫu thiết kế trong bộ sưu tập mới và chụp ảnh, nhiều người dành lời khen, tỏ ra yêu thích trước những biểu cảm đầy khí chất của người mẫu đặc biệt này.
Bà Minh Đăng Khánh cho biết công việc làm mẫu thời trang hoàn toàn do con gái út của bà - chị Trần Đăng Mai Khanh - “mai mối”. Chị Khanh vốn có khiếu ăn mặc, lại thích diện đồ đôi với mẹ nên thường tìm đồ của nhiều nhà thiết kế trong nước để phối lại. Sau vài bộ ảnh gia đình chụp cùng nhau được hưởng ứng, đến một ngày, các thương hiệu thời trang ngỏ lời mời cả hai làm mẫu. Vì muốn tạo thêm niềm vui, trải nghiệm cho mẹ, chị Khanh nhận lời. Cũng từ đó, chị vô tình trở thành “trợ lý bất đắc dĩ” của mẹ.
Hôm gặp phóng viên, cả 2 mẹ con chị khiến người đối diện bất ngờ vì dáng vẻ trẻ trung so với tuổi. “Người mẫu” Minh Đăng Khánh bước sang tuổi 90 nhưng trí nhớ vẫn tốt, đi lại nhanh nhẹn, luôn yêu đời. Còn chị Mai Khanh ngoài 50 nhưng vóc dáng chuẩn, nụ cười rạng rỡ và sở hữu làn da nhiều phụ nữ mong muốn.
Tôi hỏi bà Minh Đăng Khánh về cách để duy trì thể trạng và tinh thần tốt, bà nhắc nhiều về chữ “buông”. Với bà, một khi biết buông và buông được, cuộc đời sẽ nhẹ nhàng, đáng sống hơn. Ở đây, buông không phải là mặc kệ, phó thác số phận mà là cho bản thân được chọn lối hành xử ít tổn thương nhất về mặt cảm xúc, thể hiện được lòng vị tha, bao dung.
“Tập buông được giữa đời sống bộn bề, nói tưởng dễ nhưng làm khó lắm. Tôi cũng ráng qua nhiều năm mới hiểu và thực hành được. Nhớ có lần ở đỉnh điểm của cơn tức giận, tôi muốn gào lên thật to để giải tỏa nhưng dặn lòng kiềm chế. Đầu óc khi đó liên tục suy nghĩ rằng mình nên làm sao mới phải. Tôi cứ hít thở, trấn tĩnh bản thân. Một lúc sau, cơn giận dữ đi mất. Sau nhiều lần thì thành quen, tự lướt qua được những điều bất như ý” - bà chia sẻ.
Ở cái tuổi bạn bè chí cốt chẳng còn mấy người, con cái đã trưởng thành, nhu cầu ăn uống, kết giao không còn như xưa, niềm vui của bà Minh Đăng Khánh nhặt nhạnh ở những thân quen thường ngày. Bà không còn đặt mục tiêu, không mưu cầu điều gì cho bản thân và cũng không cho phép mình trở thành gánh nặng. Mọi việc từ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi cho đến đi khám bệnh đều một mình bà chủ động. Bà xem sự tự do trong cuộc đời là một đặc quyền và ngày nào còn tự do, ấy mới là ngày đáng sống.
“Tôi vào bệnh viện, bác sĩ ồ lên hỏi người thân đâu rồi. Tôi cho số của con nhưng dặn bác sĩ rằng khi nào đối đế lắm hãy gọi vì các con còn công việc. Tôi vẫn khỏe mạnh và đủ tỉnh táo để xử lý tình huống. Thường xuyên ra vào bệnh viện nên tôi có nhiều bạn bè đủ lứa tuổi ở đây. Tôi kể với bác sĩ là tôi có tham gia các giải chạy, cự li 5km. Nhiều bác sĩ nghe chia sẻ từ tôi cũng được tiếp thêm động lực để chăm luyện tập thể dục thể thao” - bà tâm sự.
|
Bà Minh Đăng Khánh chụp ảnh cùng các cháu |
Yêu ta trước khi yêu đời, yêu người
Trong suốt cuộc chuyện trò, tiếng cười cứ thế vang lên, xóa nhòa khoảng cách thế hệ. Có lúc, chị Mai Khanh ghẹo mẹ của mình, mách nhỏ với phóng viên rằng mẹ khó lắm, đến lúc con gái có chồng, sinh con rồi mà mẹ vẫn muốn bảo bọc, chăm lo. Chỉ mới gần đây, mẹ mới chịu “buông” nhiều hơn để thực sự an dưỡng tuổi già.
Sau lời mách của con, bà Minh Đăng Khánh cười xòa. Bà nói vì được ba mẹ dạy dỗ kỹ nên về sau cũng áp những lời dạy cũ cho các con mà quên rằng mỗi thời một khác.
Ngược thời gian khoảng 50-60 năm về trước, bà Minh Đăng Khánh khi ấy là vợ của một đạo diễn phim. Bà làm báo, giữ mục liên quan đến phụ nữ trên một số tờ báo. Chồng tập trung cho sự nghiệp, vợ có công việc riêng nhưng để nhà cửa ấm êm, bà vẫn xắn tay chu toàn mọi việc. Bà lo cho 4 con thơ từ miếng ăn, giấc ngủ. Bận bịu nhưng nhìn nhà cửa tinh tươm, các con vui khỏe, chồng an tâm, bà cũng hạnh phúc.
Năm 1981, chồng bà qua đời. Khi đó, bà mới ngoài 40, còn trẻ, đẹp nhưng vì thương con, muốn trở thành điểm tựa vững chãi cho các con nên cứ thế một mình đi qua năm tháng. Tên chồng khi đó được bà dùng làm tên gọi cho mình, như một cách để tạc dạ nghĩa vợ chồng thủy chung.
- “Cuộc đời bà nhiều nước mắt không?” - tôi buông câu hỏi mà không nghĩ ngồi phía sau xe, bà sẽ trả lời.
- “Nhiều chứ, rất nhiều là đằng khác. Có lúc khóc một mình, có lúc người khác chứng kiến. Nhưng cuộc đời ai mà không có mất mát, đau khổ hả con?” - bà đáp.
Chặng hành trình của đời người đi qua nhiều cột mốc. Có những điểm đến mà ai cũng phải ghé qua, chỉ là người nhanh, người chậm. Bà Minh Đăng Khánh giữ tâm thế bình thản đón nhận và biết ơn cuộc đời. Bà lấy cái được bù cho cái mất, tuyệt đối tránh những suy nghĩ bi quan.
|
Chị Mai Khanh và mẹ trong một giải chạy |
So với ngày trước, bây giờ bà thoải mái, vui vẻ hơn. Dù vậy, bà vẫn duy trì nhiều thói quen được ba mẹ dạy dỗ. Với bà, việc tự kỷ luật, không xuề xòa cũng giúp bản thân chủ động hơn. Ví như bà biết bản thân mắc chứng cao huyết áp, thường xuyên chóng mặt nên đi đâu cũng đem theo máy đo huyết áp và thuốc.
Ở giường ngủ, bà sắp xếp gọn gàng mọi thứ theo đúng trật tự để khi cần, với tay là lấy được ly nước, hộp đựng kim chỉ hay khăn mặt... Tuổi đã cao, trí nhớ giảm nên bà thường kèm theo cây bút để ghi chú cẩn thận, tránh xáo trộn mọi thứ.
“Ngày trước, ba mẹ tôi dạy con rất kỹ cách đi đứng, nói năng, chào hỏi. Nhiều lúc tôi cảm thấy ba mẹ khó quá nhưng cũng nhờ kỷ luật thép nên con cái mới thấm, mới nhớ lâu. Sau này, tôi cũng phần nào áp dụng như thế với các con nhưng có chỗ không phù hợp thì tôi cũng thay đổi. Mong các con chịu khó, thông cảm cho bà già này” - bà cười xòa.
Theo “bật mí” của chị Mai Khanh, “phiên bản” của mẹ chị giờ đây khác trước rất nhiều. Chị vui vì mẹ chấp nhận gạt bớt nhiều nỗi lo cho con cháu để tận hưởng cuộc sống. Dù biết cách biểu đạt tình cảm của mỗi người khác nhau, có thể nỗi lo của mẹ thể hiện cho tình thương, sự quan tâm nhưng theo chị Mai Khanh, đời người tuy dài mà ngắn, chị mong mẹ trân trọng từng phút giây sống để làm điều mình thích, cởi bỏ những nỗi canh cánh trong lòng, lan tỏa sự tích cực. Bởi chỉ khi bản thân thoải mái, yêu đời thì những người xung quanh, đặc biệt là con cháu, mới nhìn vào, noi gương.
Diễm Mi
- Ảnh do nhân vật cung cấp