Tuổi nào mất cha, mất mẹ mà chẳng đau

10/08/2022 - 09:35

PNO - Chỉ có những điều thiêng liêng mới khiến người ta nhỏ lệ. Cảm giác ấy vẫn luôn tồn tại dù chẳng cần ai chạm vào hay nhìn thấy.

 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Hôm đó, anh đến thăm anh bạn đồng nghiệp cũ. Hiện giờ, anh ấy chỉ ở nhà chăm sóc người cha đột ngột lâm bệnh hiểm nghèo. Đến thăm, anh thấy bạn mình đã hốc hác đi nhiều. Điều lạ là cha của bạn anh không muốn nói gì nhiều. Dường như ông đã biết trước phần nào.

Người đàn ông đó nằm trên chiếc giường êm, lặng lẽ với hai hàng nước mắt lăn dài trên gương mặt đã in hằn bao năm cuộc đời. Lòng anh chùng xuống. Tự nhiên anh không nói nên lời, thấy niềm thương cảm dâng lên nghèn nghẹn. 

Để thay đổi bầu không khí, anh cố hỏi thật tự nhiên: "Cháu tới thăm, nghe nói bác mới đi tỉnh về ạ?".

"Ừ, tôi lên tỉnh cắt cái tóc, gội cái đầu ấy mà…" - nói xong câu nói tưởng chừng rất tự nhiên, người đàn ông đứng tuổi có mái tóc điểm bạc quay mặt vào tường, bật khóc nức nở như đứa trẻ hụt mất thứ gì đó quý giá vô cùng. 

Không gian đột nhiên trở nên ngột ngạt. Không ai nói với ai câu nào, chỉ có tiếng khóc vang lên giữa gian nhà. Có lẽ sau rất nhiều năm, hiếm ai nghe thấy tiếng khóc cất lên từ người đàn ông vốn là trụ cột một mái nhà. 

Không lâu sau, cha của anh bạn đồng nghiệp qua đời. Trước một nỗi mất mát quá lớn, người ta cũng cần khoảng thời gian đủ dài để vơi bớt nỗi bàng hoàng, chơi vơi rồi mới bình tâm lại để học cách đón nhận và chấp nhận… Cùng năm đó, anh có thói quen đeo kính râm, dù trước đó anh chưa bao giờ đeo.

Cha anh mất đột ngột trong một chiều tàn tiệc. Ông bị trúng gió trên quãng đường chạy xe về nhà. Anh hay tin đúng lúc đang trong chuyến công tác. Anh sốc, đứng không vững nhưng phải cố giữ bình tĩnh để thu xếp chóng vánh, còn kịp về nhìn mặt cha lần cuối.

Trên chuyến bay nối xa về gần, lướt qua tâm trí anh là những thước phim tua lại từ tuổi có trí khôn đến khi trưởng thành, cha là “đạo diễn” chính. Người đã chứng kiến và làm biết bao điều vì anh và cho anh.

Một gã trai trưởng thành vẫn có thể khóc nức nở như một đứa trẻ khi trải qua biến cố trong đời. Người đời vẫn bảo, tuổi nào mất cha, mất mẹ mà chẳng đau. Anh nhận mình vốn là đứa con sống tình cảm trong nhà. Anh luôn thừa mứa tình cảm. Vậy mà, từ đó, anh lại phải gói ghém vào lòng cả những nhớ thương, mất mát. 

Anh biết mình sẽ thèm đến phát ứa nước mắt cái cảnh được ngồi chiếu ăn chung mâm cơm có đủ cha mẹ. Điều anh thấy trước mắt giờ lại là một hiện tại khác. Thượng đế đã mang cha anh đi chỉ trong tích tắc. Cũng từ đó, chỉ có lời cầu nguyện thành tâm và lòng tưởng nhớ thiêng liêng. Người đời cũng bảo, quên đi người đã khuất là cách làm đau họ thêm nhiều lần. 

Anh vẫn nghĩ mình có thể gìn giữ ký ức về gia đình. Anh tin, cha mẹ cũng vui mừng hay đớn đau cùng anh cho tới ngày họ đành xuôi tay, cho tới khi hơi thở chẳng còn nồng nàn… Họ vẫn luôn dõi theo anh. Đó là một hành trình dài hơn bất kỳ hành trình nào trên đời này.

Từ năm đó, anh sắm cho mình chiếc kính râm. Anh tính sẵn rồi, rất có thể, ngay khi anh cất tiếng chào mẹ để bước ra khỏi cánh cổng, nước mắt anh sẽ ngấm ngầm rơi mất thôi. 

Chỉ có những điều thiêng liêng mới khiến người ta nhỏ lệ. Cảm giác ấy vẫn luôn tồn tại dù chẳng cần ai chạm vào hay nhìn thấy.

Anh vẫn dứt áo bước đi vì cuộc sống ngoài kia nhưng anh tin chắc trong lòng mình luôn giữ những ảnh hình thiêng liêng về gia đình. Chúng sẽ làm điểm tựa tinh thần, khiến anh vững vàng hơn bất cứ điều gì khác… 

Trần Duy Thành

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI