Vừa xoay xở, vừa gói ghém
Sàn nhà bằng ván rung lên theo từng bước tập tễnh khi bà Huỳnh Ngọc Yến - 62 tuổi, ở phường 15, quận 4 - đi về phía ô cửa vuông nhỏ xíu ở cuối nhà. Đó là nơi duy nhất trong ngôi nhà có ánh sáng mặt trời, cũng là chỗ để bà ngồi, cảm nhận cuộc sống bên ngoài.
Trời chuyển mưa, bà thở dài nhìn xuống dòng kênh Tẻ đục ngầu. Lo nước kênh dâng lên sàn nhà, bà lại tập tễnh đi lấy xô, giẻ lau để sẵn sàng tát nước, lau sàn. Bà ngao ngán: “Cứ mùng Một, giữa tháng, nghe ai đồn có triều cường là sợ. Mấy ngày đó, nước từ phía sau cứ tràn lên khắp nhà, không biết đường nào mà múc”.
|
Cái chân tập tễnh, đau nhức khiến bà Yến lo lắng nhiều hơn khi nghĩ về những ngày phía trước - Ảnh: Thu Lê |
Rồi bà bỗng ngồi thụp xuống, ôm chân, nhắm nghiền mắt, cố gắng chịu đựng cơn đau bất ngờ. “Nó có cơn” - bà nói khi cảm giác đau đớn đã dịu lại, rồi khó nhọc bước trở vô, mở tủ lấy xấp hồ sơ khám bệnh. Đưa tấm phim X-quang lên nhìn một hồi, ứa nước mắt: “Có chân mà cũng như què, không đi đâu, làm gì được. Trông có thuốc gì uống cho bớt đau để đi làm, kiếm đồng ra đồng vô với con chứ ở nhà miết thấy nóng bụng quá”. Căn bệnh thoái hóa khớp, rối loạn tiền đình làm khổ bà Yến nhiều năm nay.
Năm 2008, khi đang làm công nhân Công ty dệt Thành Công, bà Yến bị đề nghị nghỉ hưu non ở tuổi 48 sau 25 năm 8 tháng làm việc. Bà kể, lúc đó, sức khỏe có vấn đề, tháng nào bà cũng vào ra bệnh viện, đứa con nhỏ 8 tuổi lại nay ốm mai đau nên năng suất lao động của bà giảm. Bà ở nhà làm nội trợ khoảng 4 năm thì chồng mất, bà buộc phải nộp đơn xin làm lại. Bà làm được 3 năm thì công ty tiếp tục cho bà nghỉ do bà không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Lương hưu hơn 3 triệu đồng/tháng không đủ nuôi 2 đứa con ăn học, bà Yến phải đi giúp việc nhà. Chủ nhà thương tình nhưng thấy bà chậm chạp, chân tập tễnh, lên xuống cầu thang khó nên mấy lần đòi thay người. Bà cố nài xin, chấp nhận mức thù lao thấp hơn để được làm.
Cách đây vài tháng, bà Yến buộc phải nghỉ hẳn do chân đau nhức, đi lại khó khăn hơn. May là 2 con bà đã ra trường, dù chưa có việc làm ổn định nhưng cũng có thu nhập nhờ công việc tạm thời. Bà Yến cho biết, lương hưu của bà hiện tại đã tăng lên 5,2 triệu đồng/tháng, cộng với 8 triệu đồng từ thu nhập của 2 con, gia đình bà có thể đủ sống nếu không phải trả khoản nợ vay ngân hàng chính sách xã hội khi con học đại học và vay sửa nhà mấy năm trước.
“Nợ chưa trả hết, nhà cửa thì ngày càng xuống cấp mà giờ tôi lại đau thế này. Mai mốt thêm già thêm bệnh, không biết lấy gì lo. Chắc tôi phải kiếm việc gì làm tại nhà mới được” - bà Yến cám cảnh.
Làm công nhân cho một công ty dệt may ở TP Thủ Đức, năm 2000, bà Đinh Thị Na - năm nay 72 tuổi, ở phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức - nghỉ hưu. 22 năm qua, bà Na vẫn nhận giữ trẻ tại nhà để có thêm thu nhập. Mức lương hưu 4,2 triệu đồng/tháng chỉ đủ sống qua ngày khiến bà không thể yên tâm.
|
Bà Đinh Thị Na - 72 tuổi, ở phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức, sau khi nghỉ hưu vẫn vất vả mưu sinh suốt 22 năm qua - Ảnh: Mẫn Nhi |
Mỗi ngày, bà phải thức dậy từ 5g lo cơm nước cho mình và cho trẻ để sẵn sàng đón trẻ lúc 7g. Làm việc từ thứ Hai đến thứ Bảy, mỗi tháng, bà có thêm 2 triệu đồng. Bà Na cho biết, bà là chị lớn trong nhà, lãnh trách nhiệm chăm sóc người mẹ già nên bao năm làm lụng, bà không dư được đồng nào. Tháng 9/2021, mẹ mất ở tuổi 105, bà phải vay mượn tiền lo hậu sự nên bây giờ, bà phải trả góp món nợ mấy chục triệu đồng.
Mơ một nơi an dưỡng
Mẹ mất, bà Đinh Thị Na sống một mình do chưa từng lập gia đình. Bà kể, thời trẻ, cũng có người cầu hôn bà nhưng gặp một số rào cản nên hủy hôn. Sau đó, bà bận đi làm rồi lo cho mẹ già mà quên chuyện riêng. Tưởng cuộc sống cứ vậy êm trôi thì năm 2019, bà lâm bệnh nặng.
Theo Hội Người cao tuổi Việt Nam, nước ta có tốc độ già hóa dân số nhanh. Dự kiến, đến năm 2030, Việt Nam có 17 triệu người cao tuổi và năm 2050 có 25 triệu người cao tuổi. Hiện người từ 80 tuổi trở lên nếu không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội hay trợ cấp xã hội hằng tháng sẽ được hỗ trợ ít nhất 360.000 đồng/tháng, cao gấp 4 lần so với năm 2010. |
“Tôi nằm trong bệnh viện 10 ngày. Ban ngày, tôi phải tự xoay xở và nhờ những người cùng phòng bệnh hỗ trợ. Ban đêm, các em và cháu thay phiên vào chăm tôi. Lúc đó, tôi mới bắt đầu lo lắng về cảnh đơn chiếc ở tuổi xế chiều” - bà Na trầm giọng.
Lấy từ túi áo quyển sổ bằng lòng bàn tay ghi số điện thoại của các cháu, các em và mấy người hàng xóm thân cận, bà Na nói: “Đây là vật bất ly thân. Lỡ tôi có chuyện gì, người ta sẽ liên lạc cho người thân, hàng xóm của tôi”.
Bà Trần Việt Hương - 67 tuổi, ở phường Phú Mỹ, quận 7 - cho biết, trong các bữa cơm, vợ chồng và các con bà thường bàn chuyện nên làm gì khi già, bệnh. Bà Hương cho hay, tổng lương hưu của vợ chồng bà khoảng 8 triệu đồng/tháng, cộng khoản thu ổn định từ khu phòng trọ cho thuê nên kinh tế thoải mái, không phải nhờ đến con. Thế nhưng, vợ chồng bà vẫn thường bàn nhau sau này sẽ vào viện dưỡng lão.
Bà trải lòng: “Ở chung với con, có nhiều cái không hợp. Bây giờ, mình còn làm chủ kinh tế, còn khả năng hỗ trợ con nhưng cũng có nhiều chuyện không hợp quan điểm với con. Sau này mình bệnh tật, nghễnh ngãng thì không biết ra sao”.
Khẳng định sẽ vào viện dưỡng lão lúc trí lực sa sút là lựa chọn của bà Hà Thị Thu - 63 tuổi, ở quận 7, giáo viên về hưu: “Tôi đã lo cho con ăn học, có công việc, nghề nghiệp ổn định nên sau này, tôi muốn vô viện dưỡng lão để chủ động với cuộc sống”. Theo bà Thu, để có sự chủ động đó, bà cũng đã tìm hiểu về môi trường dưỡng lão. Bà nhận thấy, nơi đó họ có những bạn già hiểu nhau, được chăm sóc y tế, dinh dưỡng phù hợp, có dụng cụ và không gian để vận động, tập thể dục.
|
Người già nhọc nhằn mưu sinh trên phố là hình ảnh dễ bắt gặp ở TPHCM (Trong ảnh: Ở tuổi 75, bà Trương Thị Ba (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) vẫn vất vả đi lượm ve chai để kiếm tiền khám bệnh, mua thuốc) - Ảnh: Thu Lê |
Bà Thu quan niệm, trước mắt, dù già nhưng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn, bà vẫn sống vui vẻ, thoải mái nhất có thể bằng công việc dạy múa, khiêu vũ, dân vũ. Bà chỉ còn lo không đủ tiền vào viện dưỡng lão do lương hưu hằng tháng chỉ vài triệu đồng. “Tôi mong chính quyền TPHCM có chính sách đầu tư xây dựng các viện dưỡng lão chất lượng nhưng giá cả phải chăng, hợp với số đông dân chúng, nhất là người có mức lương hưu khiêm tốn” - bà Thu gửi gắm.
Chốn nương thân của người già bất hạnh Ở TPHCM, ngoài các viện dưỡng lão có thu phí, còn có nhiều trung tâm bảo trợ miễn phí dành cho người già neo đơn, tàn tật. Bên cạnh các trung tâm do Nhà nước hỗ trợ kinh phí, các trung tâm, mái ấm, nhà dưỡng lão còn lại hoạt động nhờ sự đóng góp của người dân, như các cơ sở chăm sóc người già ở tu viện, chùa. Nằm nép bên hông chùa Di Lặc, quận Bình Tân, nhà dưỡng lão Minh Trần đang chăm nuôi gần 20 cụ già neo đơn, bệnh tật. Vẫy tay và nở nụ cười tươi rói như muốn níu chúng tôi về phía mình, bà Hai (74 tuổi) thỏ thẻ: “Rảnh lại nói chuyện chơi”. Rồi bà bắt đầu: “Cái bà mà cô vừa hỏi chuyện xong đó, với ai cũng vậy hết, lúc nói chuyện, bả nói hay lắm đúng không, như trí thức, nhưng ai cũng vậy hết, hễ đi rồi là bả tự tè ra quần, như kiểu mình nói chuyện khiến bả chịu đựng dữ lắm”. Mới 2 tuổi, bà Hai đã mồ côi cha mẹ, được họ hàng nuôi. Lớn một chút, bà đi giúp việc cho 1 gia đình, đến hơn 60 tuổi thì không còn làm được việc. Rời khỏi gia đình họ, bà bơ vơ. Sống đầu đường xó chợ một thời gian, bà được người ta chỉ vô nhà dưỡng lão này. “Ở đây mình ăn của chùa, của bá tánh lại thăm cho. Mình chết có chùa lo. Sợ nhất là bệnh, phải đi cấp cứu làm khổ chùa thôi, chứ sống vầy ổn lắm” - bà Hai móm mém. Phong Vân |
Thu Lê - Phong Vân