Tuổi già, sao cho vui?: Vì chất lượng sống của người cao tuổi

06/11/2022 - 06:00

PNO - Mời bạn đọc chia sẻ với Báo Phụ Nữ TP.HCM các câu chuyện về lối sống tích cực của người già, về sự thấu hiểu và cách chăm sóc người già của con cháu…

LTS: Người già là một “tài sản” quý giá của xã hội. Bởi họ có nhiều kinh nghiệm sống, nhiều câu chuyện cuộc đời, và là người giữ gìn các giá trị gia đình. 

“Sống vui, sống khỏe, sống có ích” không chỉ là nỗ lực của người già, mà còn cần đến sự quan tâm hỗ trợ của người thân và cộng đồng. 

Mời bạn đọc chia sẻ với Báo Phụ Nữ TPHCM các câu chuyện về lối sống tích cực của người già, về sự thấu hiểu và cách chăm sóc người già của con cháu… 

Bài viết gửi về: tuoigiasaochovui@baophunu.org.vn. 

Rất mong nhận được sự hợp tác của các bạn.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Có một bạn đọc của Báo Phụ Nữ TPHCM đến gửi bản thảo mà lại yêu cầu phải được gặp trực tiếp chị Hạnh Dung (người phụ trách chuyên mục Nhỏ to tâm sự). Đó là một phụ nữ tuổi gần 70. Bà bước vào phòng, hai tay trang trọng trao ba trang giấy viết tay.

Khi chị Hạnh Dung vừa mở phong thư, nước mắt người phụ nữ cũng trào ra, từng giọt lăn dài trên đôi má hằn vết thời gian. “Cuối cùng rồi cũng có người lắng nghe mình, đọc những dòng tâm sự của mình” - bà đưa tay lau nước mắt và nói.

Tuổi cao, tâm hồn vẫn xôn xao 

Bà ở Q.Bình Thạnh, TPHCM, tính tình khép kín, ít bạn bè. Từ khi chồng mất, bà thực sự cô đơn dù có đông con cháu sống gần nhà. Trong một lần đi tập thể dục ở bờ kè, bà tình cờ quen biết ông bạn lớn hơn bốn tuổi, vợ đã mất. “Đôi già” chuyện trò khá vui vẻ, hợp nhau. Sự thể rối rắm từ một lần ông đứng trước cửa nhà bà gọi bà để trao một dụng cụ tập thể dục, một người con phát hiện được đã tỏ vẻ khó chịu, sau đó ra mặt đuổi ông. 

Các con cháu âm thầm bàn bạc thế nào lại cử đại diện dọn hẳn sang nhà bà ở để canh bà, mà thực chất là canh “bạn trai của bà”. Sự ngột ngạt, căng thẳng khi bị các con cháu thao túng lẫn nỗi ray rứt đã gây tổn thương cho ông bạn đã khiến bà đau khổ, trằn trọc nhiều đêm liền. 

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

Bài viết của bà đã ra đời trong những đêm trắng ấy. Nhiều chữ bị lem vì nước mắt, nhiều chỗ bôi xóa bởi không có câu chữ nào đủ sức lột tả tâm trạng của bà. Sự buồn tẻ, quặn lòng thế chỗ cho niềm vui, ấm áp khi còn có người bạn già bên cạnh. Thực ra đây không phải là bản thảo, bởi bà không muốn đăng báo. Với bà, khi các con cháu không thấu hiểu nổi bà thì thế gian này chắc gì có ai chịu hiểu bà đâu! 

Bà giật thót tự hỏi, hay mình đã sai khi để cho ngọn lửa trái tim bùng dậy ở tuổi U70, “gần xuống lỗ” rồi mà còn dệt mộng? 

“Nỗi lo người ngoài xen vào lợi dụng tiền bạc, tài sản; nỗi lo thiên hạ dị nghị đã choán hết tâm trí con cháu. Chúng muốn bà già này phải thật ngoan, làm theo ý chúng, sống chỉ để ăn - ngủ, chứ không có quyền mưu cầu một tình cảm dù chỉ là tình bạn để tâm sự, chia sẻ chuyện vui buồn. Ờ mà cũng phải, chúng nó đã già bao giờ đâu mà bắt chúng phải hiểu niềm nỗi của người già?” - đoạn kết bức tâm thư của bà xen lẫn hờn trách, yêu thương.

Từng nghe câu chuyện người cha già đem điện thoại đi sửa vì nghĩ điện thoại bị hư nên mình không nhận được cuộc gọi từ con mình (thực ra không phải do điện thoại hư mà do con không hề gọi). Câu chuyện đã khắc họa đậm nét về nỗi cô đơn, quạnh hiu và không được quan tâm thấu hiểu của người cao tuổi (NCT). 

Cũng có những tình huống đau lòng là người già giấu bệnh. Con cháu không hay biết tình trạng bệnh này cho đến khi lo hậu sự mới thấy lòi ra những giấy chẩn đoán của bác sĩ, những lịch hẹn tái khám mà người già đã lỗi hẹn vì “sợ con tốn tiền chữa trị cho mình, rồi tiền đâu lo cho con của nó”.

Đâu đấy vẫn còn những tập hồi ký, tập thơ chưa được in, những ước nguyện được đặt chân đến một danh lam thắng cảnh nào đó, những kế hoạch thăm bạn chiến đấu lần cuối vẫn chưa và mãi mãi không trở thành hiện thực…

Hoặc chỉ là ước mơ nho nhỏ như được con cháu chở đi tìm mua một chiếc gậy “hợp với dáng cụ” cũng chưa tiện nói ra.

Thử hỏi để người già có cuộc sống an vui thì có thể dựa vào sự “tự thân vận động” hay tất cả nhu cầu của người già phải được con cháu và xã hội lắng nghe, chia sẻ, chung tay?

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Nhu cầu người già và thực trạng đáp ứng 

Thạc sĩ - bác sĩ Mai Xuân Phương (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Giáo dục, Tổng cục Dân số - Bộ Y tế) cho biết Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” khi có 69% dân số trong tuổi lao động. Đây là cơ hội thuận lợi để nâng cao hiệu quả lao động, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế cho đất nước.

Tuy nhiên, Việt Nam thuộc tốp 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê đến năm 2021, cả nước có 11,41 triệu NCT, chiếm khoảng 12% dân số. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2021 là 73,6 tuổi, đứng thứ 5 trong các nước khu vực Đông Nam Á nhờ đời sống kinh tế - xã hội và hệ thống y tế phát triển.

Dù vậy, chúng ta đang phải đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép”, trung bình một NCT Việt Nam mắc ba bệnh với khoảng 95% NCT có bệnh, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây truyền. Hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT lại chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của NCT.

Theo chuyên khảo “NCT Việt Nam: Phân tích từ điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình năm 2021” (Tổng cục Thống kê), xu hướng già hóa dân số tiếp tục diễn ra với tốc độ cao ở Việt Nam, sức khỏe và nhu cầu chăm sóc của NCT không đồng nhất mà có sự khác biệt lớn về độ tuổi, giới tính, khu vực sống và dân tộc.

Tất cả những vấn đề này đòi hỏi phải có những kế hoạch, chính sách và chương trình thích ứng với già hóa dân số nói chung và đáp ứng nhu cầu được chăm sóc của NCT nói riêng. 

Đầu năm 2022, Chi nhánh Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tại TPHCM (VCCI-HCM) đã phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tổ chức lễ ra mắt Mạng lưới phát triển ngành dịch vụ dành cho NCT tại Việt Nam. 

Tại lễ ra mắt, bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam - phát biểu: “Mạng lưới phát triển ngành dịch vụ dành cho NCT được hình thành nhằm góp phần phát triển ngành dịch vụ dành cho NCT đa dạng về loại hình, quy mô, lĩnh vực hoạt động, đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng và chưa được đáp ứng của dân số cao tuổi, thúc đẩy liên kết kinh doanh và thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mạng lưới cũng sẽ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn, kỹ năng để làm việc trong ngành dịch vụ dành cho NCT”.

Báo cáo “Triển vọng thị trường dịch vụ chăm sóc NCT tại Việt Nam” do đại diện VCCI-HCM trình bày tại diễn đàn Cơ hội phát triển ngành dịch vụ kinh doanh dành cho NCT tại Việt Nam vào cuối năm 2021, với những phát hiện cho thấy một thị trường đầy hứa hẹn với 20 triệu “khách hàng tiềm năng” vào năm 2035.

NCT là tài sản quan trọng của quốc gia, cung cấp nguồn nhân lực, trí tuệ và kinh nghiệm vô cùng quý giá. NCT cũng là động lực cốt yếu của một thị trường mới nổi, có thể tạo ra doanh số, thu nhập và việc làm cho xã hội.

Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory

Theo khảo sát của VCCI, các nhu cầu lớn nhất của NCT là: 1) Vận động, thể dục, thể thao; 2) Có bạn bè, tâm tình, giảm cảm giác cô độc; 3) Được cung cấp đủ dinh dưỡng theo chế độ phù hợp với cơ thể; 4) Tiếp tục làm việc, được cống hiến, giúp đỡ người khác, sống có ý nghĩa; 5) Được hỗ trợ để tự chăm sóc bản thân, giảm cảm giác làm phiền, bị phụ thuộc…

Mặc dù hiện nay cung ứng ở đô thị đã cao hơn nông thôn nhưng rõ ràng vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu của NCT đặt ra tính cấp thiết phải có những chính sách, giải pháp về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao chất lượng sống của NCT một cách toàn diện. 

Tuổi trăm vẫn minh mẫn, tự chăm sóc bản thân 

Sinh năm 1922, cụ Bùi Thị Nụ (P.13, Q.4, TPHCM) là một trong 281 công dân 100 tuổi tại TPHCM vào năm 2022 được Chủ tịch nước chúc thọ. 

Chồng cụ Nụ trước đây cũng thọ đến tuổi trăm. Cụ không có con, hiện tại có một người cháu là bà Lê Minh Hội hằng ngày chăm sóc. Tuổi cao, cụ Nụ vẫn rất minh mẫn nhưng lãng tai nên ít nhiều trở ngại trong giao tiếp. Mắt mờ, tai yếu, cụ không xem ti vi, đọc sách báo được. Người viết bài la lớn mãi, cụ mới nghe được câu hỏi và trả lời: “Giấy tờ tôi là 100 tuổi nhưng tuổi thực tôi còn lớn hơn vài tuổi. Tôi tuổi Hợi, gốc Bắc”.

Hỏi về lối ăn uống, sinh hoạt của cụ Nụ, bà Hội chia sẻ: “Lúc còn trẻ, cụ Nụ buôn bán giỏi lắm, tính tình rất hoạt bát, hay đi chùa. Ở tuổi ngoài trăm, cụ vẫn ít bệnh nền, tự múc ăn, tự rửa chén, vệ sinh cá nhân. Nằm ngồi ở đâu, cụ cũng siêng năng tập thể dục, quơ tay quơ chân, đạp xe…

Đó cũng là niềm vui của cụ bên cạnh niệm Phật. Mỗi sáng ngủ dậy, cụ uống liền hai ly nước ấm và cho rằng làm như thế để lọc máu, lọc cặn bã trong người. Cụ tắm gội bằng nước ấm, không dùng xà phòng. Cụ ăn nhiều rau củ quả, ít thịt, không ăn cá. Cụ chia thành nhiều bữa ăn, mỗi lần ăn một ít. Hằng ngày có bổ sung viên bổ mắt, bổ xương. Tôi cũng học cách sinh hoạt, ăn uống, tập luyện của cụ để giữ sức khỏe của mình”. 

Cụ Bùi Thị Nụ (trái) gọi cháu lại để nhắc chuyện xưa
Cụ Bùi Thị Nụ (trái) gọi cháu lại để nhắc chuyện xưa

 

 

Đóng góp của người cao tuổi rất lớn lao, đáng quý  

Vui, khỏe, có ích là phương châm sống, cũng là mong muốn của người cao tuổi.

Đóng góp của NCT đối với gia đình và xã hội là rất lớn lao, đáng quý. Ở độ tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi, với lòng nhiệt thành, ý thức trách nhiệm, kỹ năng và kinh nghiệm tích lũy từ trẻ, nhiều NCT vẫn tham gia công tác ở địa phương, khu phố, tổ dân phố.

Bác sĩ Mai Xuân Phương
Bác sĩ Mai Xuân Phương

NCT đóng góp vào công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở địa phương; chữa bệnh miễn phí cho nhân dân; tổ chức các lớp học “tình thương” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…

Vui, khỏe, có ích là phương châm sống, cũng là mong muốn của NCT. NCT cần được tạo điều kiện thuận lợi để thể hiện, phát huy được vai trò của mình trong cộng đồng cũng như mỗi gia đình.

Bác sĩ Mai Xuân Phương 

 

Hoài Nhân

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • 70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    19-12-2024 17:54

    Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh cha già cặm cụi đi cắt cành, bón phân, kéo ống nước tưới cây, tôi thấy lòng đau như ai cắt từng khúc ruột.

  • Xuân… nhặt

    Xuân… nhặt

    19-12-2024 06:46

    Nhà không rộng, chỉ có khoảng ban công là có thể nuôi cây. Vậy là ba cứ đem cây về chăm sóc, tưới tắm, nâng niu.

  • Tôi đi thuê người yêu

    Tôi đi thuê người yêu

    18-12-2024 17:05

    Tại TPHCM, có một dịch vụ được chào mời vừa công khai lại vừa kín đáo: dịch vụ của những người yêu thuê giờ.

  • Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    18-12-2024 10:30

    Tôi nhận ra, ở độ tuổi ngấp nghé 50 của mình, tôi đi viếng đám tang nhiều hơn những đám, tiệc khác.

  • “Tạm ứng” gối chăn

    “Tạm ứng” gối chăn

    18-12-2024 06:17

    Trong công việc, cuộc sống, người ta có thể tạm ứng nhiều thứ, nhưng tạm ứng gối chăn sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.

  • Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    17-12-2024 18:37

    Lòng con canh cánh về mối tình ngang trái của mình. Mỗi khi nghe ai đó nói “phi công trẻ”, “hồng hài nhi”… là con lại chộn rộn, mắc cỡ.

  • Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    17-12-2024 12:48

    Bạn thuyết phục ròng rã mấy tháng trời. Bạn bảo sẽ cùng tôi đi bộ về đích để tôi không thấy ngại.

  • Chữ hiếu trong kinh doanh

    Chữ hiếu trong kinh doanh

    17-12-2024 08:51

    Tôi thích được ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa, được ăn cơm với mẹ, được cùng mẹ đi thăm bà con… Mấy món mẹ nấu là ngon nhất thế giới.

  • Trăm năm trong cái nắm tay

    Trăm năm trong cái nắm tay

    17-12-2024 06:03

    Người ta có thể dễ dàng đến bên nhau, nhưng liệu có bao nhiêu người đi được cùng nhau tới tuổi xế chiều?

  • “Siêu xe” của ông nội

    “Siêu xe” của ông nội

    16-12-2024 16:19

    Chiếc “siêu xe” của ông nội đã theo chủ nhân được gần 15 năm. Mỗi ngày, ông luôn dành thời gian chăm chút nó, như người bạn đồng hành đáng tin cậy.

  • Lời nói như dao

    Lời nói như dao

    16-12-2024 13:03

    Cần tránh những lời nói xúc phạm, miệt thị, thay vào đó là những lời nói lịch sự, tôn trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ.

  • Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    16-12-2024 06:21

    Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.

  • Khoảnh khắc dài nhất

    Khoảnh khắc dài nhất

    15-12-2024 17:58

    Chỉ cần gặp mẹ, được ngồi gần mẹ, mọi chênh chao, chơi vơi, xáo trộn đều được lắng xuống, chữa lành.

  • Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    15-12-2024 16:54

    Có lẽ vì vị mè ướp đẫm mồ hôi của ngoại, cũng có thể vì khói bếp thân thương làm thơm chén cơm nóng hổi quyện cùng vị muối mè mằn mặn.

  • Con bình thường hay đặc biệt?

    Con bình thường hay đặc biệt?

    15-12-2024 06:48

    Mong con thông minh vượt trội hay chỉ cần con khỏe mạnh, bình thường, câu trả lời của bạn là gì?

  • Ngưng đổ lỗi!

    Ngưng đổ lỗi!

    14-12-2024 19:37

    Người luôn tự coi mình là nạn nhân hiếm khi nhận ra lỗi của chính mình, cũng khó có cơ hội nhận ra khả năng của bản thân khi cố gắng.

  • Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    14-12-2024 15:48

    Sau bao nhiêu năm cách lòng, tôi đã thật sự hiểu mẹ, hiểu rằng mẹ có những lý do để rời xa ba, nhưng chưa bao giờ mẹ rời xa tôi.

  • Nuôi dạy con xuyên biên giới

    Nuôi dạy con xuyên biên giới

    14-12-2024 06:14

    Vì công việc đặc thù, có những ông bố, bà mẹ phải chấp nhận cảnh nuôi dạy con xuyên biên giới.