Tuổi già, sao cho vui?: Cứ viết là tôi vui!

29/11/2022 - 12:00

PNO - Tôi đã gần 80, sức khỏe đã yếu, có vấn đề về tim mạch, tôi chính thức xin nghỉ dạy. Bạn bè đùa bảo tôi “đi làm… lậu” lâu quá rồi, nhưng tôi vẫn viết khi các báo cần đặt bài.

“Tôi là nhà báo dạo, không có… bảng hiệu”. Một lần, nhà báo Thanh Tuấn - Báo Tuổi Trẻ - phỏng vấn, tôi đã trả lời như thế về nghề.

Câu nói đùa ấy lại rất thật. Quả là, chỉ thời còn ở Hà Nội, tôi mới là nhà báo chuyên nghiệp. Tôi đã từng lặn lội đi thực tế hàng tháng trời làm lụng như một hội viên của Hội Phụ nữ làng dệt Hòa Xá - Hà Tây, quê hương của các anh bộ đội “chiếc gậy Trường Sơn”. 

Ban ngày, tôi cùng các cụ đi đưa cơm nước ra ụ cao xạ pháo cho bộ đội, đi phụ dệt và lắng nghe, ghi chép về các mẹ chiến sĩ. Ban đêm, tôi giúp lớp học bình dân và dự các cuộc báo tử đau thương của các gia đình làng quê.

Nhà báo U80 Nguyễn Thị Ngọc Hải tranh thủ phỏng vấn nhà thơ Trần Đăng Khoa ở hành lang một hội thảo
Nhà báo U80 Nguyễn Thị Ngọc Hải tranh thủ phỏng vấn nhà thơ Trần Đăng Khoa ở hành lang một hội thảo

 

Tôi  được lên Lạng Sơn tham dự đưa tin trao trả tù binh trong Chiến tranh Biên giới năm 1979. Tôi từng đi đò qua sông sang chợ Kỳ Lừa, từng chờ tàu ngủ dưới tán cây nhà ga Thanh Hóa, bị người đi buôn cam dậy sớm không biết có người nằm đó suýt đạp vào đầu nếu tôi không vùng chạy kịp.

Đời phóng viên cho tôi cơ hội hành nghề với các nhà báo quốc tế đến Việt Nam, cùng nữ nhà báo Pháp Madeleine Riffaud phỏng vấn các nhân viên y tế và những người bị thương trong trận máy bay Mỹ rải thảm Hải Phòng ngày 16/4/1972. Rồi tôi đi tu nghiệp tại Manila, thực tập hành nghề tại Philippines, Bangkok và sang Liên Xô, được gặp gỡ nhà nữ du hành vũ trụ đầu tiên Terescova…

Năm 1987, tôi chuyển vào TPHCM, làm chuyên viên phòng báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy. Tuy nhiên, tôi vẫn đi và viết hăng hái như thời “nhà báo có thẻ”. Tôi cộng tác bền bỉ với nhiều tờ báo lớn. Trong nhiều năm, tôi còn được “giúp việc” cho chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ TPHCM. 

Từ  sự cảm nhận và tiếp xúc của một phóng viên, tôi còn viết thêm những cuốn sách về chân dung của các nhân vật lịch sử như Mai Chí Thọ, Hoàng Đạo, Trần Quốc Hương, Phạm Xuân Ẩn…

Đến tuổi về hưu, tôi càng bận rộn hơn, ngoài chuyện viết tôi còn được mời giảng dạy báo chí ở các trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Văn Lang. Đi dạy đồng nghĩa tôi phải học thêm rất nhiều về nghề báo, cập nhật những gì đổi mới của nghề, dự các lớp đào tạo ngắn ngày của các chuyên gia Singapore và theo học hỏi không ngừng từ các nhà báo, nhà văn nước ngoài đến thành phố.

Thời dịch giã, dạy online là thử thách to lớn của một người già dở công nghệ. Mãi rồi học trò của tôi cũng nhìn thấy cô giáo hiện trên màn hình sau khi cô… cầu cứu khắp nơi. 

Khi quen rồi, tôi dạy online tự tin như đang dạy trực tiếp. Một lần, chồng tôi bắt gặp vợ cười nói oang oang một mình. Thì ra, đó là lúc tôi đang kể một câu chuyện vui cho các sinh viên. Ông nào khó tính sẽ cười chê, bảo vợ “vô duyên”. Nhưng ông xã tôi lại lấp ló rình nghe để “cười ké”, và bị tôi phất tay “đuổi” vào phòng ngủ.

Qua màn hình, có lần tôi giật mình thấy một học viên vừa học lại vừa lái xe. Quả là một thành phố trẻ với những người trẻ luôn có nhu cầu học hỏi. Tôi thấy cảm động, vui sướng vì mình còn có ích cho xã hội.

Khi TPHCM giãn cách vì COVID-19, người già trở thành đối tượng dễ bị lây nhiễm nên phải ở nhà tuyệt đối, tôi nghĩ cách điểm tin trên báo nước ngoài, cũng là cơ hội ôn lại tiếng Anh. Vậy là trên Facebook cá nhân của tôi, xuất hiện bà “Rang lạc” cập nhật mọi thông tin “chớp” được trên các báo nước ngoài. (Dân vỉa hè gọi kẻ gian xảo là… mắt đảo như rang lạc - tôi nghe vui quá, lấy luôn cái tựa này). Và bất ngờ là 500 anh em trên mạng ngày nào cũng hóng xem bà “Rang lạc” viết gì.

Tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải vẫn là cây bút sắc sảo trong làng báo, bất chấp tuổi tác
Tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải vẫn là cây bút sắc sảo trong làng báo, bất chấp tuổi U80

 

Đến bây giờ, tôi đã gần 80, sức khỏe đã yếu, có vấn đề về tim mạch, tôi chính thức xin nghỉ dạy. Bạn bè đùa bảo tôi “đi làm… lậu” lâu quá rồi, nhưng tôi vẫn viết khi các báo cần đặt bài. Còn viết là còn vui, dù rất sợ… đổ bài.

Người già thì có gì vui? Về lý thuyết, người ta cho rằng người già tìm niềm vui nhỏ trong đời thường, niềm vui với con cháu… Vâng, đúng cả. Nhưng tôi thành thật tự nhận tuổi già khó vui khi sức khỏe kém, mắt mờ chân chậm, tư duy… lôi thôi, kém công nghệ. Đãng trí kiểu rất… bất ngờ: các con số, địa chỉ, thuốc men… ghi vào cuốn sổ cho chắc, rồi… mất luôn cuốn sổ ấy.

Để rèn trí óc, tôi tiếp tục chơi Facebook. Nhớ lời một chuyên gia bảo ai viết hai “tút” một ngày là biểu hiện có… vấn đề thần kinh, nên tôi kiềm chế chỉ viết một “tút”.

Đọc mấy cái “tút” tôi viết ngay khi khám bệnh hay nhập viện, ông xã tôi ngạc nhiên: “Ngay cả khi đau ốm sao bà vẫn tếu được à”.

Tôi trả lời phải luôn hài hước cho mọi người cảm thấy nhẹ nhàng, dẫu sao cuộc đời vẫn đẹp… Sau nữa, để con cháu đi học, đi cày xa xứ, lúc rảnh chúng "đi tuần" Facebook, chúng sẽ yên tâm và bảo nhau: “Bả vẫn… sống. Vẫn đang… tám”. 

Nhiều người hỏi tôi kiếm tiền theo lý tưởng gì? Theo triết lý nào mà làm việc mãi, không chịu nghỉ đi chơi? Tôi không có câu trả lời nào hay ho.

May quá, gần đây tôi đọc được một nhận xét về đặc điểm của trí thức Mỹ về già vẫn làm việc. Quan niệm của họ như sau: “Về lý mà nói, không có mục tiêu nào phải phấn đấu nữa, đã hết tuổi phải kiếm sống. Nhưng họ làm việc vì sẽ đến một lúc nào đó bạn khó mà tìm ra được lý do để thúc đẩy mình tiến lên”. Tôi chọn đó là câu trả lời của tôi, để kết lại câu chuyện về một người đã già đi như thế nào. 

Nguyễn Thị Ngọc Hải

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • 70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    19-12-2024 17:54

    Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh cha già cặm cụi đi cắt cành, bón phân, kéo ống nước tưới cây, tôi thấy lòng đau như ai cắt từng khúc ruột.

  • Xuân… nhặt

    Xuân… nhặt

    19-12-2024 06:46

    Nhà không rộng, chỉ có khoảng ban công là có thể nuôi cây. Vậy là ba cứ đem cây về chăm sóc, tưới tắm, nâng niu.

  • Tôi đi thuê người yêu

    Tôi đi thuê người yêu

    18-12-2024 17:05

    Tại TPHCM, có một dịch vụ được chào mời vừa công khai lại vừa kín đáo: dịch vụ của những người yêu thuê giờ.

  • Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    18-12-2024 10:30

    Tôi nhận ra, ở độ tuổi ngấp nghé 50 của mình, tôi đi viếng đám tang nhiều hơn những đám, tiệc khác.

  • “Tạm ứng” gối chăn

    “Tạm ứng” gối chăn

    18-12-2024 06:17

    Trong công việc, cuộc sống, người ta có thể tạm ứng nhiều thứ, nhưng tạm ứng gối chăn sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.

  • Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    17-12-2024 18:37

    Lòng con canh cánh về mối tình ngang trái của mình. Mỗi khi nghe ai đó nói “phi công trẻ”, “hồng hài nhi”… là con lại chộn rộn, mắc cỡ.

  • Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    17-12-2024 12:48

    Bạn thuyết phục ròng rã mấy tháng trời. Bạn bảo sẽ cùng tôi đi bộ về đích để tôi không thấy ngại.

  • Chữ hiếu trong kinh doanh

    Chữ hiếu trong kinh doanh

    17-12-2024 08:51

    Tôi thích được ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa, được ăn cơm với mẹ, được cùng mẹ đi thăm bà con… Mấy món mẹ nấu là ngon nhất thế giới.

  • Trăm năm trong cái nắm tay

    Trăm năm trong cái nắm tay

    17-12-2024 06:03

    Người ta có thể dễ dàng đến bên nhau, nhưng liệu có bao nhiêu người đi được cùng nhau tới tuổi xế chiều?

  • “Siêu xe” của ông nội

    “Siêu xe” của ông nội

    16-12-2024 16:19

    Chiếc “siêu xe” của ông nội đã theo chủ nhân được gần 15 năm. Mỗi ngày, ông luôn dành thời gian chăm chút nó, như người bạn đồng hành đáng tin cậy.

  • Lời nói như dao

    Lời nói như dao

    16-12-2024 13:03

    Cần tránh những lời nói xúc phạm, miệt thị, thay vào đó là những lời nói lịch sự, tôn trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ.

  • Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    16-12-2024 06:21

    Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.

  • Khoảnh khắc dài nhất

    Khoảnh khắc dài nhất

    15-12-2024 17:58

    Chỉ cần gặp mẹ, được ngồi gần mẹ, mọi chênh chao, chơi vơi, xáo trộn đều được lắng xuống, chữa lành.

  • Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    15-12-2024 16:54

    Có lẽ vì vị mè ướp đẫm mồ hôi của ngoại, cũng có thể vì khói bếp thân thương làm thơm chén cơm nóng hổi quyện cùng vị muối mè mằn mặn.

  • Con bình thường hay đặc biệt?

    Con bình thường hay đặc biệt?

    15-12-2024 06:48

    Mong con thông minh vượt trội hay chỉ cần con khỏe mạnh, bình thường, câu trả lời của bạn là gì?

  • Ngưng đổ lỗi!

    Ngưng đổ lỗi!

    14-12-2024 19:37

    Người luôn tự coi mình là nạn nhân hiếm khi nhận ra lỗi của chính mình, cũng khó có cơ hội nhận ra khả năng của bản thân khi cố gắng.

  • Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    14-12-2024 15:48

    Sau bao nhiêu năm cách lòng, tôi đã thật sự hiểu mẹ, hiểu rằng mẹ có những lý do để rời xa ba, nhưng chưa bao giờ mẹ rời xa tôi.

  • Nuôi dạy con xuyên biên giới

    Nuôi dạy con xuyên biên giới

    14-12-2024 06:14

    Vì công việc đặc thù, có những ông bố, bà mẹ phải chấp nhận cảnh nuôi dạy con xuyên biên giới.