|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Chuyện đã lâu rồi nhưng tôi nhớ mãi. Người khách tư vấn hôm ấy là một ông ngoài 50 tuổi, là đại tá quân đội, hiện đang sống cùng gia đình ở Hà Nội. Mẹ của ông lúc đó đã gần 80 tuổi. Ông sinh ra không biết mặt cha. Mãi gần đây, cha ông mới nối lại liên lạc và quyết định về nước gặp người yêu cũ cùng con trai.
Sau đêm tái ngộ, đến 10 giờ sáng vẫn thấy phòng 2 cụ đóng im ỉm. Cảm thấy lo lắng, ông con trai liền hé cửa nhìn vào. Hóa ra 2 cụ vẫn nằm ôm nhau ngủ, chắc do còn mệt vì thức nói chuyện suốt đêm.
Gần 1 tháng sau, cụ ông về Mỹ và dự định sẽ đón cụ bà sang. Cụ bà cũng phấn khởi nhận lời. Người con trai hỏi có nên mời cụ ông về nước để 2 cụ được sống bên nhau đến trọn đời?
Mạng xã hội giúp tìm lại tình xưa
Tôi nghe câu chuyện của ông khách mà vô cùng ấn tượng. Nhưng chuyện như vậy trong cuộc sống không phải hiếm. Từ năm 1993, nhà tâm lý người Mỹ Nancy Kalish tiến hành công trình nghiên cứu sự tái hợp của những cặp tình nhân sau nhiều năm xa cách. Sau hơn 10 năm khảo sát với 1.300 người được lựa chọn ngẫu nhiên, do Khoa Tâm lý của Đại học Syracuse thực hiện, cho kết quả: 31% người tham gia ở độ tuổi từ 18-92 đã tìm thấy lại người tình đầu tiên trong đời và 18% trong số họ đã đi đến hôn nhân.
Khảo sát tiếp tục triển khai trên 50 quốc gia, có 1.009 người tìm thấy lại người yêu đầu đời sau thời gian xa cách ít nhất 5 năm, dài nhất 75 năm. Điều đặc biệt là hầu hết những đôi này sau khi tái hợp đã sống cùng nhau hạnh phúc đến cuối đời. Tỉ lệ ly hôn của họ rất thấp, chỉ có 1,5%. Trong số những đôi tái hợp, có 55% là với người yêu đầu đời mà tình yêu của họ bắt đầu khi mới 17 tuổi hoặc ít hơn. Họ đã lớn lên cùng nhau, thường ở gần nhà nhau và học cùng trường.
Lý do tan vỡ của mối tình đầu do cha mẹ không tán thành chiếm 26%; do còn quá trẻ, không thể kết hôn chiếm 19%; theo gia đình chuyển đi xa hoặc đi nhập ngũ chiếm 16%; đi học xa chiếm 14%; chia tay để đến với tình yêu khác chiếm 13% và nhiều lý do khác nữa.
37% người tìm lại được người yêu đầu đời đã kết hôn với nhau ở độ tuổi 50-60. Có 41% ở độ tuổi 60-80 và 4% ở độ tuổi 80-90.
Càng nhiều tuổi, tất nhiên là khả năng tái hợp giảm đi, nhưng tỉ lệ thành công lại cao hơn. Những người lớn tuổi cho rằng, nguyên nhân thành công là do sự trưởng thành của họ. Kỹ năng giao tiếp được nâng cao. Họ biết những năm còn lại của đời mình rất cần có người bạn đời sớm hôm chia sẻ. Họ biết tránh tranh cãi vô bổ, vì khi tuổi cao, khó có thể chịu đựng những trận cãi vã.
Một số người cho rằng, vì tình yêu đầu đời quá sâu sắc làm nền móng vững chắc cho cuộc sống chung. Một cụ hơn 70 tuổi khẳng định: “Khi nào chúng tôi chết, chỉ có trời mới biết, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ sống bên nhau đến trọn đời”.
Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy…
Từ công trình nghiên cứu trên, chúng ta có thể rút ra điều gì? Phải chăng tỉ lệ thành công cao của những đôi tái hợp cho chúng ta lời khuyên bổ ích là những người lớn tuổi rơi vào hoàn cảnh cô đơn, trước khi nghĩ đến việc tìm đối tượng kết hôn mới lạ, nên chăng hãy tìm lại mối tình đầu? Đó là việc không khác gì “mò kim đáy biển” đối với thời trước. Nhưng ở thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, ta có thể thực hiện.
Tuy nhiên, họ cần phải được cảnh báo rằng, trong cuộc tái hợp này, không phải không có những khó khăn và trở ngại. Ngày xưa thì cha mẹ ngăn cấm, ngày nay lực cản có thể là dư luận xã hội hoặc con cái. Song trải qua hơn 30 năm nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy, số người tìm lại được tình yêu thời trẻ không ngừng gia tăng cùng với sự phát triển như vũ bão của internet, ai cũng có smartphone trong tay. Tính đến năm 2019, mạng xã hội đã làm cầu nối cho khoảng 2/3 số người tìm tình yêu thất lạc và 80% trong số họ đã nối lại tình xưa.
|
Ảnh minh họa |
Những người tham gia khảo sát cho biết, cứ như có cái gì đó thiêng liêng, huyền bí, ngày đêm thôi thúc họ tìm kiếm lại mối tình đầu; khiến họ tìm ra manh mối là liên tục gửi email, nhắn tin, gọi điện. Sự sốt sắng kỳ lạ này nhanh chóng dẫn đến cuộc hẹn đầu tiên và họ không rời nhau được nữa. Nghiên cứu còn phát hiện một điều kỳ lạ nữa là những đôi tái hợp này đã sống với nhau rất chung thủy hầu như không có ngoại tình.
Hình ảnh người yêu sau nhiều năm xa cách dường như vẫn không phai mờ trong tâm trí họ, có lẽ vì nó quá trong sáng, vô tư, chưa bị những toan tính tầm thường làm cho vẩn đục nên họ thấy chẳng cần phải đắn đo cân nhắc gì nhiều. Nhiều người cảm thấy họ đã lãng phí quá nhiều năm tháng không có nhau và họ không muốn chờ đợi thêm nữa. Điều đó làm con cái họ càng thêm khó hiểu.
Có nhà tâm lý cho rằng, những rung động đầu đời với nụ hôn long lanh ngấn lệ là hoa thơm trái ngọt đầu mùa mà trong cả một kiếp người nó chỉ đến 1 lần, không bao giờ lặp lại. Có phải vì thế mà 2 câu thơ bất hủ của nhà thơ Thế Lữ sáng tác từ năm 1941 vẫn “làm tổ” trong trái tim bao người: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Ngàn năm chưa dễ đã ai quên”.
Trịnh Trung Hòa