Tuổi cao vẫn miệt mài giúp người, giúp đời

05/01/2023 - 06:26

PNO - Với sự giúp đỡ tận tâm, ân cần của họ, những người được giúp đỡ sẽ cảm thấy an tâm, bớt khó, bớt tủi và cuộc sống vì thế cũng sẽ ấm áp hơn.

Bà chủ trọ tốt bụng của lao động nhập cư

Ngày đầu năm mới 2023, dì Huỳnh Thị Âu, 77 tuổi, cầm xấp phong bao lần lượt đến từng phòng trọ. Đến phòng nào dì cũng đứng trò chuyện thật lâu rồi gửi quà mừng tết. 

Cầm chiếc phong bao chị Tăng Thị Xà Mệ - 37 tuổi, quê ở Bạc Liêu - xúc động: “Có dì Chín tụi con an tâm hết sức. Mà dì Chín cho vầy lấy đâu tiền tiêu tết”. Dì Âu khoát tay cười: “Trao cho nhau lộc xuân lấy vui, lấy hên vậy mà. Dì già rồi, tiêu bao nhiêu”.

Dì Âu (bên phải) lì xì mừng năm mới 2023 cho anh chị em trong xóm trọ
Dì Âu (bên phải) lì xì mừng năm mới 2023 cho anh chị em trong xóm trọ

Đứa con nhỏ của vợ chồng chị Xà Mệ mới tròn 2 tuổi. Chị kể chuyện ngày vào Bệnh viện Hùng Vương sinh nở mà trong túi chỉ có 1,5 triệu đồng: “Ngồi trên xe mà lòng rối bời. Vì trở dạ nên phải đi chứ trong túi không có tiền, cũng không biết xoay xở ra sao. Chúng tôi không biết có dì Chín đi theo đằng sau. Nghe vợ chồng tôi không có tiền, dì quay về nhà lấy 5 triệu rồi nhờ một bạn ở xóm trọ đưa tới bệnh viện để đóng viện phí cho tôi. Dì còn mua thức ăn, trái cây, cho thêm tiền để tôi bồi bổ, mua sắm quần áo cho con”. 

Trước đó, vợ chồng chị Xà Mệ cùng 2 con nhỏ dắt díu nhau từ quê lên thành phố kiếm sống. Chị làm công nhân giày da, còn chồng phụ xe chở hàng. Phải chăm sóc 2 đứa con nhỏ, lo chuyện nhà cửa, cơm nước, bầu bì… nên chị đành phải nghỉ việc, mọi chi tiêu của gia đình dựa vào khoản lương của chồng. Chị Xà Mệ chẳng dám nói chuyện của mình nhưng dì Âu đã chủ động thăm hỏi, giúp đỡ khi gia đình thiếu gạo. Ân tình từ đó mà đậm sâu. 

Dì Âu là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ chủ nhà trọ khu phố 8, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TPHCM. Khu trọ của dì có 50 phòng với giá cho thuê từ 1 - 1,2 triệu đồng/phòng/tháng và giữ giá từ nhiều năm nay. 

Ở xóm trọ ai cũng gọi dì Âu bằng cái tên thân mật là “dì Chín”. Tha phương cầu thực, người làm công nhân, người bán vé số, người đi phụ hồ... chẳng ai khá giả, nhưng được dì Chín đối xử tốt, giúp đỡ lúc ngặt nghèo, nên cũng phần nào bớt khó, bớt tủi. Nhà dì và xóm trọ chỉ cách nhau lối đi vài mét, thành ra hễ có chuyện gì mọi người cũng gọi với qua. Hễ cứ nghe gọi là dì Chín lại tất tả qua xem cần giúp cái gì để đáp ứng. Đi họp trên phường, trên quận, thấy gian hàng quần áo nghĩa tình là dì hỏi xin, tự tay lựa chọn mang về chia cho anh chị em ở trọ. Vừa rồi, chú Mẫn bán vé số bị đột quỵ phải đi cấp cứu mà mấy đứa con gom hết chỉ được hơn 1 triệu đồng. Thấy vậy, dì Chín liền cho mượn 8 triệu đồng và hối chồng vào viện thăm hỏi. Khi chú Mẫn hồi phục, anh con rể định bán chiếc xe máy lấy tiền trả nợ, nhưng dì Chín can: “Bán rồi lấy gì để đi lại. Cứ để trả dần cho dì cũng được”. Ngày các con chú Mẫn để dành đủ tiền trả nợ, dì Chín chạy ra cửa hàng mua gạo, rau củ quả đem qua phòng tặng chú Mẫn và tặng lại chú 1 triệu đồng xem như tấm lòng tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn. 

Bằng tình yêu thương, má cống hiến hết mình

Với gương mặt phúc hậu, giọng nói nhẹ nhàng và thái độ ân cần, thương yêu mọi người, nên tại phường 1, quận Tân Bình, bà Lê Huỳnh Hoa được mọi người yêu mến gọi là “má Hoa”. 

Năm nay má Hoa đã 85 tuổi. Do có cảm tình với công tác hội nên từ những năm 1990, má Hoa đã tham gia Hội Phụ nữ Từ thiện (Hội LHPN TPHCM). Đến năm 1995, má tham gia cả công việc Hội Chữ thập đỏ tại phường 1, quận Tân Bình. Dù kiêm nhiệm nhiều việc nhưng má vẫn dành nhiều thời gian cho hoạt động Hội LHPN, cố gắng chăm lo cho chị em hội viên, phụ nữ. Trăn trở về cuộc sống của phụ nữ và trẻ em còn nhiều khó khăn, Câu lạc bộ “Hội mẹ truyền thống” do má dẫn dắt đã ra đời với 15 thành viên, vận động được nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để chăm lo cho những phận đời yếu thế. 

Má Hoa (ngồi hàng đầu, bên trái) chụp ảnh lưu niệm cùng các cán bộ hội  ở quận Bình Thạnh
Má Hoa (ngồi hàng đầu, bên trái) chụp ảnh lưu niệm cùng các cán bộ hội ở quận Bình Thạnh

Năm 2016, trên địa bàn xuất hiện “Bếp ăn yêu thương” đặt tại quán cháo Sơn Ca, má Hoa cũng là một thành viên nòng cốt. Ban đầu, bếp nấu và phát khoảng 40-50 suất ăn cho người già và trẻ em nghèo vào các ngày rằm, mùng Một hằng tháng. Kinh phí hoạt động chủ yếu do các thành viên đóng góp. Thấy chưa hỗ trợ được nhiều nên má Hoa và các thành viên tăng cường tìm nguồn hỗ trợ. Cho đến hiện tại, ngoài quán cháo Sơn Ca, bếp đã có thêm 2 địa điểm mới trên đường Lê Văn Sỹ và Nguyễn Trọng Tuyển với gần 30 thành viên tham gia, mỗi lần phát từ 400-500 suất ăn cho người khó khăn, những người lang thang cơ nhỡ, học sinh - sinh viên nghèo… 

Khi Hội LHPN phường triển khai thực hiện “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, má Hoa đã không do dự đăng ký nhà mình làm nơi lánh nạn cho chị em phụ nữ, trẻ em bị bạo hành. Nhiều bệnh nhân và học sinh khó khăn từ quê lên thành phố khám bệnh hoặc thi đại học đều được má Hoa tận tình giúp đỡ, chỉ cho chỗ ở tạm và giới thiệu những phần ăn miễn phí. Bên cạnh đó, má cũng thường xuyên động viên các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn cố gắng học tập thông qua nguồn học bổng vận động từ những nhà hảo tâm. Tâm nguyện của má là không để các em bỏ học với bất cứ lý do gì.  
Cuối năm 2018, má về hưu “lần 2” nhưng thay vì an hưởng tuổi già, má lại tiếp tục làm việc theo cách của riêng mình. Mỗi dịp rằm tháng Bảy hay lễ tết, má lại bỏ tiền túi mua quà bánh tặng các cháu bị bệnh tâm thần để động viên các cháu và gia đình vượt khó.

Đến nay, đã bước vào tuổi 85 nhưng má Hoa vẫn không ngừng cống hiến. Mặc dù đi đứng khó khăn nhưng nghe tin có chị em nào cần giúp đỡ, má vẫn luôn nhiệt tình hỗ trợ. Má nói, má luôn cảm thấy hạnh phúc khi được sống vì mọi người. 

Thảo Nguyên - Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI