Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

18/12/2024 - 10:30

PNO - Sự dịch chuyển từ “tuổi ăn đám cưới” sang “tuổi viếng đám tang” không chỉ đơn thuần là quy luật sinh - lão - bệnh - tử. Mỗi khoảnh khắc trôi qua đều là duy nhất, không thể quay trở lại.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Cô bạn thân vừa nhắn tin “Ba mình đi rồi”, tôi lật đật thu xếp con cái, công việc để đi Đắk Nông viếng ông. Tôi chợt nhớ, tuần rồi tôi cũng đi viếng tang người chú họ. Tháng trước cũng đi và tầm này năm trước cũng đi viếng mẹ của bạn ở Gia Lai. Tôi nhận ra, ở độ tuổi ngấp nghé 50 của mình, tôi đi viếng đám tang nhiều hơn những đám, tiệc khác.

Cách đây 2 tuần, một đồng nghiệp trẻ mời tôi dự đám cưới. Khi đó, tôi và đồng nghiệp cùng khóa chợt giật mình: lâu lắm rồi chúng tôi mới được đi ăn cưới. Chúng tôi bàn nhau chuyện đi đám cưới mặc gì, có nên ra tiệm trang điểm hay không… háo hức đi ăn cưới như thời “trẻ trâu”. Vậy mà, trong khoảng lặng cả năm không đi ăn cưới, có lúc tôi nghĩ “năm nay không phải tốn tiền mừng cưới” và cảm giác vui vui khi mình tiết kiệm được một khoản trong thời buổi kinh tế khó khăn.

Nhưng nay, tôi nhận ra, bước vào giai đoạn trung niên, đã có một sự chuyển dịch rõ rệt trong các sự kiện xã hội mà mình tham dự. Nếu như thời thanh xuân của tôi ngập tràn những lễ cưới, sinh nhật, tiệc mừng… thì bây giờ, ở tuổi ngũ tuần, hình ảnh những vòng hoa tang lễ, những nén hương nghi ngút dường như chiếm lĩnh không gian tâm trí.

Tôi chợt nhận ra, không tính con hay cháu thì nhiều người thân của mình đều đang ở chặng cuối của hành trình đời người. Bác ruột, cô ruột tôi đã ngoài 80 tuổi. Mẹ của 2 bạn đồng nghiệp thân thiết thì người bị Alzheimer nằm liệt suốt 2 năm, người bị tai biến, yếu nửa người từ 5 năm nay. Ba của đứa em thân thiết thời sinh viên cũng đã ngoài 80 tuổi và bị đủ chứng bệnh: tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch…

Người anh họ vừa mới phát hiện bị ung thư đại tràng. Ba má chồng tôi 82 tuổi, chân yếu, mắt mờ, ăn không ngon, giấc ngủ chập chờn đêm khuya. Hay má ruột tôi đã 90 tuổi, vừa từ bệnh viện về vì chóng mặt, tăng huyết áp. Những bước chân của bà đã trở nên liêu xiêu, ngồi xuống đứng dậy rất khó khăn…

Mà không chỉ có phụ huynh, thỉnh thoảng, tôi lại nhận tin bạn bè, chồng/vợ bạn, anh chị em họ đồng trang lứa với mình ra đi vì bệnh hiểm nghèo, vì tai nạn giao thông hay người mới gặp chiều nay, hôm sau đã mất vì đột quỵ. Hay ngay trong lúc viết những dòng này, tôi lại nhận tin đứa cháu họ ở quê vừa mất ở tuổi 37.

15-20 năm trước, tôi thường xuyên được mời đi ăn cưới, sinh nhật, bạn bè ra mắt người yêu… Những khi đó, có đôi lúc tôi từ chối vì bận việc hay viện cớ vì lười, vì quá ngán tiệc tùng, tụ tập ăn chơi nhảy múa. Giờ thì khác, tôi luôn thấy vui, hân hoan khi nhận được lời mời đám cưới, tiệc mừng.

Qua những mất mát, cho tôi trải nghiệm để hiểu rằng, đám cưới là dịp hiếm hoi để gặp gỡ bạn bè, người thân, cùng nhau chia sẻ niềm vui, nhìn ngắm những gương mặt rạng rỡ, tràn đầy sức sống. Và biết đâu, những khoảnh khắc ấy sẽ là kỷ niệm đẹp đẽ, là động lực để ta tiếp tục vững bước trên đường đời.

Sự dịch chuyển từ “tuổi ăn đám cưới” sang “tuổi viếng đám tang” không chỉ đơn thuần là quy luật sinh - lão - bệnh - tử. Điều này còn tác động mạnh mẽ đến tâm lý, nhận thức của mỗi cá nhân, cũng là lời nhắc nhở về tính vô thường của vạn vật. Triết gia Heraclitus từng nói “không ai tắm 2 lần trên cùng một dòng sông”. Mỗi khoảnh khắc trôi qua đều là duy nhất, không thể quay trở lại.

Mỗi khi tiễn một người đi, lòng tôi lại nặng trĩu. Không chỉ là nỗi buồn chia sẻ với gia quyến, ngậm ngùi cho một kiếp người, cho những dự định còn dang dở, mà còn là những nuối tiếc cho thời gian đã qua không bao giờ trở lại. Rồi tôi lại tự vấn, mình đã sống trọn vẹn chưa, đã dành đủ thời gian cho những người mình yêu thương chưa? Nhận thức được điều này để chúng ta trân trọng hơn từng phút giây hiện tại, sống trọn vẹn với bản thân, gia đình và những người xung quanh.

Những trải nghiệm về sự mất mát ở tuổi trung niên đã giúp tôi chín chắn trong suy nghĩ, giúp tôi nhìn nhận cuộc sống với một lăng kính sâu sắc và bao dung hơn. Suy cho cùng, dù ở bất kỳ độ tuổi nào, việc duy trì sự cân bằng trong tâm lý, tích cực tận hưởng cuộc sống và vun đắp những mối quan hệ ý nghĩa là điều vô cùng quan trọng.

Hãy để mỗi giai đoạn của cuộc đời đều là những trải nghiệm đáng quý, góp phần tạo nên một bức tranh nhân sinh trọn vẹn và ý nghĩa.

Thùy Dương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI