Tuổi 71 vẫn yêu và cưới

17/06/2018 - 09:26

PNO - Trước khi bước tới, ông Hiếu đã hỏi ý kiến của hai con bà. Nếu các con không chịu, ông sẽ rời ngôi nhà ở H.Châu Thành, tỉnh Bến Tre, trở về Mỹ sống.

Gãy đổ gia đình ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, được người em làm mai một phụ nữ chồng mất đã bảy năm, quen biết nhau qua nhiều lần đi từ thiện cùng, ông Nguyễn Thành Hiếu (sinh năm 1940, ngụ bang Kansas, Mỹ) vẫn chưa sẵn sàng cho một mối quan hệ mới, “người ấy” lại kém ông đến 18 tuổi. Dù vậy, hình ảnh người phụ nữ buôn bán tần tảo, ngày hai lượt qua cầu Rạch Miễu vắt qua sông Tiền nối hai tỉnh Tiền Giang - Bến Tre, vẫn ẩn hiện trong trí tưởng tượng của ông.

Mấy ngày sau khi được mai mối, một sáng đi bộ thể dục, ông Hiếu bạo gan gọi điện thoại cho “người ấy”. Phía Việt Nam đang là buổi tối, “người ấy” của ông đang tất bật ram thịt, hấp xíu mại, pha nước mắm để sáng sớm bán bánh mì. Vài lời ban sơ, lần đầu nghe tiếng nói mà như đã quen nhau từ độ nào…

Tuoi 71 van yeu va cuoi
“Rổ rá cạp lại” nhưng tổ ấm của ông bà Nguyễn Thành Hiếu - Nguyễn Thị Lệ vẫn vẹn nguyên một nụ cười

Cuộc trò chuyện của tôi diễn ra ở Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, ông đau bụng, đang chờ chẩn đoán của bác sĩ. Nhưng khi hồi tưởng câu chuyện tình muộn và đẹp bảy năm qua của mình, ông say sưa kể, quên cả đau. Đoạn ông ngừng lại mỉm cười nhìn “người ấy” - bà Nguyễn Thị Lệ ngồi bên cạnh, đang chuẩn bị thức ăn và canh giờ cho ông uống thuốc.

Nhiều người thực dụng vẫn đoán ông Việt kiều “cưa đổ” bà bằng đô. Nhưng chính sự chân thật, khiêm nhường của ông cho bà niềm tin đấy là điểm tựa tinh thần của mình. Bà hồn nhiên nói: “Chẳng ai như ông, tỏ tình không dùng lời hoa mỹ mà lại nói kiểu “mình giờ như con bò sữa, bị cuộc đời vắt hết sữa rồi liệng ra ngoài đường”. Tui nghe vậy, lỡ hứa sẽ đem về nuôi từ thiện. Buồn cười lúc ấy nhưng về sau rớt nước mắt khi biết đó là sự thật. Ông làm ở hãng sản xuất ống dẫn dầu tại Mỹ, mấy chục năm lấy đêm làm ngày, nuôi gia đình nhưng tuổi xế chiều lại lận đận, thiếu vắng tình cảm.

Nghĩ vậy rồi thương, chứ khi tui định bước tới, nhiều người cản lắm. Họ cứ nói ở vậy cho sướng, lấy ông già chi mai mốt phải… nuôi bệnh”. 

Tuoi 71 van yeu va cuoi

Trước khi bước tới, ông Hiếu đã hỏi ý kiến của hai con bà. Nếu các con không chịu, ông sẽ rời ngôi nhà ở H.Châu Thành, tỉnh Bến Tre, trở về Mỹ sống. Ông không muốn sự xuất hiện của mình làm mẹ con bà bất hòa hoặc bằng mặt mà chẳng bằng lòng. Nhưng ông đã nhận liền hai “phiếu thuận”. Vì từ lâu trong lòng các con bà, ông đã mặc nhiên trở thành thành viên của mái ấm với sự tế nhị, quan tâm, nụ cười hiền hòa và món quà ý nghĩa ông dành cho con cháu trong những dịp quan trọng. 

Mờ sáng, ông chở bà vượt cầu Rạch Miễu cao ngất. Có khi gặp mưa giông gió giật, bà bảo ông dừng xe chờ tạnh, ông sợ trễ giờ bán nên nghênh chiến với gió mưa, đi tiếp. Lịch lãm, từng trải đó đây nhưng bên cạnh bà tại quầy bánh mì ở cửa siêu thị Quang Đại (TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), ông chỉ là “phụ diễn”, cặm cụi xắt dưa cà, nướng bánh mì thật giòn như ý bà.

Ông bình dân, vui vẻ chào mời khách nên những ngày có ông phụ, bà bán rất đắt. Mặt trời lên, bà hối thúc ông về trước, tránh trời nắng nóng, kẹt xe. 

Sang “tập hai”, bà không ỷ lại vào đồng lương hưu của chồng, vẫn hằng ngày bên quầy bánh mì như hai mươi mấy năm nay. Tuổi tác kéo sức khỏe xuống dốc, ông trải qua nhiều trận bệnh nặng và tốn kém.

Như ba năm trước bị hoại tử xương đùi, ông lo ngại tiền lương hưu không kham nổi cuộc phẫu thuật thay khớp nhưng bà cương quyết lấy hết số tiền dành dụm và mượn thêm để đưa ông lên TP.HCM điều trị.

Những ngày nằm viện ròng rã in hằn trong tâm tưởng của ông hình ảnh bà nằm dưới sàn cạnh giường bệnh, lạnh không có mền đắp. Bà nhắm mắt tưởng đã ngủ say nhưng hễ ông cựa mình chút thôi, bà đã bật dậy hỏi ông có khát nước không, trong người thế nào…

Được hỏi “đến với nhau ở tuổi xế chiều, thói quen của mỗi người đã định hình mấy mươi năm, bí quyết nào để vợ chồng hòa hợp, có soạn sẵn bảng cam kết với nhau từ buổi đầu không?”, ông bà lắc đầu, cười hiền.

Ông dí dỏm nói: “Hạnh phúc là nhờ người ta chanh chua mười, còn bà chanh chua chỉ một thôi”. Bảy năm chung sống, bà không tìm ra được một tình huống mâu thuẫn, xung đột nào của vợ chồng.

“Ờ mà có… ông xã ghét thằn lằn lắm, hễ thấy nó là ông rượt đuổi, tui sợ ông chân yếu, lỡ vấp té thì khổ. Tui cằn nhằn, ông lại không thích nghe nói nhiều” - bà Lệ cười, liếc trộm ông. Điểm tương đồng kết chặt ông, bà nữa là chung niềm vui giúp người. Ông, bà “cho” ngay cả khi mình đang thiếu hụt… 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI