Cứ đến thời điểm tháng Tư hằng năm - nộp hồ sơ dự thi THPT quốc gia, các học sinh lớp 12 cũng như phụ huynh lại như bước vào “trận đánh lớn” chọn ngành, chọn trường cho giấc mơ đại học. Không ít học sinh “nhắm mắt đưa chân”, nghe theo bạn bè… chọn ngành không phù hợp vì chưa xác định được mình muốn làm gì, muốn trở thành người như thế nào trong tương lai.
“Trận đánh lớn”
17 tuổi, em Hồ Nguyễn Thanh Phong, học sinh lớp 11 tại Bình Tân, liên tục bị cha mẹ giục chọn trường thi. “Hầu như cứ đến bữa cơm tối ngồi cùng nhau, sau một hồi trò chuyện ba mẹ lại quay trở lại câu chuyện muôn thuở: chú tâm học hành nghe con. Con có định chọn học ngành nào chưa? Mẹ thấy ngành công nghệ thông tin hợp với con. Sức con nhắm đến Trường đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM hoặc không nữa thì vào Trường đại học FPT… Giữa đủ thứ gợi ý và hào hứng của mẹ, em nói mình chưa dự tính gì. Mẹ liền mắng: lớp 12 đến nơi rồi còn không lo chọn chỗ thi cho tử tế. Nước tới chân mới nhảy là coi chừng chọn bậy” - Thanh Phong kể.
Giống như bao học sinh cuối cấp khác, Phong luôn chịu áp lực phải chọn ngành thi, trường thi từ cha mẹ cho đến thầy cô. Trong suy nghĩ của người lớn, chọn học nghề gì, học ở đâu là vấn đề quan trọng nhất cho cột mốc tuổi 18.
Anh Lê Minh Hà, công tác tại một bệnh viện, có con gái đang học lớp 12 tại Trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TP.HCM. Đến giữa học kỳ II rồi, thấy con gái vẫn bình chân như vại thì anh không thể bình tĩnh được nữa, nên phải vừa tìm hiểu vừa nhờ người quen tư vấn cho chuyện học đại học của con.
Anh Hà thẳng thắn: “Mình có mấy tiêu chí để chọn trường cho con: thứ nhất, mức học phí vừa phải. Thứ 2, phải là đại học công lập tương đối có tiếng vì mình khó chấp nhận chuyện con không vào được trường tốt, nhất là khi con bé là học sinh trường chuyên. Thứ 3, mình định hướng trở thành thầy giáo hoặc thầy thuốc, dù ở xã hội nào cũng được trọng vọng”.
Chọn ngành, chọn trường bỗng dưng trở thành “trận đánh lớn” mà tất cả phụ huynh, học sinh phải dồn sức vào.
Trong khi đó, tại cuộc thi Lead The Change 2017 do Trường đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức, bà Nguyễn Phi Vân, người sáng lập Retail & Franchise Asia, thẳng thắn chỉ ra lý do quan trọng nhất hạn chế thành công của giới trẻ Việt Nam là thiếu mục đích sống: “Các bạn trẻ đang đọc rất nhiều, học rất nhiều nhưng không biết mình thực sự cần gì”.
Bà Vân khuyên các bạn trẻ thay vì đặt câu hỏi “cần những kỹ năng gì cho tương lai?” thì hãy xác định mình muốn làm gì. Từ đó, sẽ biết được mình cần những kỹ năng, kiến thức nào để đạt được mục tiêu đó cũng như thứ tự ưu tiên những việc cần làm.
Nhiều giá trị bị bỏ quên
Theo thạc sĩ Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, từ nhà trường cho đến cha mẹ chỉ quan tâm nhiều đến chuyện hướng nghiệp cho con mà quên rằng, cuộc đời con người có nhiều giá trị phải lựa chọn: chọn lẽ sống, chọn nghề nghiệp, gia đình, chọn thầy để học, chọn bạn để chơi… Học nghề gì, ở đâu chỉ là một trong số đó.
Đó là chưa kể, sự định hướng nghề nghiệp của chúng ta rất nửa vời. “Bản chất của hướng nghiệp phải là trải nghiệm, trường phổ thông chỉ có mươi tiết thì không thể đủ”, ông Hiếu phân tích.
Quả thật, sau 12 năm phổ thông nhưng các em học sinh vẫn không thể tự trả lời câu hỏi “tôi muốn trở thành người như thế nào?”. Đó là sự bỏ ngỏ của cả một hệ thống giáo dục phổ thông - bậc học nền tảng hình thành nhân cách và giá trị con người.
Một người trẻ thành đạt như cơ trưởng trẻ nhất Việt Nam Nguyễn Quang Đạt đã bộc bạch trên sóng truyền hình: “Cứ hỏi một bạn trẻ sắp đến tuổi trưởng thành rằng, “em muốn làm nghề gì?” thì sẽ biết các em học sinh phổ thông không được trang bị để xác định được mục tiêu cuộc đời. Các em chưa xác định được mình thích hợp với nghề gì và mong muốn trở thành một người như thế nào”.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, ở các nước có nền giáo dục phát triển, những đứa trẻ được dạy rất kỹ để xác định mục đích sống. Điều này được làm từ những lớp học thấp nhất. Những đứa trẻ lớn lên ở Nhật sẽ được định hướng để trở thành người có trách nhiệm với cuộc đời mình và xã hội.
“Khi sang Nhật, tôi thấy các nhân viên vệ sinh luôn lao động hết mình vì mang lại những giá trị chung cho mọi người. Cô ấy xem từng cái bệ rửa tay, bồn vệ sinh như những người bạn, lau rồi nhìn ngắm cho đến khi sạch bong. Nước Mỹ lại giáo dục cho những đứa trẻ biết chia sẻ. Bởi vậy, ở một nước tư bản thuần túy lại có rất nhiều tỷ phú, triệu phú hiến toàn bộ tài sản cho xã hội mà không để dành lại cho con cái mình”, thạc sĩ Hiếu dẫn chứng.
Cuộc đời mỗi người có rất nhiều vai diễn khác nhau: là ông chủ, là thầy giáo, là người thợ, hay chỉ là một người nội trợ… Có người đàn bà quanh năm bếp núc nhưng lại là mẹ của những thiên tài. Tuyên ngôn cuộc đời nằm ở sự lựa chọn và đeo đuổi của mỗi người. Thế nên, nếu một học sinh có gặp khó khăn với chuyện chọn trường thi, ngành học, thậm chí đòi không thi đại học thì chưa hẳn đó là một đứa trẻ thất bại, không có tương lai.
Tiêu Hà