Tung tin thất thiệt về vụ bé Nô có thể bị phạt đến 7 năm tù

10/07/2017 - 20:00

PNO - Bịa đặt thông tin về hai nữ sinh hiếp dâm nam thanh niên đến chết hay việc tung tin đồn thất thiệt cháu bé ở Quảng Bình sau khi bị sát hại để lấy nội tạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Sự việc bé trai 6 tuổi ở Quảng Bình bị sát hại khiến hàng triệu người thương tâm và hoang mang. Đặc biệt sau khi bộ phận cư dân mạng cho rằng chính những thông tin được chia sẻ như vũ bão trên mạng xã hội đã góp phần giết chết cháu bé.

Tung tin that thiet ve vu be No co the bi phat den 7 nam tu
Sự chia sẻ thông tin rầm rộ trên mạng xã hội về vụ bé Nô (Quảng Bình) nghi bị bắt cóc có thể đã góp phần đưa nạn nhân đến cái chết.

Thông tin về việc cháu bé Nô bị lấy nội tạng là tin đồn rất ác nghiệt. Nỗi đau của người nhà nạn nhân chưa lắng xuống, tin đồn này như những nhát dao cứa thêm vào tấn bi kịch. 

Chưa kịp lắng xuống, sáng 10/7, mạng xã hội lại dậy sóng thông tin về việc cháu bé bị bắt cóc ở chung cư tại huyện Bình Chánh. Dù tin cháu bé bị bắt cóc ở huyện Bình Chánh chưa được các cơ quan chức năng xác nhận nhưng lại được chia sẻ rầm rộ cũng như bình luận đẩy vụ việc đi xa hơn. Liên tục những thông tin tiêu cực về bắt cóc, sát hại khiến các bậc phụ huynh đứng ngồi không yên.

Cũng trong ngày, nhiều trang mạng xã hội và thông tin tổng hợp đăng tải một tin cực “sốc” và thất thiệt: “Hai nữ sinh hiếp dâm một thanh niên đến chết”, khiến hai cô gái mới lớn này khốn đốn, thậm chí có ý muốn tự tử vì áp lực nặng nề.

Tung tin that thiet ve vu be No co the bi phat den 7 nam tu
Hình ảnh bé Nô được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội trong những ngày mất tích.

Lý giải sự bùng nổ thông tin cũng như sự mất kiểm soát thông tin trên mạng xã hội, Thạc sĩ Nguyễn Xuân Anh - Giảng viên khoa Xã hội học, trường ĐH KHXH-NV TP. HCM phân tích: “Thông tin về hành vi vi phạm pháp luật được cư dân mạng chia sẻ rộng rãi không chỉ là căn cứ để cơ quan công an điều tra làm rõ, mà đối với mỗi người, đó còn là những thông tin hữu ích trong việc phòng tránh và cảnh giác với tội phạm.

Dư luận xã hội có sức mạnh to lớn trong việc điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội. Tuy nhiên cũng có thể ngược lại, khi dư luận quá mạnh mẽ tạo nên áp lực và gây hành vi tiêu cực.

Nhưng điều này lại không được kiểm soát. Công chúng nhiều khi không đủ tỉnh táo phân biệt thông tin nào là chính xác nên nhiều lúc họ đã đưa ra những quan điểm không phù hợp, ủng hộ thái quá những quan điểm sai lầm… Truyền thông không phải là nguyên nhân gây ra bạo lực nhưng có thể gián tiếp củng cố thêm tính bạo lực đã có sẵn trong con người”.

Tung tin that thiet ve vu be No co the bi phat den 7 nam tu
Dù chưa được kiểm chứng, thông tin bé gái bị bắt cóc lan rộng sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội.

Nói thêm về vấn đề này, Tiến Sĩ Trương Văn Vỹ - giảng viên Xã hội học Tội phạm, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM nêu ý kiến: “Mạng xã hội thực sự là một cuộc cách mạng trong giao tiếp và thông tin. Chẳng hạn về việc mất tích, cũng như tìm thấy thi thể em bé nạn nhân ở Quảng Bình… nhiều người đặt ra câu hỏi rằng, liệu có phải do mạng xã hội tác động gây tác động đến hành vi tiêu cực của hung thủ? Tôi cho rằng điều này hoàn toàn có thể.

Bởi mạng xã hội là nguồn cung cấp thông tin quý giá đối với kẻ phạm tội. Hắn cảm nhận được hành vi của mình đã phần nào bị bại lộ, bị mọi người lên án, lo lắng sẽ bị công an bắt và trừng phạt thích đáng... nên cuối cùng đã đẩy đến những suy nghĩ tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Từ đó hung thủ đã ra tay tàn nhẫn để có thể phi tang, che giấu hay xoá bỏ tội lỗi của mình”.

Tung tin đồn thất thiệt có thể bị phạt tù

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (đoàn luật sư TP.HCM) thông tin về vấn đề này: Theo điểm d, khoản 1 Điều 5, Nghị định 72 năm 2013 của Chính phủ, nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Tùy vào mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tung tin that thiet ve vu be No co the bi phat den 7 nam tu
Cuộc sống của hai nữ sinh đảo lộn nghiêm trọng sau khi bị tung tin đồn ác ý và gây sốc trên mạng xã hội.

Hành vi này có thể xem xét xử phạt hành chính với mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng theo điểm g khoản 3 điều 66 Nghị định số 174/2013. “Nếu tính chất và mức độ của hành vi xúc phạm danh dự hoặc vu khống là nghiêm trọng, và có đủ căn cứ, thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo tội “Làm nhục người khác”, luật sư Chánh nói.

Theo đó, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác. Khung hình phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ một năm đến ba năm, nếu có tình tiết: Phạm tội nhiều lần; Đối với nhiều người;…

Đối với tội “Vu khống”, khung hình phạt thấp nhất là bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ một năm đến bảy năm. Nếu có tình tiết: Có tổ chức; Đối với nhiều người; Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình sẽ bị xem là tình tiết tăng nặng.

Theo luật sư, về dân sự, tổ chức/cá nhân bị thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường theo Điều 592 BLDS 2015. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định. Bên cạnh đó, nạn nhân bị xúc phạm uy tín có thể yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần.

Thăng Long – Minh Phúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI