|
Các công nhân chuyển thi thể từ một chiếc xe tải vào một container lạnh bên ngoài một nhà xác công cộng ở Hồng Kông. Các container vận chuyển lạnh đã được dựng bên ngoài một số nhà dân khi Hồng Kông phải vật lộn đối phó với số người chết gia tăng do COVID-19. |
Cao nhất thế giới về ca nhiễm và tử vong
Từ đầu đại dịch, Hồng Kông và Hàn Quốc đã kiểm soát được hầu hết các trường hợp COVID-19 cho đến cuối năm ngoái. Trên thực tế, họ đã làm tốt đến mức cả hai được coi là "hình mẫu" trong việc kiềm chế virus mà không cần dùng đến các biện pháp hà khắc như phong tỏa, đóng cửa biên giới, vốn gây tàn phá nền kinh tế.
Nhưng số ca nhiễm bệnh đã tăng vọt ở cả hai nơi trong những tháng gần đây khi biến thể Omicron rất dễ lây lan đã khiến họ đang đối mặt với số người nhiễm bệnh và tử vong cao kỷ lục và sự hoang mang, chán nản của người dân.
Vào ngày 17/3, số ca mắc mới hàng ngày của Hàn Quốc đạt mức cao nhất mọi thời kỳ là 621.328 - mức tăng 55% chỉ trong một ngày. Số người chết lên tới con số kỷ lục 429 trong cùng ngày. Theo số liệu từ Our Word in Data, Hàn Quốc đang là nước đứng đầu thế giới về số ca mắc mới hàng ngày.
Riêng Hồng Kông cũng không khác mấy, tính đến ngày 16/3, Hồng Kông có tỷ lệ người chết được xác nhận hàng ngày lớn nhất trên 1 triệu người là 37,64 - cũng cao nhất thế giới.
|
Nhân viên y tế làm việc tại cơ sở cách ly COVID-19 tạm thời ở Hồng Kông |
Sụp đổ trước biến thể Omicron
Hồng Kông đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế sự lây lan của virus kể từ khi bắt đầu đại dịch, chẳng hạn như cách ly 21 ngày đối với những người đến thành phố từ nước ngoài, quản lý chặt chẽ biên giới, hạn chế tụ tập, yêu cầu mang khẩu trang, truy vết và cách ly đối với các trường hợp nhiễm COVID-19 tại địa phương.
Các biện pháp này đã hoạt động vô cùng hiệu quả trong 4 đợt trước nhưng nó đã bị phá vỡ hoàn toàn trong đợt thứ năm diễn ra vào tháng 12/2021. Biến thể Omicron có tính lây truyền cao, thậm chí còn thắt chặt các quy định về khoảng cách được đưa ra vào tháng 1, chẳng hạn như đóng cửa các nhà hàng lúc 6 giờ chiều.
Hồng Kông là nơi có dân số già cao - dữ liệu cho thấy những người trên 65 tuổi chiếm 18,4% trong dân số 7,5 triệu người. Ngoài ra, người dân ở Hồng Kông dễ bị nhiễm Omicron hơn do tỷ lệ tiêm chủng thấp vì sự nghi ngờ vắc xin. Những điều này đã tạo ra môi trường thuận lợi cho sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron ở những người cao tuổi, những người vào thời điểm đó không thể tiếp cận ngay với các dịch vụ y tế vì các bệnh viện trong thành phố đã hoạt động hết công suất.
"Tỷ lệ tử vong được dự đoán là do tỷ lệ tiêm chủng thấp ở người cao tuổi, hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải đã tạo ra một cơn bão hoàn hảo", Siddharth Sridhar, trợ lý giáo sư lâm sàng tại Khoa Vi sinh của Đại học Hồng Kông nói.
Trong khi đó, Hàn Quốc chứng kiến số ca nhiễm mới được xác nhận hàng ngày đã tăng lên 5 con số vào tháng Giêng. Nhưng ngay cả khi các trường hợp đã tăng hơn 100.000 vào giữa tháng Hai, chính phủ vẫn nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, gây ra những lời chỉ trích rằng đây là một động thái chính trị để đảm bảo số phiếu bầu trước cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 9/3 vừa qua.
|
Người dân Hàn Quốc xếp hàng để được xét nghiệm COVID-19 tại một trung tâm gần ga Seoul |
Ca nhiễm và tử vong vẫn chưa dừng lại
Tính đến ngày 17/3, 91,3% cư dân Hồng Kông đã tiêm liều vắc xin đầu tiên, 81% liều thứ hai và 35,1% ở liều thứ ba.
Nhưng cuộc chiến chống lại virus của Hồng Kông vẫn chưa kết thúc. Kwok Kin-on, một trợ lý giáo sư tại Trường Y tế Công cộng và Chăm sóc Ban đầu JC của Đại học Hồng Kông, dự đoán rằng số ca mắc mới hàng ngày sẽ không giảm xuống khoảng 1.000 cho đến cuối tháng 5. Ban đầu, chính phủ đã lên kế hoạch cho một cuộc xét nghiệm toàn dân theo kiểu Trung Quốc trong tháng này để xác định các ca bệnh và ngăn ngừa lây lan thêm, nhưng đã hoãn lại để tập trung vào nhiệm vụ giảm ca tử vong và các trường hợp nghiêm trọng.
Tại Hàn Quốc, ban đầu chính phủ dự kiến rằng đất nước sẽ đạt đỉnh điểm với mức cao nhất là 370.000 trường hợp vào giữa tháng 3 nhưng các con số hàng ngày đã tiếp tục tăng vọt và nay vượt hơn 600.000.
Jung Jae-hun, giáo sư y học dự phòng tại Đại học Gachon, cho biết: “Tình trạng này phần lớn là do sự thay đổi trong chính sách của chính phủ, khi các biện pháp tạo khoảng cách xã hội được nới lỏng. Tốc độ lây truyền cao của biến thể Omicron cũng góp phần vào tình trạng này".
Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố rằng các biện pháp đã được nới lỏng vì họ đã xác định rằng tỷ lệ tử vong đối với các trường hợp xảy ra tương tự như bệnh cúm, vì hơn 86,6% dân số đã được tiêm hai mũi và 62,7% tiêm mũi ba. Nhưng do các ca nguy kịch và tử vong tăng nhanh và xảy ra nhiều tuần sau khi các ca nhiễm mới được xác nhận khiến các chuyên gia nhận định rằng ca bệnh nặng và tử vong sẽ tiếp tục tăng ngay cả sau khi số ca nhiễm mới hàng ngày đạt đỉnh.
Một yếu tố khác là biến thể phụ BA.2 của Omicron, vốn đã chiếm 26,3% tổng số trường hợp ở Hàn Quốc được ước tính có thể truyền nhiều hơn từ 25 đến 30% so với biến phụ hiện đang chiếm ưu thế, BA.1 khiến người Hàn Quốc không thể không lo lắng.
Lee Jae-gap, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hallym, cho biết: “Chính phủ phải bắt đầu lập kế hoạch chuẩn bị cho hệ thống y tế trong trường hợp cần nhiều thời gian hơn (so với dự đoán) để đạt được đỉnh điểm".
Thảo Nguyễn (theo SCMP, Korea Times)