Tung hứng, rung lắc trẻ: Trò đùa vô tình làm tổn thương con

04/08/2016 - 13:11

PNO - Trò chơi tung hứng được rất nhiều trẻ nhỏ ưa thích vì trẻ có cảm giác mới lạ khi được lơ lửng trên không trung. Nhưng việc chơi trò chơi này lại mang đến nhiều vấn đề nguy hại cho sức khỏe của con trẻ.

Nhiều trẻ gặp tai nạn thương tâm khi chơi đùa cùng cha mẹ

Những ngày gần đây, cư dân mạng đang xôn xao về vụ việc một bé trai ở Trung Quốc tử vong khi chơi trò chơi tung hứng cùng mẹ.

Được biết, cậu bé rất thích chơi trò chơi này nên đã đòi mẹ chơi cùng mình. Hai mẹ con chơi được vài lần thì người mẹ cảm thấy mỏi tay, muốn dừng lại nhưng cậu bé ham vui, vẫn đòi chơi tiếp. Chiều con nên người mẹ lại gắng gượng, tung con trai lên không trung một lần nữa.

Hậu quả là người mẹ do mệt mỏi không đỡ kịp con, bé đã rơi thẳng xuống đất, tử vong trước khi được cấp cứu.

Tung húng, rung lác trẻ: Tro dua vo tình làm tỏn thuong con
Cháu bé đã tử vong trước khi được cấp cứu.

Trường hợp trẻ tai nạn do chơi trò chơi tung hứng cùng bố mẹ không chỉ xảy ra ở Trung Quốc mà ở Việt Nam cũng đã có trường hợp tương tự.

Tháng 3/2013 đã xảy ra vụ việc một ông bố trẻ bất cẩn trong khi chơi trò tung hứng khiến con gái tuổi bị thương nghiêm trọng. Cháu bé tên là Lưu Ngọc Nhi (sinh vào tháng 5/2012), thời điểm xảy ra vụ việc, cháu Nhi mới được 10 tháng tuổi.

Sáng 21/3/2013, cha của bé là anh H đang chuẩn bị đi làm thì bắt gặp bà ngoại đang bế bé. Vì vừa ngủ dậy nên mặt bé còn buồn, anh H đã tung bé Nhi lên cao, định làm cho bé vui hơn. Trong lúc hai bố con đang chơi đùa, không may bé Nhi đã bị va vào chiếc quạt trần đang quay.

Vụ việc đã khiến bé Nhi bị nứt sọ với chiều dài 12cm, mất máu nhiều và dập não. Rất may mắn là vết thương chưa ảnh hưởng đến não nhưng vì vết chém sâu từ cánh quạt nhiều bụi bẩn đã khiến vết thương của bé có nguy cơ nhiễm trùng cao.

Lời cảnh báo mạnh mẽ cho bậc cha mẹ

Không chỉ thói quen chơi đùa với trẻ nhỏ bằng cách tung trẻ lên cao mới khiến trẻ gặp nguy hiểm mà những hành động tưởng chừng như bình thường của người lớn như đưa võng, rung lắc nôi mạnh,… cũng sẽ khiến trẻ rơi vào Hội chứng trẻ bị lắc, có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn, có trường hợp dẫn đến tử vong.

Hội chứng trẻ bị lắc (Shaken baby syndrome - SBS) là một hội chứng hay gặp, có thể gây tử vong cho trẻ nhỏ nếu bị tổn thương não quá nặng. Bệnh thường gặp nhiều nhất ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt là từ sơ sinh đến 8 tháng.

Trong giai đoạn này, đầu trẻ chiếm khoảng 25% tỉ trọng cơ thể, não bộ vẫn chưa phát triển nhiều, lại nằm trôi nổi trong môi trường dịch não tủy bao bọc xung quanh. Khi bị rung lắc mạnh, nhất là động tác tung hứng, quay vòng tròn hay đưa nôi quá mạnh, khối não sẽ di chuyển theo quán tính vật lý và có thể bị va đập vào hộp xương sọ làm não bị sưng phù, áp lực nội sọ tăng lên và gây tổn thương các mạch máu trong não.

Tung húng, rung lác trẻ: Tro dua vo tình làm tỏn thuong con
Sơ đồ mô tả tổn thương trẻ có thể gặp khi bị rung lắc.

Các tổn thương não sẽ để lại nhiều di chứng thần kinh lâu dài cho trẻ. Tổn thương nhẹ có thể làm cho trẻ chậm phát triển tinh thần, mất khả năng nói năng lưu loát, học tập không tiếp thu được bài vở. Nếu tổn thương nặng có thể gây xuất huyết võng mạc mắt, gây giảm thị lực hoặc mù, điếc, liệt thần kinh, co giật, thậm chí gây tử vong.

Bên cạnh đó, những hành động rung lắc này còn có thể gây ra những tổn thương ở cổ của trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi vì ở độ tuổi này cổ của trẻ vẫn chưa đủ cứng cáp để hỗ trợ đầu một cách hiệu quả.

Những biểu hiện ban đầu thường gặp ở trẻ bị tổn thương não: trẻ thay đổi hành vi; có biểu hiện lờ đờ, không tỉnh táo, ngủ mê mệt; trở nên khó ăn, khó nuốt, dễ nôn không có lý do; khó thở, ngừng thở, co giật; trên người trẻ xuất hiện những thương tổn như da xanh tái, cổ sưng cứng,...

Nếu trẻ có những biểu hiện như trên, nhất là sau khi chịu những hành động rung lắc mạnh, cha mẹ nên nhanh chóng gọi cấp cứu, nhẹ nhàng xoay đầu trẻ sang một bên trong trường hợp bé bị nôn để tránh sặc, nghẹn. Không nên có bất kỳ hành động can thiệp nào khác.

Để tránh những tai nạn do rung lắc đáng tiếc có thể xảy ra cho con em mình, các bậc cha mẹ cần chú ý thay đổi hành vi trong việc chăm sóc trẻ và nhắc nhở nhứng người xung quanh luôn giữ đầu và cổ trẻ nhỏ ở trạng thái ổn định. Đặc biệt cần tránh những động tác xoay chuyển đầu trẻ một cách đột ngột như: rung lắc nôi đối với trẻ nhỏ, không bao giờ bế thốc ngược, không xốc vác trẻ gấp gáp, không tung hứng trẻ khi nô đùa, không tát, đánh vào tai, vào đầu, vào mặt trẻ.

Những lúc quá vui, quá giận, mất bình tĩnh người lớn dễ gây những động tác xốc lắc mạnh tay, vì thế, bậc cha mẹ cần lưu ý kiềm chế và không nên để người đang tức giận bế trẻ.

Khánh Linh (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI