“Tung chưởng” giải quyết ngay tại trận: "Văn hóa lùn" giữa sân bay

22/10/2016 - 06:41

PNO - Cô gái là nhân viên ở sân bay Nội Bài chia sẻ một số hình ảnh chụp những vết xây xát, bầm tím trên cổ và tay mình, kết quả của một vụ bạo hành công cộng.

Cô đã bị hai hành khách nam đánh ngay giữa khu vực sảnh làm thủ tục bay, trước sự chứng kiến của hàng trăm khách đang chờ ở đó. Một người giữ chặt lấy cô, một người vung túi cầm tay đánh mạnh vào đầu vào cổ, khiến cô gái trẻ bị choáng phải nhập viện. Một trong hai người khách đó là cán bộ thanh tra cầu đường, thuộc Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Nhiều phương tiện truyền thông đã chia sẻ đoạn clip ghi lại vụ việc đáng xấu hổ này, và cho rằng nó càng đáng xấu hổ hơn khi xảy ra ngay trước ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Thực ra thì không nên gắn vụ việc này với ngày Phụ nữ, bởi những kẻ vung tay lên đánh phụ nữ một cách tàn bạo thế kia đâu có nhớ đến cái ngày này. Hãy để nó trong bối cảnh thường nhật, giữa một không gian công cộng đông đúc với những chuẩn mực hiện đại, văn minh tiên tiến như ở sân bay, với những chủ thể như là cán bộ thanh tra giao thông, nhân viên hàng không…

“Tung chuong” giai quyet ngay tai tran:
Hai hành khác đánh nhân viên hàng không. Ảnh: Internet

Hãy để mọi thứ thực như thế, trần trụi giữa đời thường như thế, mới thấy hết được mức độ phổ cập của cái gọi là “văn hóa lùn” của một bộ phận những người được cho là có văn hóa, mới thấy được sự xuống cấp trong hành xử, trong ý thức tư cách cá nhân, đã và đang xảy ra từng ngày từng giờ mọi nơi mọi chỗ; mới thấy được phụ nữ cần được bảo vệ, cần được tôn trọng, không chỉ trong ngày Phụ nữ, mà vì họ đang phải làm việc hằng ngày trong môi trường tiềm ẩn sự thô lỗ, bạo lực.

Một vị quan chức ngành giao thông vận tải cho rằng, “xét về tư cách đạo đức cán bộ công chức thì như vậy là không thể chấp nhận được…”. Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam cho biết sẽ xem xét cấm bay đối với hai hành khách này. Cô nhân viên thì hoảng loạn, lo sợ bị trả thù vì nghe nói hành khách đó trong ngành và “quen biết rộng”.

Đoạn clip trên mạng cho thấy một hành khách khác vô tình chứng kiến cảnh quá chướng mắt đã thẳng tay can thiệp, đánh người đàn ông kia ngã xuống sàn. Chuỗi phản ứng này khá thú vị, mỗi người đều cho thấy “chân đế” đạo đức cá nhân và thái độ xã hội của họ.

Vị quan chức xét trước tiên đến cái “tư cách đạo đức cán bộ công chức” cũng là phải lẽ thôi, nhưng nghe cũng ngậm ngùi, tiếc sao không xuất phát từ nền tảng cơ bản là nhân cách con người, một con người lẽ ra là được giáo dục. Trước khi là cán bộ này khác, anh phải đủ tư cách con người đã. Có lẽ vì chuyện nhìn thấy là không thể chấp nhận được, nên một người chứng kiến bình thường đã bức xúc đến mức “tung chưởng” giải quyết ngay tại trận.

Cái lý của đời thường đã được phát biểu qua hành động rất “Lục Vân Tiên” đó, và nhiều người qua mạng xã hội đã biểu lộ sự đồng tình, “sảng khoái” với hành động này, dù vẫn biết đây là một cách phản ứng chưa hẳn đã tích cực.

Vẫn biết không nên đánh giá con người qua hiện tượng, mà phải tìm hiểu bản chất sự việc thấu đáo đã, nhưng trong cuộc sống, có những hành động bộc lộ bản chất quá rõ ràng, đến mức cần đánh giá và can thiệp kịp thời trước khi xảy ra hậu quả tồi tệ hơn.

Trước những gì đã được ghi hình lại, nhiều người đàn ông cho biết mình cũng thấy bị lây nỗi nhục nhã, cũng phải kêu gọi những người khác khi xảy ra chuyện tương tự đừng bàng quan chứng kiến coi như không phải chuyện của mình, hãy can thiệp… Những phản ứng của dư luận đang cho thấy luật cần nghiêm hơn, xử lý những hiện tượng như trên cần chặt chẽ, minh bạch hơn, nếu không muốn xuất hiện ngày càng nhiều những chuyện hành xử côn đồ cùng với những “anh hùng” thay trời hành đạo.

Tội nghiệp cô nhân viên, đau, sợ, nhưng không phản ứng theo kiểu mong pháp luật hay mong cơ quan sẽ nghiêm phạt kẻ đã đánh mình, mà vẫn quanh quẩn trong nỗi sợ hãi bị trả thù tiếp, bị ngược đãi tiếp. Phụ nữ muôn đời vẫn chưa thoát ra khỏi cái nỗi ám ảnh sợ hãi bạo lực, bạo quyền. Dù có được bênh vực kịp thời, và những kẻ gây rối có lẽ cuối cùng cũng chịu một hình thức kỷ luật nào đó, nhưng chắc cô nhân viên kia cũng sẽ trải qua một cú sốc xã hội không nhẹ nhàng gì.

Ngay trong môi trường làm việc quen thuộc của mình, ngay giữa thanh thiên bạch nhật, cô cũng không được đảm bảo an toàn. Hình ảnh ấy có lẽ sẽ gây một tác động rất xấu, không chỉ đối với cộng đồng người Việt, mà còn đối với bạn bè quốc tế.

Tự nhiên, ước gì ngày tiếp theo câu chuyện đáng xấu hổ này đừng phải là ngày 20/10, ngày Phụ nữ Việt Nam.

Bình Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI