Tôi từng gặp nhiều người đàn bà bất hạnh nhưng có lẽ trong cuộc đời mình, người khiến tôi thấy khổ tâm và đau thương nhiều nhất chính là mẹ. Đoạn thời gian tăm tối trong ký ức tuổi thơ, dù muốn cũng chẳng thể mờ phai trong tâm trí dù giờ tôi đã ngoài 30 tuổi. Trong khoảng ký ức buồn đau ấy, điều ám ảnh tôi nhất chính là nỗi đau nghẹn ngào của mẹ, khi một ngày, bố quyết định dứt bỏ tất cả để chạy theo người tình.
Năm ấy, tôi vừa vào cấp hai, anh trai lên lớp chín. Nhà tôi trong làng, mẹ bán đậu hũ nóng ở chợ xã ngoài phố, bố có chiếc xe máy cà tàng cũng phải vay mượn mới mua được để chạy xe ôm. Trước khi biến cố xảy đến, cuộc sống của gia đình tôi vất vả nhưng vui vẻ, bố mẹ hầu như không mấy khi cãi vã, anh em tôi chịu khó học, anh tôi còn học rất giỏi.
Nhưng bố bắt đầu có những buổi tối về rất muộn toàn với lý do chở khách “mối” đi xa. Mẹ tôi vẫn rất tin tưởng chồng. Một ngày, bố về thông báo rằng bố sẽ đi vắng vài ngày liền vì có một ông khách thuê bố chở đi buôn hàng ở huyện khác cả tuần. Bố còn đưa xấp tiền cho mẹ, bảo mẹ mua thức ăn ngon cho anh em tôi. Đó là đoạn cuối cùng trong phần ký ức tuổi thơ hạnh phúc của tôi, bởi chuyến đi ấy của bố kỳ thực là đi theo nhân tình.
|
Tôi và anh trai lớn lên nhờ gánh đậu hũ nóng của mẹ, những năm tháng bố bỏ mẹ con tôi đi mẹ cũng chưa lúc nào ngơi tay làm lụng để nuôi con. Ảnh minh họa |
Người đàn bà ấy là dân buôn chuyến đã bỏ chồng, vài lần nhờ bố chở đi nhận mối hàng rồi tán tỉnh. Cũng tầm tuổi mẹ tôi nhưng có tiền ăn diện nên cô ta trông trẻ trung hơn mẹ tôi cả chục tuổi. Cái tuần bố tôi đi vắng chính là đi chơi xa cùng cô ta, tiền bố đưa cho mẹ cũng là do cô ta dặn bố. Mê bố tôi, cô ta quyết tâm chiếm luôn làm người đàn ông của riêng mình.
Sau chuyến đi ấy về, một mặt cô ta nhờ vài người cùng bán hàng ở chợ rỉ tai “mách” mẹ, một mặt cô ta dẫn bố tôi đi ăn nhà hàng, sắm sửa quần áo giày dép, thậm chí mua hẳn xe máy mới cho ông. Người đàn ông nghèo khổ từ nhỏ, hay người đàn ông tham lam một cách bản năng, khi ấy đã không chống chọi được cám dỗ. Ông về gây sự đánh mẹ khi bị mẹ tôi vặn hỏi chuyện bồ bịch, rồi bỏ đến ở nhà nhân tình ngoài mặt phố một cách công khai.
Mẹ tôi khóc đến gầy rộc người, chuyện bán hàng ở chợ cũng bỏ bê vì chẳng còn tâm trí. Anh tôi thương mẹ nên đã tìm đến tận nhà người đàn bà kia, quỳ xuống xin cô ta để bố tôi quay về, xin bố đừng làm mẹ đau khổ, nhưng vô ích. Ngày đó, ở cái xã nhỏ ấy khi mà người trong làng, ngoài phố đi đâu cũng biết nhau, thì chuyện của bố trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi của tất cả mọi người.
|
Chán cảnh nghèo, bị cám dỗ bởi người đàn bà xinh đẹp và giàu có, bố tôi nhẫn tâm vứt bỏ vợ con để ra đi. Ảnh minh họa |
Khi mẹ tôi gượng dậy được vì thương con, tiếp tục ra chợ buôn bán thì người đàn bà kia giở trò khiêu khích bằng cách bắt bố tôi lấy xe máy chở bà ta đi qua chợ, hai người nắm chặt tay nhau cười nói như “biểu diễn” cho thiên hạ xem hạnh phúc của mình. Tôi và anh trai đến trường bị bạn bè chỉ trỏ, cười cợt đến mức anh tôi đã nổi điên đánh một người bạn học. Năm ấy, anh bị nhà trường kỷ luật và cấm thi tốt nghiệp, phải thi lại vào năm sau.
Từ một cậu học sinh giỏi và ngoan ngoãn, anh tôi trở thành thành phần cá biệt bị phụ huynh cấm con chơi cùng. Gia đình tôi từ một tổ ấm bình thường, phút chốc tan tác. Có lẽ do người đời đàm tiếu quá nhiều, cuối năm ấy người đàn bà kia bán nhà và cùng bố tôi bỏ vào Nam.
Từ ngày bố đi, mẹ ít nói hơn hẳn. Mẹ làm ngày làm đêm đủ mọi việc để lo cho anh em tôi ăn học. Nhưng hết phổ thông, anh tôi quyết định bỏ học theo bạn đi đào vàng trên vùng cao, mẹ tôi khóc hết nước mắt ngăn anh mà không được. Sau một trận sốt rét liệt giường, anh trở về gầy gò, hốc hác, râu tóc tua tủa. Nhìn mẹ và anh, tôi không ngăn được lòng mình oán hận bố.
|
Ngày bố trở về trong bộ dạng thảm hại và bệnh tật, chẳng có tiền trong túi, mẹ vẫn chấp nhận và chăm sóc bố đến ngày cuối của cuộc đời. Ảnh minh họa |
Nhưng chuyện đời khó nói trước, tám năm sau bố tôi đột ngột quay về. Ông chẳng còn dáng vẻ to lớn khỏe mạnh cùng gương mặt dửng dưng ngày bỏ mẹ con tôi ra đi. Chỉ bộ quần áo cũ trên người và chiếc ba lô nhỏ với dăm bộ quần áo, ông về quỳ xin mẹ tôi cho “ở nhờ”, vì ông không tiền, không còn chỗ nào để đi, và quan trọng nhất: ông đang bị bệnh nan y, chẳng ai chăm sóc. Tôi cứ nghĩ mẹ sẽ từ chối, thậm chí sẽ thốt lên “Đáng đời!”, nhưng mẹ đã không làm vậy. Mẹ chẳng nói gì, chỉ bảo tôi dọn cho bố một chỗ nghỉ ngơi.
Bố về một thời gian ngắn thì tôi cũng nối bước anh trai lập gia đình, vợ chồng anh đi làm công nhân tận Bình Dương, tôi thì về quê chồng ở, nhà chỉ còn mẹ và bố. Chúng tôi động viên mẹ nghỉ việc chợ búa vì mẹ đã cực nhọc cả đời, anh em tôi hàng tháng sẽ gửi tiền về cho mẹ chi tiêu, nhưng mẹ nhất định không nhận. Mỗi ngày, mẹ dậy lo cơm nước và sắc thuốc cho bố từ sớm, rồi đi chợ đến quá trưa. Buổi chiều, mẹ tắm gội cho bố, bóp tay bóp chân, rồi dẫn bố đi quanh làng cho khuây khỏa.
Bố yếu dần, sau này bố chẳng đi lại được nữa, mẹ vẫn lặng lẽ chăm nom đến phút cuối cùng. Mỗi lần tôi về thăm nhà, bố đều nắm tay tôi khóc, dặn tôi sau này bố mất rồi phải cố gắng về thăm mẹ thường xuyên. Từ ngày bố trở về, tôi chưa từng thấy mẹ chì chiết bố dù chỉ một câu. Trái tim chẳng hề chứa đựng oán trách hay hận thù của mẹ, bao năm qua vẫn khiến tôi xúc động nhói lòng mỗi khi nghĩ tới.
T.M.