Ngày 14/12, nhiều báo đồng loạt đưa tin: “Từ năm 2021, tiền lương của chồng sẽ chuyển thẳng vào tài khoản của vợ”. Một cơn bão thổi lên những bất mãn, lo lắng, bực bội, buồn phiền…
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh
Có lần, trong khi đi tìm kiếm một gia đình hạnh phúc trẻ để viết gương điển hình cho báo, tôi gặp một trường hợp cực hiếm, có lẽ mấy chục năm theo mảng “Hôn nhân gia đình”, tôi mới gặp lần đầu. Vợ chồng anh chị còn khá trẻ và đều cùng ngành marketing. Điều đặc biệt của họ khiến tôi phải bất ngờ là trong gia đình trẻ ấy, việc quản lý chi tiêu là của anh chồng. Lương bổng của cô vợ hằng tháng đều được “bàn giao” hết cho chồng.
|
Ảnh minh họa |
Cô cười giòn: em chả phải lo gì hết. Khỏe re! Mọi thứ chi tiêu trong nhà anh ấy lo. Bên cạnh công việc cơ quan, hình như anh dành gần hết sức lực cho gia đình. Kể chuyện về chồng, người vợ nói: từ hồi sinh viên, anh ấy đã rất biết cách tính toán, thu xếp, chi tiêu.
Cùng được cha mẹ chu cấp tiền mà tháng nào em cũng hết veo ngay từ giữa tháng, còn anh ấy biết phân ra khoản này khoản kia, biết để dành cho lúc ốm đau, cho những dịp cưới hỏi, sinh nhật bạn bè… Em đã giao tiền của mình cho anh ấy quản từ hồi đó. Và em hoàn toàn tin tưởng anh ấy.
Trường hợp của đôi vợ chồng trẻ này, khá hiếm. Đại đa phần phụ nữ Việt Nam thích được thâu tóm mọi khoản thu nhập của chồng, dĩ nhiên cũng chỉ để xoay xở lo lắng cho gia đình, con cái, và cho chính các ông chồng. Đàn ông Việt Nam hay nhậu nhẹt, hay cà phê cà pháo sau giờ làm việc. Mỗi lần cao hứng thì chuyện dốc bạc triệu vào các độ chơi bời là chuyện thường.
Trong khi đó, mặt bằng thu nhập của cán bộ viên chức chưa cao. Nên sự lạm chi nào cũng ảnh hưởng lớn đến đời sống gia đình. Các bà lo và muốn thâu tóm là phải. Tất cả bắt nguồn từ những hiện thực khó khăn của thời bao cấp cho đến bây giờ, là một nền nếp mà thế hệ sau này vẫn muốn giữ.
Tuy vậy trong cuộc sống hôm nay, có vẻ như phổ biến nhất và được nhiều gia đình trẻ chọn lựa nhất chính là cách phân chia trách nhiệm cho nhau giữa vợ chồng. Chồng lo chuyện học hành của con cái, mua sắm những thứ quan trọng cho gia đình. Vợ lo chợ búa, cơm nước, chi tiêu những chuyện đời sống. Họ cũng có thể bỏ chung vào một quỹ được quy định trước. Còn thì thu nhập của người này là bí mật với người kia, không ai tò mò, thắc mắc.
Nhiều lựa chọn, sao vẫn lắm nỗi niềm
Có câu chuyện người chồng kia kể khi ra tòa, khiến thẩm phán chỉ biết thở dài. Người chồng kể rằng, ngay từ ngày yêu nhau, anh đã cưng chiều vợ, đi đâu, làm gì cũng giành phần chi trả. Kết hôn rồi, vợ anh vẫn dửng dưng với mọi nghĩa vụ kinh tế của gia đình, cô đi làm để chi tiêu cho những thú vui của mình, còn mọi khoản trong nhà cô để chồng gánh vác hết.
|
Ảnh minh họa |
Đến khi bất ngờ anh thất nghiệp, tai họa bắt đầu ụp xuống gia đình. Tiền làm những công việc thời vụ không đủ để anh lo hết mọi việc, vợ anh bắt đầu bẳn gắt. Cô chê bai anh là loại đàn ông vô dụng. Tổ ấm của họ rạn nứt mau chóng.
Trong khi đó Hoàng Hưng và Thiên Lý khi cưới nhau cũng đã có thỏa thuận rằng, Lý sẽ rút bớt công việc lại, ở nhà phụ với cha mẹ chồng trông coi tiệm tạp hóa và kinh doanh trên mạng, có thời gian chăm sóc con cái, nhà cửa. Chồng cô sẽ lo việc kinh tế.
Tưởng thế là được lo lắng, bảo bọc, nhưng chồng cô ngày càng trở thành một kẻ bóc lột thậm tệ. Bao nhiêu tiền Lý làm ra anh ta đều thu hết, với lý do lo chuyện nhà, chỉ để lại cho cô vài trăm ngàn một tháng. Ngay cả những thứ cô lấy ra dùng từ cửa hàng của cha mẹ chồng cũng bị tính cả vốn lẫn lời. Gạo đong, tiền đếm, Lý hết sức khổ sở chật vật mà không biết kêu than với ai.
Chồng cô ngày càng khinh rẻ cô ra mặt vì biết cô là người phụ thuộc, không có khả năng thoát ra để sống độc lập. Nhớ lời mẹ dặn khi đi lấy chồng: tiền là máu để sống, đừng bao giờ để bị phụ thuộc hay mất quyền tự chủ với đồng tiền mình làm ra, cô chỉ biết khóc thầm.
Chẳng có công thức nào chung
Người ta cứ nói ở nước ngoài tiền bạc trong các gia đình rạch ròi, công bằng và ít vấn đề hơn. Chẳng phải như vậy. Một cuộc khảo sát ở Mỹ với 2.000 người tham gia về các vấn đề liên quan tới những rắc rối trong gia đình đã chỉ ra, 30% người nhận thấy tài chính là vấn đề dễ gây căng thẳng nhất trong mối quan hệ. 91% người Mỹ tìm ra được rất nhiều lý do chính đáng để tránh đề cập tới tiền bạc. Tuy nhiên, 43% cặp đôi thảo luận tài chính trước khi kết hôn và 12% không bao giờ nói về điều này với người bạn đời của mình.
Những nhà nghiên cứu cho hay, hầu hết các cặp đôi cùng nhau chi trả hóa đơn thanh toán hằng tháng, 66% cùng chia sẻ chi tiêu trong gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có 34% phân chia hóa đơn của họ mỗi tháng. 40% tin rằng nửa kia của mình chi tiêu nhiều thứ ở bên ngoài hơn trong gia đình và cũng tương tự như vậy, 40% khẳng định bản thân họ siêng năng hơn đối phương trong việc kiếm tiền và thiết lập ngân quỹ.
Hơn một nửa số người tham gia cuộc khảo sát (56%) cảm thấy họ đã tính toán sai về tài chính trong mối quan hệ của mình. 50% nói rằng họ sẽ quản lý lại tài chính của mình nếu thời gian quay ngược lại.
Và như thế, có thể nói rằng chuyện tài chính chẳng hề đơn giản. Bởi đời sống gia đình vẫn luôn có những biến động bất ngờ cần đến sự tin tưởng, thông cảm, gánh vác, sẻ chia.
Các bà vợ đang reo hò vui mừng với chuyện có thể kiểm tra tài khoản của chồng (dù nỗi mừng đó chắc chắn là mừng hụt vì họ đọc bài báo không kỹ) và nỗi tức giận của các ông chồng (cũng là lo hão chứ thực sự chưa ai bắt mấy ông phải giao nộp tài khoản cho vợ) thì đó là do họ chưa chạm được hết vào mọi vấn đề của tiền bạc, chưa biết cách giải quyết cốt lõi việc cùng chung vai gánh vác kinh tế gia đình. Tinh thần trách nhiệm mới là tài khoản cần phải được bảo đảm nhất trong gia đình.
Song Văn