Tủi thân vì bị COVID, mà chồng còn càu nhàu khó chịu vì phải chăm bệnh

07/03/2022 - 11:25

PNO - Ai rồi cũng có lúc ốm đau, bệnh tật. Vợ chồng rồi sẽ có lúc phải nương tựa vào nhau, chứ không thể chỉ một chiều chăm sóc từ một người.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Dù đã hết sức giữ gìn, cuối cùng em cũng bị dính COVID. Em có cửa hàng riêng, hết dịch chưa được bao lâu, làm ăn chưa kéo lại được chút tiền nào thì bị bệnh. Thế là phải ở nhà. Lo lắng, sợ hãi đã đành, mà điều khiến em lo nhất là chuyện chồng em phải chăm sóc, phục vụ em.

Anh ấy là con trai một, được mẹ chiều quen rồi. Khi tụi em kết hôn, mẹ chồng em cũng nói trước với em là chịu được thì chịu, chứ anh không biết làm gì đâu. Em nghe cũng hơi hoảng, nhưng lỡ rồi, nghĩ rằng khi còn nhỏ thì mới như vậy, chứ có gia đình rồi sẽ phải thay đổi. Ai dè, anh ấy hình như còn tệ hơn hồi còn ở với mẹ.

Lúc đầu chỉ có hai vợ chồng, sau đó có em bé, mọi việc cũng không quá nặng nề, em còn chịu được. Nhất là mẹ chồng em rất dễ thương. Hình như biết rằng em sẽ phài vất vả chiều con bà, nên bà thường xuyên tìm mọi cách giúp đỡ em. Cơm chiều của cả nhà bà lo hết, bà  còn mang đồ ăn sang tận nhà cho chúng em, hoặc gọi tụi em về ăn cơm cùng. 

Tuy nhiên, khi em dính bệnh, cả nhà không cho mẹ chồng em qua nữa vì sợ bà bị lây, do tuổi bà cũng đã cao, lại có bệnh nền. Chồng em lần đầu tiên bị buộc phải chăm sóc người khác, mà lại là người bệnh, nên điều này trở thành vấn đề lớn với anh ấy. 

Biết chồng như vậy nên em chấp nhận tất cả những gì anh có thể làm cho em ăn, không dám đòi hỏi, than vãn gì. Dù có khi anh cho em đúng một trái bắp hay một củ khoai ăn sáng. Ăn trưa hễ có canh thì không có món mặn, hễ có món mặn thì không canh. Và cơm thì đa phần nhão nhoẹt hay khô rang. 

Thế nhưng, điều đáng nói là thái độ cực kỳ khó chịu của anh khi phài chăm sóc em. Chẳng hiểu sao, khác với mọi người, em thèm ăn liên tục và lúc nào cũng thấy đói. Anh không thấy thế làm mừng, còn càu nhàu: "Ốm gì mà kỳ vậy, ăn gấp ba người thường". Hay có lúc anh con hỏi em: "Tính ốm bao nhiêu ngày để anh còn tính chuyện công việc...?"

Anh làm em tủi thân lắm chị. Mà điều quan trọng là em cứ lẩn thẩn nghĩ: Còn trẻ, còn sức chăm nhau, bệnh cũng không ghê gớm gì ... mà đã thế này. Mai mốt già lỡ có nằm liệt giường liệt chiếu, không biết có nhờ được nhau hay không?

Hay là ly dị quách hả chị? Còn có cơ hội kiếm một người thật lòng yêu thương, quan tâm, chăm sóc mình "dù đói hay no, khỏe mạnh hay ốm đau"?

Mỹ Xuyên 

Mỹ Xuyên thân mến, 

Ông bà ta có câu rất hay "Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo". Em đã một lần được mẹ chồng cảnh báo trước về "cơn sóng cả" này, về tính khí, cách sống và thói quen được nâng niu chiều chuộng của chồng em. Thế nhưng em đã không "ngã tay chèo" khi đó, mà còn đặt lòng tin vào việc "gia đình sẽ giúp cải tạo anh ấy" cơ mà.

Việc "cải tạo" một ai đó không thể thành công nếu hoàn cảnh không thay đổi, không có ai hay điều gì tác động vào người ấy. Thay vì giúp anh ấy hiểu rằng giờ đây mình là chồng, là cha, mình có nghĩa vụ trách nhiệm phải chăm sóc lo lắng cho mọi người, thì em và cả mẹ chồng tiếp tục chiều chuộng, chăm sóc anh ấy như một con trai quý.

Thế thì tại sao anh ấy đâu việc gì phải thay đổi khi mọi việc đang thuận lợi đến thế? Cho nên, anh ấy như vậy đầu tiên là do mẹ anh ấy, sau đó là em "tiếp tay" đấy.

Trận ốm này giúp em nhìn thấy tương lai, nếu em và mẹ chồng không tích cực đào tạo, huấn luyện lại chồng. Nhìn thấy nó để mà cố thay đổi nó, chứ không phải là để nản chí sớm vậy, khi chưa thử làm điều gì tích cực hơn, nhe em. Trước khi nghĩ đến chuyện "quăng chèo" luôn, hãy thử cố gắng "cải tạo" anh ấy.

Hãy thẳng thắn nói cho anh ấy biết những cảm xúc của em khi đang bệnh mà còn bị trách móc, cằn nhằn, đối xử tệ bạc. Một cách xoa dịu, có thể nói cho anh ấy biết em không quy lỗi hoàn toàn cho anh ấy, mà phần lỗi trước tiên thuộc về mẹ và em, đã cưng chiều anh ấy quá nhiều.

Em hãy nói với anh ấy, ai rồi cũng có lúc ốm đau, bệnh tật. Và sống trên đời, nhất là trong một gia đình, vợ chồng rồi sẽ có lúc phải nương tựa vào nhau, chăm sóc nhau, chứ không thể chỉ một chiều lo lắng quan tâm từ một người.

Nếu anh ấy hiểu ra và đồng ý thay đổi, thực tâm muốn học, thì em và mẹ hãy huấn luyện anh ấy từ những việc nhỏ nhất, như nấu một bữa ăn đến việc chăm sóc người khác, chăm sóc vợ con.

Trong khi làm việc đó, em và mẹ phải hết sức kiên trì, nhẫn nại, luôn để cho anh ấy biết rằng mọi người ghi nhận và vui với những cố gắng của anh. Hàng mấy chục năm là con trai cưng, giờ không dễ có thể thay đổi một sớm một chiều đâu em.

Còn nếu anh ấy không chịu thay đổi thì quyền quyết định thay đổi số phận của mình thuộc về em. Thậm chí càng sớm càng tốt!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI