Tủi phận thu nhập nghệ sĩ công lập

09/11/2018 - 10:29

PNO - Nghệ sĩ công lập được hưởng lương và chế độ theo quy định, nhưng thực tế thu nhập cơ bản của họ có lẽ còn thấp hơn cả… lương công nhân.

Khi thù lao của sao showbiz Việt cao ngất ngưởng thì mức bồi dưỡng cao nhất dành cho diễn viên chính, nhạc công chính... chỉ 200.000 đồng/suất diễn - chuyện tưởng như đùa lại có thật ở các đơn vị nghệ thuật công lập hiện nay.

Đây là thù lao theo Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg về Chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Khi quyết định này ban hành, từng có nhiều ý kiến về sự chênh lệch “khủng” giữa mức thù lao theo quy định và thù lao “ngoài quy định”. 

Tui phan thu nhap nghe si cong lap
Nếu không có những đổi thay tích cực trong quy định lương bổng, e chừng nghệ thuật công lập sẽ không còn giữ chân được những người tài. 

Đúng là nghệ sĩ công lập được hưởng lương và chế độ theo quy định, nhưng thực tế thu nhập cơ bản của họ có lẽ còn thấp hơn cả… lương công nhân. Thậm chí, lương của một NSƯT, hoạt động nghệ thuật gần 30 năm, biên chế chính thức tại đơn vị nghệ thuật 14 năm cũng chỉ vỏn vẹn 4,5 triệu đồng/tháng.

Và họ cũng khó trông chờ nhiều vào tiền bồi dưỡng tập luyện vì mức bồi dưỡng tập luyện theo quyết định trên, cao nhất cũng chỉ 80.000 đồng/buổi tập. Mỗi năm trung bình một đơn vị có khoảng 2-3 đợt tập luyện, mỗi đợt khoảng một tháng. Chưa kể, có những chương trình do mức đầu tư khiêm tốn, phần kinh phí phải dồn cho cảnh trí, phục trang, đạo diễn, tác giả… nên từng có chuyện diễn viên được lĩnh 600.000 đồng sau khoảng một tháng tập luyện! 

Trong khi đó, khi bước ra ngoài công lập, chỉ cần ca một bài, diễn một trích đoạn ngắn, cát-sê thấp nhất đã có thể gấp rưỡi, gấp đôi một tháng lương cơ bản. Tủi phận khi nhìn cát-sê của những đồng nghiệp hoạt động tự do đã đành, nghệ sĩ, diễn viên công lập còn bùi ngùi hơn khi so sánh thu nhập của mình với thu nhập của các thành phần sáng tạo khác. 

Hiện nay nhiều địa phương đã có quy định riêng để điều chỉnh cát-sê nghệ sĩ, diễn viên công lập và các thành phần sáng tạo phù hợp hơn với thực tế. Đơn cử, ở đoàn cải lương Tây Đô, mức bồi dưỡng của NSƯT là 800.000 đồng/suất diễn, huy chương vàng  600.000 đồng/suất diễn… Một số đơn vị trả thù lao cho tác giả, đạo diễn theo thỏa thuận, dựa trên ngân sách được cấp.

Đây là những nỗ lực đáng ghi nhận, giúp nghệ sĩ bớt âu lo gánh nặng cơm áo gạo tiền để tập trung cho nghệ thuật. Nhưng so với mặt bằng cát-sê chung của các nghệ sĩ ngoài công lập, đặc biệt những nghệ sĩ trong lĩnh vực giải trí, có thu nhập khủng, đây vẫn là những con số quá khiêm tốn. Nếu không có những đổi thay tích cực trong quy định lương bổng, thu nhập cho nghệ sĩ thuộc các đơn vị công lập, e chừng nghệ thuật công lập sẽ không còn giữ chân được những người tài.  

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI