"Tụi nó lên thành phố hết rồi”

05/02/2025 - 20:34

PNO - Cô là con một, lại đi lấy chồng xa. Ba cô đứng trước hiên nhà, dõi theo bóng dáng chiếc xe khuất dần…

Vân Nhi (quê Đắk Lắk) kể, năm nào cũng vậy, vào mỗi tháng Chạp là hầu như ngày nào má cũng gọi, hỏi chừng nào về quê ăn tết, cô và con về rồi, má lại hỏi, con ở được mấy ngày, ráng ở lâu lâu.

Ngóng chờ, đếm từng ngày đợi con về, ra Giêng má chị lại đếm từng ngày, mong thời gian trôi thật chậm, rồi bịn rịn tiễn con đi. Lần nào Nhi trở lại Sài Gòn, má cô cũng đóng cho con gái và cháu ngoại 1 thùng đầy toàn thịt cá rau củ, bánh tét củ kiệu, vì sợ đồ trên thành phố không ngon, và sợ Nhi tốn tiền.

Nhi kể, hồi còn nhỏ, thấy ba má trồng vất vả quanh năm làm nông mà không giàu nổi, Nhi quyết tâm phải đi học đại học và ở lại thành phố làm việc. Ngày cô tốt nghiệp và nói sẽ ở Sài Gòn đi làm, má cô khóc như mưa, nhưng vì mưu sinh của con cái, bà đành chấp nhận. Nhi lấy chồng, sinh con, rồi chồng mất, cô nhiều lần định về quê, nhưng không tìm được việc mà núm níu ở lại thành phố.

Câu nói của má mà Nhi ám ảnh và xúc động nhất vẫn là khi mẹ con cô lên xe đò về thành phố, có mấy người hàng xóm hay qua chơi trong lúc chờ xe, má cô rơm rớm: "Tụi nó lên thành phố hết rồi".

Bao nhiêu năm nay, mỗi lần Nhi về quê ăn tết rồi trở lại Sàđi thậi Gòn, má cô đều bịn rịn đưa tiễn và đứng thật lâu, chờ xe
Má bịn rịn đưa tiễn và đứng thật lâu, chờ xe đi khuất, bà mới quay vô nhà (ảnh tác giả cung cấp)

Năm nào cũng vậy, khoảng mùng Bốn, mùng Năm tết là Hoài Phương (quê Cam Ranh) trở lại thành phố, dù chưa phải đi làm ngay. Theo cô thì, vô thành phố sớm để tránh kẹt xe đông đúc vào những ngày cao điểm.

Lần nào Phương đi, mẹ cô cũng nước mắt ngắn dài, bà nói: "Nhanh quá, chưa chi đã đi rồi, không ở lại thêm hả con?". Vừa phụ con xếp đồ, bà vừa dặn dò đủ thứ. Bà cũng không quên gói ghém cho con nào bánh chưng bánh tét, thịt kho, cá khô, chà bông vì thương con phải trở lại thành phố sớm.

Trước khi Phương rời đi, mẹ cô nhắc kiểm tra giấy tờ tùy thân, giấy tờ xe, chìa khóa phòng trọ, đồ dùng cá nhân, xem còn quên gì không, khiến cô rớt nước mắt. Mẹ còn hỏi Phương, có thiếu tiền không, miệng thì hỏi, còn tay thì nhét vào túi áo cô mấy tờ 500.000 đồng.

Lần nào vào tới Sài Gòn Phương cũng khóc vì nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhất là lúc ngồi soạn cả thùng đồ ăn mà mẹ cặm gụi gói ghém cho mang đi.

Năm nay, gia đình chị Thanh Tâm - anh Minh Lộc anh tết ở La Gi (Bình Thuận) - quê ngoại - vì năm ngoái đã ăn tết nhà nội ở Sài Gòn.

Chiều 28 tết, thấy con gái, con rể và cháu ngoại về, má chị Tâm mừng rỡ chạy ra đón. Chưa kịp vào nhà, bà đã hỏi: "Về rồi chừng nào đi lại?" khiến cô nghe mà muốn khóc. Vừa đoàn tụ, má đã lo đến lúc chia tay.

Có Tâm về, nhà cửa vui vẻ náo nhiệt hẳn. Má và cô dọn dẹp nhà cửa, quét tước từ trước ra sau rồi cùng nhau đi chợ tết và nấu nướng suốt. Chồng Tâm và ba gói bánh tét, 2 đứa con Tâm ngồi coi ông ngoại và ba gói bánh. Ba Tâm gói mấy đòn bánh nhỏ xíu cho 2 đứa cháu, 2 đứa cười toe, nhà cửa rộn ràng tiếng nói cười.

Má Tâm cứ mong vợ chồng cô ở lại ăn tết thật lâu. Nấn ná mãi rồi sáng mùng Bảy cả nhà Tâm cũng phải trở lại Sài Gòn. Má gói cho cô đủ rau trái trong vườn, rồi thịt heo thịt gà, trứng gà nhà đẻ.

Xe chuẩn bị chạy, má nói: "Tụi con đi rồi, nhà buồn lắm, có ai đâu". Tâm thấy mắt mình cay. Cô là con một, lại đi lấy chồng xa. Ba cô đứng trước hiên nhà, dõi theo bóng dáng chiếc xe khuất dần. Vợ chồng con gái đi rồi, ông bà lại trở về với cuộc sống thường ngày, và mong đến tết năm sau.

Thanh Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI