Tủi buồn ngày xưa, dặn lòng xếp lại…

21/02/2017 - 14:15

PNO - Nhiều lúc tủi thân, chị nói mình không phải con ruột của má nên má không thương. Chị cố gắng làm đứa con ngoan, nhưng với má, trước sau chị vẫn là đứa hậu đậu.

Sắp tới giờ chị đón xe trở lại Sài Gòn, má kêu mấy đứa cháu làm thịt hai con gà để chị mang theo. Cam và bưởi má đã hái sẵn từ trưa, có cả bọc đọt lang xanh mướt, cà tím loại trái tròn luộc lên ngọt lừ, thứ chị thích nhất. Nhìn má lui cui xếp mấy thứ rau trái vô giỏ, chị chợt thấy tủi, phải chi từ nhỏ tới lớn, má chu đáo và dịu dàng với chị như bây giờ.

Tui buon ngay xua, dan long xep lai…
 

Má và chị vốn chẳng hợp nhau. Từ nhỏ tới lớn, chị Hai ngoan hiền, tằn tiện bao nhiêu thì chị lanh chanh và tiêu xài hoang phí bấy nhiêu. Nghỉ hè, chị Hai chăm chỉ hái rau, rọc lá chuối mang ra chợ bán, dành tiền đóng học phí. Chị thì dẫu má có đánh đòn cũng nhất định không chịu ra chợ nhặt mấy đồng bạc lẻ. Tiền má phát hàng tháng, chị Hai tiện tặn dư ra để sắm quần áo. Chị hứng lên, bao bạn bè vài chầu bún riêu, kem, chè là cạn túi. Lần nào chị xin tiền má, cũng bị chửi te tua, má còn lấy chị Hai ra làm gương. Nhiều lúc tủi thân, chị nói mình không phải con ruột của má nên má không thương. Chị cố gắng làm đứa con ngoan, nhưng với má, trước sau chị vẫn là đứa hậu đậu, không biết thương cha mẹ, không bằng một góc chị Hai…

Hai chị em ra trường, may mắn đều có việc làm tốt, lương cao. Bản tính tiêu xài rộng rãi của chị vẫn y nguyên. Có tiền, chị sắm cho má và các em quần áo, giày dép, cả ti vi, tủ lạnh, máy giặt… Tết năm đó, chị làm má mừng tới rơm rớm nước mắt với món quà là đôi bông tai, dây chuyền và chiếc vòng đắt tiền, những thứ mà một bà mẹ quê lam lũ như má chưa bao giờ dám mơ tới. Nhà có đám hay lễ tết, chị mang về lủ khủ mấy thùng dầu ăn, bột ngọt, nước mắm; cả giò chả, bánh mứt và trái cây.

Chị Hai khỏe re, chỉ về tay không vì “thứ gì con Trang cũng giành mua, con đâu biết mua gì”. Bản tính ki cóp của chị Hai tới giờ vẫn y nguyên, nên mỗi khi nhà có việc, má chỉ điện nhờ chị. Chị chăm chút mọi thứ cho má là để bù đắp những ngày cực khổ thiếu thốn, nhưng tận cõi lòng, chị muốn được má thương, được nghe má trò chuyện với chị ngọt ngào dịu dàng như má từng cư xử với chị Hai.

Một năm nay má hay đau vặt. Sau lần bị tai biến nhẹ, má lại mắc thêm bệnh gai cột sống, huyết áp cao. Chị rước má lên Sài Gòn để tiện chữa trị. Thỉnh thoảng chị Hai lên thăm, ngủ với má một hai đêm rồi về, dặn chị “mày ráng lo cho má. Tao nuôi hai đứa nhỏ ăn học tốn kém lắm”. Chị cũng có “hai đứa nhỏ” đang đi học, nhưng chị không tính toán.

Chị không tiếc gì với má, nhưng thỉnh thoảng vẫn buột miệng: “Chẳng phải ngày xưa má nói con là đồ phá của, ăn hại, chỉ chị Hai mới được nhờ. Sao giờ má không nhờ chị Hai?”. Má cúi mặt không trả lời. Chị len lén hả hê nhưng cũng tự trách mình sao nỡ nhẫn tâm nặng nhẹ với má.

Từ ngày sinh bé Nhím và Sóc, chị mới hiểu không phải lúc nào chị cũng cư xử công bằng với hai con. Đứa ngoan, chị ít la rầy, ít cực với nó. Đứa nghịch ngợm, dĩ nhiên phải để mắt tới nó mọi lúc mọi nơi, la rầy và phạt đòn cũng nhiều hơn. Bữa bé Sóc vừa úp mặt vô tường vừa thút thít: “Tối ngày không thấy mẹ phạt chị Hai, chỉ phạt con. Mẹ không thương con”. Tim chị nhói đau. Nhìn con, chị thấy lại hình ảnh tủi buồn của mình lúc nhỏ. Chị hiểu ra, năm xưa, chắc má cực và khổ tâm vì chị nhiều.

Má con, có kiếp này không có kiếp sau, má cũng không còn vui vầy với chị được bao lâu khi tuổi đã xế chiều. Tủi buồn ngày xưa, chị dặn lòng xếp lại để một lòng thương má, cho má cảm giác ấm áp của tình mẹ con, thứ chị từng thiếu hụt và khao khát từ ngày thơ bé và hẳn má cũng đang mong mỏi ở chị lúc này.

Thùy Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI