Trên một diễn đàn tâm sự chuyện thầm kín, một tài khoản mới đăng đàn ý kiến: ngày xưa các mẹ cưới, bố mẹ có "thách cưới" đằng nhà trai không?
Câu chuyện tưởng như xưa cũ nhưng ngược lại, luôn là đề tài "mới và nóng" hiện nay. Hàng trăm comment của các chị em vào, chia sẻ chuyện cá nhân có liên quan đến vấn đề này.
Một luồng ý kiến đưa ra quan điểm cho rằng, tục thách cưới thể hiện "giá trị" của người con gái. Bố mẹ đằng nhà gái càng ý thức con gái mình danh giá, càng tỉ lệ thuận với việc "thách cưới" nhà trai cao.
|
Không một cô dâu nào trong ngày trọng đại của đời mình lại không muốn được "đánh giá" cao. Và ở đây cách thức thể hiện cụ thể nhất là lễ vật của nhà trai mang đến trong ngày cưới. Nguồn Internet |
Ý kiến của bạn chủ Top đăng đàn đưa ra vấn đề gây bàn luận kia "riêng trường hợp nhà mình thì không thách cưới mà tùy nhà trai bỏ lễ thôi". Tuy nhiên, bạn có chứng kiến trực tiếp câu chuyện: nhà gái thách cưới, ví dụ "người làng" sẽ là 10 triệu, còn "người ngoài" đến làng đó hỏi vợ, sẽ "bị thách" cao hơn (vẫn có kiểu bế quan tỏa cảng, ưu tiên người trong "ao ta" hơn các bạn nhỉ). Kiểu như nhà gái mặc định, người thành phố có điều kiện cao hơn thì sẽ "bị" thách cưới nhiều hơn.
Luồng ý kiến tán thành với quan điểm trên, cho rằng thời đại ngày nay, nhà gái đưa ra mức "thách cưới"10 triệu vẫn là nhẹ nhàng. Tài khoản Hoàng Huế chia sẻ "mức 10 triệu là bình thường mà. Mình cưới đã được 5 năm. Thời điểm mình cưới, nhà trai đã đưa ra 30 triệu, vì đó là giá chung. Nhà mình ở thành phố nhé. Đứa em chồng mới cưới 2 năm (ở quê) còn được 40 triệu. Nói chung tùy hoàn cảnh nhà trai nữa".
Ủng hộ tục lệ thách cưới, tài khoản Yến Oanh bày tỏ "nhập gia tùy tục. Tục lệ của họ vậy rồi, cứ theo lệ mà làm. Cảm thấy không theo nổi thì từ từ hãy cưới. Tiền bạc không quan trọng, nhưng tục lệ đã như vậy rồi, "phép vua còn thua lệ làng" cơ mà.
Đó còn là sĩ diện của nhà gái nữa, họ không đòi cao hơn tục lệ là tốt lắm rồi. Chứ ai biết về sau sống với nhau thế nào? Nói chuyện tương lai vô cùng lắm. Chỉ biết cái trước mắt đây không lo nổi, thì ai dám nói hay chuyện sau này? Hiện tại việc thách cưới cũng là vấn đề đối ngoại đấy thôi. Tiền thách cưới, bố mẹ cũng cho con cái cả, có thiệt đi đằng nào. Cả đời người ta có mỗi cái lễ cưới, nên làm cho đàng hoàng tử tế".
Liên quan đến vấn đề này, tài khoản Hồng Cúc chia sẻ "các mẹ cứ nói quan trọng là về ở với nhau như thế nào. Những nơi không có tục thách cưới thì không nói làm gì. Cũng không nên đánh đồng 10 triệu, 20 triệu hay 100 triệu là giá trị bản thân được. Mình không đòi hỏi tiền thách cưới, cái đó tùy tâm nhà trai. Nhưng nếu có được thì vẫn là tốt hơn.
|
Ảnh minh họa |
Bố mẹ mình sẽ mát mặt với bà con chòm xóm, bản thân cô dâu trong ngày cưới cũng thấy thêm ấm lòng. Còn không thì khác nào theo không người ta, trừ khi nhà trai nghèo khổ quá thì đành phải chấp nhận số phận vậy thôi".
Bạn Miuchu thì chia sẻ hoàn cảnh thực tế gia đình "quê tớ thì không thách cưới gì đâu. Tùy nhà trai đưa bao nhiêu thì lấy. Lúc tớ cưới, nhà trai chỉ đưa 5 triệu thôi. Cũng may là chỉ chừng ấy, chứ càng nhiều thì sau hai vợ chồng lấy nhau, "kéo cày trả nợ" cũng lại là "lấy mỡ nó rán nó" mà thôi".
Cũng liên quan đến vấn đề "thách cưới", tài khoản Nguyen Hang cay đắng chia sẻ "nhắc lại chuyện này tớ thấy tủi quá cơ. Trước khi cưới bố mẹ tớ bảo tùy nhà trai. Vậy mà khi mở phong bì ra 2 tờ 20K, 1 tờ 10K nữa, tổng cộng là 50K. Tớ muốn bỏ ngay và luôn, nghĩ sao mình bị đánh giá rẻ mạt vậy.
Trong khi đó, tục lệ ở quê tớ, chăn ga gối đệm nhà gái phải tự sắm và mang sang nhà trai. Không phải thực hiện bài toán kinh tế ở đây, nhưng nghĩ lại vẫn "cay" và ôm cục tức ở cổ. Cũng may ông xã yêu thương và động viên vợ nhiều, nên "gỡ gạc" lại được sự úi xùi này".
Đứng ở quan điểm trung gian, tài khoản Trang Nguyen bày tỏ "thương con non của" là thế. Thách cưới nhiều, về con mình ngoan ngoãn, ăn ở tốt nết với nhà chồng không sao. Chứ nhà gái nghĩ con mình "cao giá" thách cưới nhiều vào, đến khi về nhà chồng, cô vợ mới cưới chẳng ra làm sao, tự làm bố mẹ đẻ "bẽ mặt" vì trước đó đi "nói thách".
Không ủng hộ quan điểm "thách cưới", tài khoản Phong Lan thẳng thắn "bố mẹ nuôi ăn học vừa ra trường đi làm chưa lâu đã cưới xin, nếu hai gai đình giàu có, ok. Thách bao nhiêu cũng không thành vấn đề, mà kể cả bên nhà gái họ nuôi con bao nhiêu năm chả tính được nữa là vài đồng thách cưới.
|
Nàng dâu ăn ở tốt nết, hiếu thuận với bố mẹ chồng vẫn là cái đích cuối cùng, cho dù trước đó trong đám cưới có hiện hữu tục "thách cưới" hay không. Nguồn Internet |
Nhưng nếu hai bên gia đình tìm hiểu, biết mức độ kinh tế của nhau chỉ ở mức trung bình, thì thách cưới làm gì hả các bạn? Cứ coi trọng sĩ diện với thiên hạ rồi lấy về còng lưng trả nợ. Con cái lớn chưa báo hiếu bố mẹ thì thôi, lúc lập gia đình còn tạo gánh nặng kinh tế làm gì.
Hơn nữa, thách cưới cho cao, xong tiền đó rồi cũng cho lại hai bạn trẻ, thế thì ngay từ đầu thách làm gì cho nặng nhẹ? Muốn cho con thì lấy tiền của mình ra để cho, chứ lấy tiền của người ra để cho con rồi nó lại về một nhà với chồng, lại chung vốn chung nồi chung niêu. Thế lại bằng hòa".
Một tài khoản khác vào đưa quan điểm "mà thường nhà nào giàu có họ chả cần thách cưới. Họ có vốn có tiền cho con họ, thậm chí họ còn làm to hơn cả nhà trai." Đáp lại, tài khoản Yến Oanh phủ định "Sai lại càng sai nhé. Đã nói là phong tục thì cứ nhập gia tùy tục, giàu hay nghèo không liên quan ở câu chuyện này.
Mà nói thật, nhà giàu họ cành thách cao nhé. Người ta không cần tiền thách cưới để cho lại con gái. Người ta thừa rồi. Cái họ cần là "thách cưới" cho phù hợp với phong tục tập quán nơi vùng miền sinh sống, cho đẹp mặt với bàn dân thiên hạ. Đừng mơ bước chân vào nhà giàu mà không phải thách cưới".
Đối xử rất biết điều và ôn hòa với tục "thách cưới", tài khoản Bitter Coffee trải lòng "Chẳng thách gì nhưng ba mẹ chồng để lễ 20 triệu, nhưng mình bàn với chồng để ba mẹ chồng chịu một nửa, mình một nửa. Còn vàng cho con cái thì nhà ai nấy lo.
Tục nó thế thì phải thế. Còn tùy vào gia đình bạn cư xử với phong tục này thế nào nữa. Làm thế nào cho tục "thách cưới" vẫn giữ nguyên những giá trị cổ truyền tốt đẹp, đừng mang nặng tính vật chất, gây khó dễ cho hai bên là được."
Minh Thuật