Tục dâng đào giờ giao thừa ít người biết ở làng đào Nhật Tân

04/02/2019 - 06:00

PNO - Đào Nhật Tân từ lâu nổi tiếng với vẻ đẹp riêng có, trở thành thương hiệu được nhiều người biết đến... Thế nhưng ít người biết đến tập tục dâng đào, đã trở thành nét đẹp mỗi khi tết đến xuân về của người làng đào Nhật Tân.

Làng đào giữa lòng Hà Nội

Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó chủ tịch UBND phường Nhật Tân cho biết, thuở trước, hoa đào Nhật Tân chỉ được trồng tại dinh đào thuộc thôn Hoa Đình nay là tổ 19, khu dân cư số 5, phường Nhật Tân. Sang thập niên 80 của thế kỷ XX, hoa đào được trồng chủ yếu tại cánh đồng Nhật Tân. Cùng với quá trình đô thị hóa, đến nay, đào Nhật Tân dần chuyển ra khu vực bãi bồi và được trồng ổn định từ đó đến nay.

Tuc dang dao gio giao thua it nguoi biet o lang dao Nhat Tan
Một gốc đào Nhật Tân cổ

Phường Nhật Tân hiện có diện tích đất tự nhiên là 342,34 ha, trong đó đất nông nghiệp là 140,41 ha, đất phi nông nghiệp là 191,352 ha và đất chưa sử dụng là 9,465 ha. Phần lớn diện tích đất nông nghiệp đang nằm phía ngoài đê giáp sông Hồng là nơi tập trung trồng hoa đào truyền thống của 690 hộ với 1.144 xã viên. Diện tích xã viên đang canh tác là 92,7 ha, trong đó diện tích trồng đào là 57 ha, còn lại là diện tích trồng hoa tươi các loại và quất cảnh.

Hiện nay, các hộ làm nghề truyền thống trồng hoa đào Nhật Tân rất quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ gìn uy tín, thương hiệu, bản sắc riêng của hoa đào Nhật Tân. Sản phẩm hoa đào truyền thống vì thế ngày càng có uy tín, được nhiều người biết đến. Đời sống thu nhập của bà con cũng tốt hơn, trung bình mỗi người khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Số hộ làm ăn khá giả ngày một tăng, hoa đào Nhật Tân đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vào năm 2008.

Tục dâng đào, ít người biết đến

Theo lời các cụ cao niên làng đào Nhật Tân, từ bé vào dịp tết họ đã được dự tế lễ dâng đào. Rồi nhiều năm trở lại đây, lễ tiến dâng đào tại đình được Ban quản lý di tích danh thắng phường Nhật Tân cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường tổ chức. Đây được coi là lễ lớn với riêng người làng đào, bởi họ có dịp cáo yết trước đình thành quả gặt hái sau một năm lao động cực nhọc, và cầu mong cho mưa thuận gió hòa, để mùa đào sau được trăm hoa đua sắc.

Tuc dang dao gio giao thua it nguoi biet o lang dao Nhat Tan
Đào Nhật Tân năm nay nở sớm.Ảnh Huyền Trần

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, theo tục, đúng chiều 30 tết, rất đông người dân làng đào tề tựu trước đình để chứng kiến lễ dâng đào. Thường thì, người cháu đích tôn của gia đình được chọn dâng đào đội lễ đi trước, người chủ gia đình khăn xếp, áo the đi sau, cùng con trai, con gái khiêng đào dâng. Đội quan tế nam, tế nữ đứng dọc hai bên cửa đình đón đào trong lễ tiến dâng hết sức tôn nghiêm.

Lễ dâng thường diễn ra trong suốt một tiếng đồng hồ. Từ xưa, theo quy định đào dâng đình chỉ có đào trồng ở dinh đào mới được chọn dâng, bởi đây là nơi trồng đào đẹp nhất hội tụ đủ các yếu tố đất lành, nắng ấm và gió mát. Đào dâng phải là đào tứ quý có quả, có hoa, có nụ và có lộc.

Tục dâng đào đặt ra một quy tắc mà từ bao đời nay người Nhật Tân luôn tuân theo, đó là gia đình được chọn dâng đào phải song toàn còn vợ còn chồng; con cái phải có trai, có gái; cháu cũng phải có cháu trai, cháu gái; cha mẹ mẫu mực, con cháu thành đạt, ngoan ngoãn và có uy tín được dân trong làng suy tôn. Gia đình được chọn dâng đào sẽ được ưu tiên làm lễ động thổ hoặc có quyền cử người làm lễ động thổ đầu năm thay mình ở đình Nhật Tân. Ở đình một dàn trống hội do các chàng trai được lựa chọn trước tết vào đánh đúng thời khắc giao thừa.

Tuc dang dao gio giao thua it nguoi biet o lang dao Nhat Tan
Một người dân Nhật Tân chăm sóc cây đào Tết. Ảnh Huyền Trần

Ông Nguyễn Xuân Trường cho biết: "Sau khi Ban nghi lễ truyền thống lễ tạ trời đất, gia đình được chọn dâng đào trong năm sẽ tiến hành động thổ, cuốc nhát cuốc đầu tiên vào vuông đất trước đình, thể hiện tinh thần cần cù, chịu khó của người làng đào. Điều này cũng muốn nói lên người Nhật Tân ngay từ phút giao thừa đã có công ăn, việc làm. Những gia đình là ứng cử viên chọn dâng đào trong năm nếu bị loại sẽ được giữ kín để giữ uy tín cho hộ trồng đào đó". 

Dâng đào, người Nhật Tân chỉ chọn đào phai, đào bích và tối kỵ không bao giờ dâng đào hạt. Tục dâng đào thường chỉ người làng đào biết, vì người Nhật Tân quan niệm đây là một nghi thức tín ngưỡng truyền từ đời này qua đời khác, cái mình thành tâm thì không nên nói ra. Cũng chính vì lẽ đó mà tập tục đẹp này còn ít người biết đến.

Đình Nhật Tân những ngày trước tết và ra Giêng luôn ngập đỏ sắc hoa đào. Nhiều cây đào thế tam long (ba con rồng bay lên), ngũ long (năm con rồng bay lên)... không chỉ đẹp mà đắt tiền được đặt trước cửa đình, đều do người dân tự nguyện mang đến dâng. Theo tục, mỗi năm chỉ một gia đình được lựa chọn tế lễ dâng đào ở đình, nhưng người trồng đào Nhật Tân với tín ngưỡng của mình đã luôn chăm chút dành cành, cây đào đẹp nhất tự nguyện mang đến đình trước khi vào mùa thu hoạch để cầu mong cho mùa màng bội thu.

 Khánh Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI