Tuân thủ yêu cầu kiểm dịch để nông sản Việt vươn xa

22/09/2023 - 06:13

PNO - Ngành chức năng Trung Quốc ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về kiểm dịch thực vật để bảo đảm an toàn đối với nông sản nhập khẩu. Điều này đòi hỏi nông dân và doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ các quy định về canh tác, mã số vùng trồng; nếu không, việc xuất khẩu nông sản sang thị trường tỉ dân này sẽ rất khó khăn.

Vi phạm tràn lan 

Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) cho biết, tính từ năm 2021 đến tháng 7/2023, cục đã nhận được 4 đợt thông báo từ phía Trung Quốc về các lô hàng nông sản không tuân thủ yêu cầu kiểm dịch thực vật, gồm chuối, mít, thanh long, sầu riêng, chôm chôm, ớt. Các vi phạm gồm: không có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoặc có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhưng không phải do cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam cấp. Tổng cộng, có khoảng 750 lô hàng vi phạm. 

Tiền Giang là tỉnh có số lượt vi phạm về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nhiều nhất nước với 267 vi phạm, chiếm 35,6%. Tiếp đến là Tây Ninh với 204 lượt vi phạm, chiếm 27,2; Đồng Nai có 186 lượt vi phạm, chiếm 24,8%; Bình Thuận có 23 lượt vi phạm, chiếm 3,1%; Đắk Lắk có 23 lượt vi phạm, chiếm 3,1%; Long An có 19 lượt vi phạm, chiếm 2,5%. 
Loại trái cây vi phạm yêu cầu kiểm dịch nhiều nhất là mít, với sinh vật gây hại phổ biến là rệp sáp. Tuy nhiên đến nay, hầu hết chi cục BVTV các tỉnh chỉ mới đánh giá được thực trạng của vùng trồng; các cơ sở đóng gói không nêu được nguyên nhân không tuân thủ quy định, một số lô hàng chưa sử dụng mã số, không có hồ sơ truy xuất  nguồn gốc.  

Phụ nữ  huyện Cờ Đỏ,  TP Cần Thơ  phân loại nhãn phục vụ  xuất khẩu
Phụ nữ huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ phân loại nhãn phục vụ xuất khẩu

Từ năm 2021 đến tháng 7/2023, Cục BVTV đã nhận được 107 cảnh báo về các lô hàng thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang EU (gồm các nước Ý, Phần Lan, Đan Mạch, Đức, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha), Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Tất cả lô hàng này đều bị trả về do không đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, như dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng quy định, sản phẩm biến đổi gen, có chứa độc tố nấm, nấm mốc, vi khuẩn, kim loại nặng, chất gây dị ứng, chất tạo màu không được phép sử dụng, hàng bị hư hỏng... 

Cục BVTV đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan đến các lô hàng trên tuân thủ các quy định, nhất là về nguồn gốc sản phẩm, đồng thời đề nghị các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương hỗ trợ giám sát quá trình truy xuất nguồn gốc. 

Ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nhận định: “Tình hình vi phạm kiểm dịch trên cây ăn trái xuất khẩu trong thời gian qua là đáng báo động. Bộ đã nhiều lần cảnh báo, yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp khẩn trương chấn chỉnh, nhưng sự chuyển biến ở các địa phương rất chậm, thậm chí có nơi còn tệ hơn. Nếu chúng ta cứ tiếp tục vi phạm về mã số vùng trồng, nhiều khả năng phía Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp mạnh như ngừng nhập khẩu. Khi đó, nông dân và doanh nghiệp Việt sẽ khốn đốn”. 

Ông nói thêm, Việt Nam có khoảng 11 loại trái cây được xuất khẩu sang Trung Quốc, chỉ cần phía Trung Quốc dừng nhập khẩu 1 loại là đã “mệt rồi”. Chẳng hạn, sản lượng sầu riêng Việt Nam rất lớn và chủ yếu xuất sang Trung Quốc, nếu việc xuất khẩu này bị trục trặc thì hàng triệu nông hộ lao đao. “Cần cấp bách tuân thủ nghiêm các yêu cầu về canh tác an toàn, mã số vùng trồng, thông tin nguồn gốc, không thể chậm trễ được” - ông Hoàng Trung nói. 

Quản lý chặt quá trình trồng, đóng gói

Ông Trần Hoàng Nhật Nam - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang - nhìn nhận: “Tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long (khoảng 80.000ha) với rất nhiều hộ canh tác nhỏ lẻ và nhiều doanh nghiệp tham gia thu mua, xuất khẩu. Trong khi đó, lực lượng giám sát lại quá mỏng nên đã để xảy ra nhiều vi phạm trong quá trình xuất khẩu trái cây”. 

Ông giải thích thêm, khi cấp mã số vùng trồng cho các địa phương, sở đã đề nghị UBND các huyện, xã tăng cường kiểm tra, giám sát, nhưng kết quả chưa như mong muốn. Tới đây, sở sẽ đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh tình trạng vi phạm. 
Theo ông Phạm Văn Lơ - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nhãn Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ - được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu, giá trị của trái cây được nâng lên rất cao. Điển hình như năm nay, các xã viên bán nhãn Ido được 20.000-30.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt 300-400 triệu đồng/ha. Nhờ giá trị tăng lên thấy rõ, nên các xã viên luôn tuân thủ nghiêm các quy định trong quá trình trồng, chăm sóc cây theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt của Việt Nam (tiêu chuẩn VietGAP). 

Ông Trần Văn Chiến - Giám đốc HTX Trái cây Trường Khương A, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ - cho hay, các xã viên HTX đang canh tác hàng chục héc ta vú sữa và sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP để cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu: “Ý thức được cái lợi của việc xuất khẩu nên các xã viên chấp hành nghiêm các yêu cầu về thực hành nông nghiệp an toàn. Đây cũng là phương châm để xây dựng thương hiệu trái cây cho HTX”. 

Đồng Tháp là tỉnh được cấp 2.477 mã số vùng trồng, nhiều nhất cả nước. Thế nhưng, tỉ lệ giám sát mới chỉ đạt 23%. Trong đề án chuyển đổi số, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, sẽ phối hợp với Công ty TNHH Rynan Technologies Việt Nam thiết lập nền tảng nông nghiệp số, trong đó có hệ thống cơ sở dữ liệu đăng ký cấp và quản lý mã số vùng trồng.

Ông Lê Văn Thiệt - Phó cục trưởng Cục BVTV - cho hay, những vi phạm về kiểm dịch thực vật vừa qua là do nhận thức của cán bộ địa phương và người sản xuất còn hạn chế, các quy định pháp luật chưa có chế tài xử lý vi phạm, các địa phương chưa đầu tư đúng mức về công nghệ thông tin. Tới đây, cục sẽ tăng cường hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho cán bộ địa phương về các quy định của nước nhập khẩu; đầu tư xây dựng và hoàn thành cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói; thường xuyên kiểm tra việc cấp, quản lý và sử dụng mã số; kiểm soát hàng hóa và thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng, từ đó phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Cục BVTV đề nghị các vùng trồng đã được cấp mã số cần tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của nước nhập khẩu về quy trình sản xuất; hướng đến thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, đặc biệt chú trọng việc ghi chép đầy đủ quá trình trồng, chăm sóc cây. Các cơ sở đóng gói cần xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đóng gói theo nguyên tắc một chiều, truy xuất được nguồn gốc. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải bảo đảm sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được thu mua từ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Ngoài ra, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không phụ thuộc quá nhiều vào 1 thị trường. 

Các địa phương vẫn lơ là giám sát

Cả nước hiện có 1.588 cơ sở đóng gói được cấp mã số cho các loại trái cây tươi (thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh không hạt, nhãn, vải, thạch đen, sầu riêng... ) và khoai lang, để xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản… Đồng thời, có 6.883 mã số vùng trồng xuất khẩu đã được cấp cho 25 sản phẩm gồm thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, chuối, thạch đen và khoai lang để xuất sang 11 thị trường khác nhau.

Trong năm 2022 và năm 2023, Cục BVTV kiểm tra việc thực hiện đề án “Phát triển mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu” ở 25 tỉnh, thành phố với 393 mã số vùng trồng và 151 cơ sở đóng gói. Cục ghi nhận, vẫn còn tình trạng cán bộ địa phương thiếu kinh nghiệm, kiến thức, buông lỏng việc giám sát, một số cơ sở và nông dân chưa hiểu rõ vai trò của mã số vùng trồng.

Huỳnh Lợi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI