PNO - PN - Khai mạc tối 1/12 với bộ sưu tập (BST) No.8 ấn tượng của Nhà thiết kế (NTK) Công Trí, trễ hơn một tiếng, Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam (VIFW) đã thật sự thử thách nhà tổ chức về thời gian và cả tính chuyên nghiệp.
edf40wrjww2tblPage:Content
PHÍA SAU SỰ ĐƠN GIẢN
Sân khấu đơn giản dài 30m với tạo hình chiếc nón lá cố định suốt một tuần, âm nhạc, ánh sáng thoạt trông có vẻ đơn giản, hơn 100 người mẫu chuyên nghiệp được casting từ Hà Nội và TP.HCM… nên khán giả đi xem không thể tưởng tượng được khối lượng công việc và chi phí đầu tư khủng khiếp của VIFW. “Từ bao nhiêu tuần nay, tuần nào cũng họp và họp, tập và tập, biết bao nhiêu đêm không ngủ để chạy với guồng quay công việc” - chia sẻ của người phụ trách catwalk, Xuân Lan, cũng là “tình trạng chung” của lực lượng tham gia ê kíp gồm Multimedia JSC, Phạm Hoàng Nam (ánh sáng), Lê Thái Dương (đạo diễn), Hương Color (giám đốc sáng tạo), dù VIFW đã được chuẩn bị gần cả năm nay.
Hơn 200 trang phục cao cấp của tám NTK ngoại được chuyên chở đến TP.HCM, chuyển giao từ sân bay về đến điểm diễn với các yêu cầu giao nhận, bảo quản gắt gao; đưa đón, sắp xếp lịch trình ăn ở cho các NTK và tất cả các khách mời VIP; thiết kế, in ấn hơn 10.000 thư mời, hệ thống ấn phẩm và đi giao chừng ấy thư đến tận tay khách; dán tên tất cả khách mời VIP trên ghế ngồi mỗi đêm… Tất cả đều phải hoàn thành một cách hoàn hảo nhất để 17 sô diễn kéo dài liên tục có thể diễn ra suôn sẻ, đó là thử thách lớn cho toàn bộ ê kíp.
Dù tất cả họ đều là bậc “lão làng” của sân khấu thời trang, đã có kinh nghiệm tổ chức hầu hết các sô cho Công Trí, Đỗ Mạnh Cường, Hoàng Hải, F-Elle-Đẹp fashion show, Project Runway… nhưng áp lực về thời gian và những mới mẻ khi làm việc với các NTK ngoại khiến những thành viên ban tổ chức (BTC) phải “gồng lên với 150% sức lực của bản thân mình”, dù đã có các chuyên gia của FIDE’ Fashion Week và Hiệp hội thời trang cao cấp châu Á hỗ trợ tư vấn về quy trình thực hiện. Đêm khai mạc, dù vé mời ghi 20g bắt đầu, nhưng vì khách mời VIP đến trễ, tiệc Gala khai mạc trễ theo đã khiến giờ diễn bị đẩy lên 21g30, gây nhiều bức xúc cho hàng trăm khách ngồi chờ. Phía bên trong, NTK Công Trí và các người mẫu đã sẵn sàng cả tiếng đồng hồ nhưng cũng đành bấm bụng vì “chưa có lệnh xuất phát”.
“Sẵn sàng nói không với vedette” cũng thể hiện một sự chuyên nghiệp hơn của VIFW khi bắt buộc tất cả người mẫu gồm cả “ngôi sao” phải casting, tập luyện và tổng duyệt đầy đủ mới được tham gia trình diễn. Sự khắt khe này có thể cũng không đảm bảo được 100% “tai nạn nghề nghiệp” trên sân khấu, nhưng ít nhất cũng thay đổi được tình trạng vô kỷ luật, mạnh ai nấy đi và kèn cựa công khai vốn nổi tiếng trong làng mẫu Việt. Thế nhưng, trong điều kiện năng lực thực tế của các người mẫu Việt, khách đi xem show vẫn dễ dàng nhận ra sự “thiếu chuẩn” về hình thể và lối catwalk của một số người mẫu, phần do chính năng lực và kinh nghiệm ít ỏi của họ, phần do lịch diễn quá dày và váy áo quá dài, khiến những bước đi nhiều lúc loạng choạng. Vedette ngoài Hoàng Thùy là người mẫu chuyên nghiệp, vẫn là các hoa hậu Thùy Dung, Trúc Diễm, Thanh Hằng… theo ý của NTK.
Công Trí mở màn thuyết phục tại VIFW với chiếc áo cờ đỏ sao vàng
ÁP LỰC CHO NHÀ THIẾT KẾ VIỆT
Các NTK khi đã được chọn, đều được tạo điều kiện “toàn quyền” sáng tạo các trang phục (chỉ nộp phác thảo để Sở duyệt). Thế nhưng, đứng trước nhiều NTK ngoại đến từ các “cường quốc thời trang” Pháp, Ý, Nhật... - một Zio Song có tiếng của Hàn Quốc, bộ đôi Livia S. Stoianova và Yassen Samouilov từng tham gia các sô thời trang cao cấp ở Paris, NTK nội dường như áp lực nhiều hơn.
Ngay cả khi Tuần lễ thời trang sắp bắt đầu, các NTK Li Lam, Lê Thanh Hòa, Lý Giám Tiền… vẫn còn loay hoay mất ăn mất ngủ chỉnh sửa trang phục. Vì tính chất “cao cấp” chung của VIFW, từng chi tiết đính hoa hay đính hạt, phom 3D… đều phải làm thủ công để đảm bảo sự tinh xảo, nên có khi muốn làm ra một bộ váy, họ mất đến cả tuần. “Làm xong, một hai ngày sau lại thấy biến tấu khác đi một chút thì đẹp hơn, hay hơn. Chính ý tưởng dồi dào cũng “hại” nhà thiết kế, nên mỗi đêm chỉ ngủ hai-ba tiếng, mà quần áo ám ảnh cả vào giấc mơ” - một NTK chia sẻ.
Để tạo ra 40 bộ trang phục trình diễn trong 20 phút, NTK Công Trí cùng toàn bộ xưởng may của mình đã mất đến hai tháng thực hiện. Anh lo lắng đến mức sau khi người mẫu thử đồ, ngay sáng hôm khai mạc đã đem lại trang phục về xưởng, chỉnh sửa, bổ sung thêm các chi tiết. Nhờ sự tỉ mỉ đó, những thiết kế cut-out với ý tưởng táo bạo về thế giới tương lai và phần xử lý chất liệu phản quang độc đáo của Công Trí trong No.8 đã chinh phục hầu hết khán giả. Thế nhưng trừ BST đầy sáng tạo của Công Trí, độ chênh lệch về đẳng cấp “nội” và “ngoại” vẫn tồn tại, thể hiện ở sự nhất quán của toàn bộ trang phục và phần âm nhạc đa sắc, ấn tượng của các BST ngoại như ISSUE (Thái), On Aura Tout Vu (Pháp). Ý tưởng trình diễn của họ cũng độc đáo hơn với tiếng chuông chùa, tiếng nước đa âm sắc “dội” vào khán giả ngay từ đầu. Trong khi đó, Hoàng Hải cũ kĩ với chính mình, Chung Thanh Phong dù cầu viện đến Dương Khắc Linh vẫn không có phần nhạc ấn tượng, trừ đôi ba tiếng mèo kêu phụ họa cho chủ đề “Cats in the city” tai tiếng ngay trước khi diễn vì trùng ý tưởng của Đỗ Mạnh Cường.
Sau tiệc khai mạc, đêm 3/12 là cuộc gặp gỡ “sâu sắc hơn” giữa các NTK và các doanh nhân, những “buy-er” đang nắm quyền nhập hàng cao cấp cho các hệ thống cửa hàng thời trang, các trung tâm thương mại lớn hay các câu lạc bộ luxury dành cho giới nhà giàu trong nước. Nhưng với mức giá “không dành cho số đông”, VIFW hẳn là một cuộc chiêm ngưỡng mãn nhãn với phần lớn khán giả, quan trọng hơn là chuyện “mua quần bán áo” (vì tất cả trang phục suốt tuần lễ chỉ khoảng vài trăm bộ và một số đã được lên kế hoạch cho-tặng).