Tuần làm việc 4 ngày làm tăng hạnh phúc và năng suất hơn

04/12/2022 - 16:33

PNO - Theo giáo sư Jan-Emmanuel De Neve là một nhà kinh tế và và giảng dạy tại Đại học Oxford (Anh) làm việc 40 giờ/ tuần trong 5 ngày ngày càng mâu thuẫn với lối sống của thế kỷ 21, đặc biệt là khi nghiên cứu cho thấy giảm giờ làm giúp tăng cường sức khỏe tinh thần của nhân viên.

 

Làm việc ngày 4 tuần khiến phụ nữ hạnh phúc hơn
Làm việc ngày 4 tuần khiến phụ nữ hạnh phúc hơn

Một nhóm các công ty trên toàn cầu đang thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày gần đây đã báo cáo doanh thu tăng lên cùng với việc ít nhân viên xin nghỉ hoặc từ chức hơn. Ngoài việc chúng ta có thể dễ dàng hiểu được tác động tốt của việc 1 tuần ngắn hơn đối với sức khỏe của người lao động, nhưng những phản hồi tích cực đến thu nhập và năng suất của công ty có thể gây ngạc nhiên hơn.

Thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày do tổ chức phi lợi nhuận 4 Day Week Global tổ chức, với sự tham gia của 33 công ty và gần 1.000 nhân viên. Các tổ chức đã trả 100% tiền lương cho 80% thời gian của họ, nhưng các nhân viên cũng cam kết sẽ nỗ lực 100% như thường lệ.

Iceland đã thử nghiệm giảm giờ làm từ năm 2015 đến 2019 trong các bệnh viện, trường học và nhân viên dịch vụ xã hội. Nước này coi đó là một “thành công vượt trội” và việc giảm giờ làm - mà không giảm lương - kể từ đó đã được triển khai cho 86% lực lượng lao động.

"Giờ đây, gần 1 thế kỷ kể từ khi Henry Ford đưa ra "2 ngày cuối tuần” thì đến nay, nhiều quốc gia vẫn mắc kẹt với chế độ làm việc 40 giờ/ tuần chia thành 5 ngày, bất kể ngành gì. Cách làm việc này ngày càng mâu thuẫn với lối sống thế kỷ 21 của chúng ta. Những phát hiện mới nhất từ ​​chương trình thí điểm 4 Day Week Global phù hợp với nghiên cứu đang diễn ra về các mô hình làm việc cho thấy số giờ giảm giúp nâng cao sức khỏe tinh thần của nhân viên và năng suất của họ. Nó cũng mang lại những lợi ích khác như giảm lượng khí thải bằng cách cắt giảm thời gian đi làm và cung cấp cơ sở để đánh giá cuộc sống của chúng ta không chỉ về mặt tiền tệ", giáo sư Jan-Emmanuel De Neve nói.

Nhiều giờ làm sẽ khiến căng thẳng gia tăng

Theo đánh giá của giáo sư Jan-Emmanuel De Neve, mặc dù từ những năm 1970 toàn cầu có nhiều tăng trưởng kinh tế nhưng có rất ít tiến bộ đạt được trong việc giải phóng thời gian cho người lao động. Tồi tệ hơn, trong một số trường hợp, xu hướng đã bắt đầu đi ngược lại. Ví dụ, người Mỹ hiện làm việc nhiều giờ hơn so với năm 2000.

Điều này đang ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của nhân viên. Việc luôn chạy theo năng suất và kỹ thuật đồng nghĩa là bộ não con người đang được yêu cầu xử lý nhiều hơn trong 1 tuần làm việc 5 ngày so với trước đây. Nó cũng kéo theo sự gia tăng lớn về căng thẳng, lo lắng và kiệt sức.

Một người phụ nữ cảm thấy kiệt sức
1 phụ nữ cảm thấy kiệt sức khi làm việc 

Điều này cũng đang ảnh hưởng nặng nề đến các dịch vụ y tế quốc gia và các gia đình. Nhưng người sử dụng lao động cũng phải chịu chi phí rất lớn. Công ty kế toán Deloitte ước tính chi phí hàng năm cho người sử dụng lao động về các vấn đề sức khỏe tâm thần là 45 tỉ bảng Anh (55 tỷ USD) chỉ riêng ở Vương quốc Anh. Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh còn ước tính rằng đã có 17 triệu ngày công bị mất do căng thẳng, trầm cảm hoặc lo lắng trong giai đoạn 2021 và 2022. Và xu hướng tương tự cũng xuất hiện ở hầu hết các quốc gia giàu có khác.

Ít giờ hơn, tăng năng suất hơn, hạnh phúc hơn 

Nhiều ông chủ của các công ty khi nói về việc làm 4 ngày/ tuần, đã phản ứng theo kiểu: “Nếu nhân viên làm việc ít hơn 20% thời gian, chắc chắn sản lượng cũng sẽ giảm?”. Nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng không phải vậy. Trên thực tế, các quốc gia làm việc ít giờ nhất thường có năng suất cao nhất tính theo giờ.

Những quốc gia này, chẳng hạn như Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan, cũng là những quốc gia hạnh phúc nhất. Tất cả đều làm việc trung bình dưới 1.400 giờ/năm, so với mức trung bình khoảng 1.800 giờ của Mỹ và Anh.

"Nghiên cứu của riêng tôi, với sự hợp tác của nhiều công ty đã giúp giải thích tại sao làm việc ít giờ hơn không nhất thiết đồng nghĩa với việc giảm sản lượng tương đương. Chúng tôi đã có thể chỉ ra tác động tích cực của việc cảm thấy tốt hơn trong tuần đối với năng suất hàng tuần. Chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng về doanh số bán hàng nhiều hơn và nhiều cuộc gọi hơn mỗi giờ khi nhân viên hài lòng. Dựa trên nghiên cứu của mình, chúng tôi tin rằng những thay đổi về cân bằng giữa công việc và cuộc sống cũng như những cải thiện về mức độ hạnh phúc sau các chương trình thí điểm Tuần 4 ngày có thể giúp tăng năng suất lên khoảng 10%", giáo sư Jan-Emmanuel De Neve phát biểu.

Giáo sư Jan-Emmanuel De Neve cho biết, việc 1 tuần ngắn hơn thậm chí có thể làm giảm lượng khí thải carbon bằng cách cắt giảm thời gian đi lại - như hầu hết mọi người sẽ không đi du lịch hoặc sẽ đi du lịch ít hơn đáng kể vào ngày nghỉ. Một tuần 4 ngày cũng có thể có tác động tích cực đến bình đẳng giới, vì các thí điểm cho thấy rằng phụ nữ báo cáo mức độ hạnh phúc gia tăng nhiều nhất.

Trọng Trí (theo CNA)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI