Tuần làm việc 4 ngày có khả thi trong đại dịch?

06/09/2021 - 09:16

PNO - Scotland chấp thuận thử nghiệm chế độ làm việc mới, tuần làm việc 4 ngày, trong khi nhiều quốc gia khác và các công ty đã thử qua khái niệm này đã nhận được kết quả không đồng nhất.

Một nghiên cứu của WHO cho thấy tuần làm việc dài có thể làm tăng nguy cơ bệnh tật - Ảnh: DW
Một nghiên cứu của WHO cho thấy tuần làm việc dài có thể làm tăng nguy cơ bệnh tật - Ảnh: DW

Hãy tưởng tượng chúng ta chỉ đặt chuông báo thức cho 4 ngày, thay vì 5 ngày như trước kia, và mỗi người có thêm 3 ngày cuối tuần thoải mái nghỉ ngơi, thư giãn và lấy lại năng lượng. Nhưng, trong thế giới công nghiệp hiện đại, liệu việc rút ngắn thời gian làm việc như vậy có khả thi?

Đây là câu hỏi được nhiều người tranh luận. Một số quốc gia và công ty trên thế giới đã thử giảm giờ làm việc trong khi giữ nguyên ngày, hoặc giảm số ngày làm việc để tìm ra mô hình phù hợp nhất.

Scotland

Một cuộc thăm dò do Viện nghiên cứu Chính sách Công (IPPR) của Scotland thực hiện cho thấy 83% người được hỏi thích làm việc ít ngày hơn hiện tại.

Chính phủ Scotland đã có kế hoạch thử nghiệm mô hình này. Trong tuyên ngôn vào tháng 4 năm nay, Đảng Quốc gia Scotland (SNP) cầm quyền đã công bố kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày.

Chính đảng ủng hộ độc lập này thông qua một thử nghiệm quy mô nhỏ và dành quỹ để hỗ trợ các doanh nghiệp khi họ chuyển sang chế độ làm việc với thời gian ngắn hơn mà không cắt lương.

Rachel Statham, nhà nghiên cứu cấp cao tại IPPR, nói với phóng viên DW rằng Scotland đang có động lực để tiến tới trở thành một "nền kinh tế phúc lợi cao".

Cô giải thích, các thử nghiệm cần được mở rộng và tổ chức trong các lĩnh vực khác nhau như bán lẻ, công nghệ và khách sạn để xem từng ngành đối phó với nó như thế nào. Statham nói thêm, việc mở rộng tuần làm việc 4 ngày cũng nên được nghiên cứu ở các thị trường việc làm khác nhau như cảnh sát, nhân viên y tế và những người làm việc theo ca dài.

Iceland

Từ năm 2015 đến năm 2019, Iceland đã thí điểm chế độ làm việc 4 ngày một tuần. Thời gian làm việc được cắt giảm từ 40 giờ/tuần theo truyền thống xuống còn 35-36 giờ.

Thử nghiệm được các nhà nghiên cứu đánh giá là thành công. Và kết quả có hơn 80% lực lượng lao động của Iceland chọn chế độ giờ làm việc ngắn hơn mà không bị cắt lương.

Hệ thống kinh tế của Iceland là một phần thuộc "Mô hình phúc lợi Bắc Âu", nghĩa là quốc gia này cung cấp nhiều lợi ích xã hội cho công dân của mình. Nền kinh tế kết hợp từ cả hai mô hình tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa giúp nước này thực hiện chế độ thời gian làm việc ngắn hơn.

 

Làm việc kiệt sức thường được coi là một vấn đề ở Nhật Bản - Ảnh: DW/AFP
Làm việc kiệt sức được coi là một vấn đề ở Nhật Bản - Ảnh: DW/AFP

Nhật Bản

Năm nay, chính phủ Nhật Bản đã công bố một kế hoạch nhằm đạt được sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống trên toàn quốc. Trong quy định chính sách kinh tế mới, nhân viên ở Nhật có thể chọn làm việc 4 ngày một tuần thay vì 5 ngày.

Có một số lý do cho thấy điều này có thể tốt đối với Nhật Bản, nơi hiện tượng "karoshi" (quá lao tử) đã cướp đi sinh mạng của nhiều người. Nhân viên làm việc quá sức thường có thể ngã bệnh hoặc có tâm lý muốn tự tử.

Năm 2019, Microsoft Nhật Bản đã thử thay đổi giờ làm và tất cả các ngày thứ Sáu trong tháng 8 là "ngày nghỉ phép có lương đặc biệt". Động thái này đã tăng năng suất lao động lên 40% và mang lại hiệu quả làm việc cao hơn.

Tây Ban Nha

Quốc gia Nam Âu đang có kế hoạch thử nghiệm rút ngắn thời gian làm việc trong tuần làm việc trên toàn quốc. Chính phủ Tây Ban Nha đã phê duyệt kế hoạch thí điểm kéo dài 3 năm.

"Một trăm năm đã trôi qua kể từ lần cuối cùng chúng ta rút ngắn ngày làm việc", một nhà lãnh đạo Tây Ban Nha cảm thán trong một cuộc phỏng vấn tại Madrid.

Theo Bloomberg, hàng trăm công ty Tây Ban Nha dự kiến ​​sẽ đăng ký chương trình thí điểm này để kiểm tra xem liệu mô hình tuần làm việc 4 ngày có hiệu quả trên quy mô lớn hay không.

Tây Ban Nha đã chấp thuận thử nghiệm rút ngắn thời gian làm việc - Ảnh: DW/EFE
Tây Ban Nha đã chấp thuận thử nghiệm rút ngắn thời gian làm việc - Ảnh: DW/EFE

Thụy Điển

Năm 2015, Thụy Điển thử nghiệm rút ngắn giờ làm với đề xuất làm việc 6 giờ mỗi ngày thay vì 8 giờ mà không bị cắt lương.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng với ý tưởng chi tiền cho thử nghiệm này. "Chúng tôi không thể trả tiền cho những người không làm việc", một phó thị trưởng nói với New York Times vào năm 2016.

Tuy nhiên, thử nghiệm cũng thành công trong một số trường hợp. Ví dụ, đơn vị chỉnh hình tại một bệnh viện đại học đã chuyển 80 bác sĩ và y tá sang làm việc 6 giờ mỗi ngày và thuê nhân viên mới để làm việc bù vào thời gian đã mất. Bệnh viện đã nhận được những phản hồi tích cực từ các nhân viên y tế.

Tuy nhiên, thử nghiệm cũng vấp phải rất nhiều chỉ trích và không được nối lại trong một thời gian dài.

Đức

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), số giờ làm việc trung bình ở Đức là 34,2 giờ/tuần (ngắn giờ nhất ở châu Âu). Tuy nhiên, vẫn có những lời kêu gọi giảm giờ làm việc.

Năm 2020, công đoàn lớn nhất nước Đức (IG Metall) đã kêu gọi rút ngắn thời gian làm việc mỗi tuần. Họ lập luận rằng, điều này sẽ giúp nhiều người giữ được việc làm và tránh phải sa thải.

Năm ngoái, lãnh đạo công đoàn cho biết, khi rút ngắn thời gian làm việc (thay vì giảm số lượng nhân viên), các công ty sẽ đảm bảo giữ lại được các chuyên gia và tiết kiệm chi phí dư thừa.

Cẩm Hà (theo DW)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI