PNO - Ra đời trong thời gian 1939-1945, tuần báo Đàn bà hoạt động với tôn chỉ, mục đích vì sự tiến bộ của phụ nữ nước nhà. Trong 6 năm sống giữa làng báo, Đàn bà đã làm được việc đổi mới ấy.
Nhà báo Thụy An, tức Lưu Thị Yến, thời gian 1945 về trước đứng chủ 2 tờ báo: 1 ở Nam, 1 ở Bắc. Trước khi làm Giám đốc Đàn bà, bà giữ chức danh tương tự ở Đàn bà mới - tờ báo có mặt trong làng báo thời gian 1934-1937 xuất bản ở Sài Gòn, còn Đàn bà ra sau và có mặt ở Hà Nội. Không chỉ Báo Đàn bà mà còn có Nhà xuất bản Đàn bà với cùng địa chỉ tòa soạn báo. Giám đốc Thụy An có tiểu thuyết tình cảm Một linh hồn được ấn hành bởi nhà xuất bản này năm 1941.
Báo Đàn bà số 1
Thông tin về Báo Đàn bà dù nhỏ giọt, nhưng qua lời Tô Hoài cũng đáng chú ý. Theo lời tác giả Cát bụi chân ai, đây là tờ báo “có thế lực với Tây”. Báo được cấp giấy in là giấy Đáp Cầu. Báo Đàn bà in ở Nhà in Lê Cường và Trúc Đường (anh nhà thơ Nguyễn Bính) làm ở nhà in này được khoán cho việc biên tập báo. Dạo đó, với hàng hóa khan hiếm, khó mua như son phấn, sáp, nước hoa…, nhà báo sẽ mua giúp và dĩ nhiên là có tiền chênh lệch, thậm chí bạn đọc cũng nhờ mua hàng chợ đen. Tô Hoài đã ghi lại trong Tự truyện như thế. Với Đàn bà, Anh Thơ ghi lại đôi dòng liên quan trong hồi ký Từ bến sông Thương. Theo đó, người bạn Thanh Ngà của Anh Thơ từ Bắc Giang đã đi Hà Nội để làm Báo Đàn bà. Trên báo này, Bàng Bá Lân đã viết bài phê bình tập thơ Bức tranh quê của Anh Thơ sau khi được tác giả gửi tặng, khiến Anh Thơ “cảm động vì sự quan tâm đến bạn của anh”.
Số đầu tiên của Đàn bà ra ngày 24/3/1939. Số cuối cùng là 302-303, ra ngày 7/9/1945. Suốt thời gian tồn tại, tòa soạn báo nằm ở địa chỉ duy nhất: số 77 đường Wiéle (nay là phố Tô Hiến Thành), Hà Nội. Tại Sài Gòn, báo cũng có cơ quan đại diện với vị ký giả quen thuộc của báo giới: Tế Xuyên. Ra đời, báo nói rõ lý do trong Mấy lời tuyên bố ở số 1. Theo đó, đây là tờ báo dành cho chị em phụ nữ: “Tờ báo này là của các bạn, vì các bạn mà có”. Còn nam giới có tham gia cũng chỉ giúp những mục thông thường. Báo là trung gian cho giới nữ và là tờ báo của hành động, của lòng bác ái.
Tinh thần tân tiến vì thế hệ phụ nữ mới tiến bộ được thể hiện qua các bài viết mà qua đó, nữ giới tham gia công việc xã hội nhiều hơn. Đơn cử như bài Đàn bà Việt làm trạng sư (số 7, 5/5/1939), Cô Lê Hoàng Yến xin đầu quân ra mặt trận Pháp Đức (số 32, 27/10/1939), Đàn bà với giải thưởng Nobel (số 132, 17/12/1941)…
Bài Có cần phải hồi môn không? trên trang nhất Đàn bà số 150
Ngoài ra, báo còn có nhiều bài viết tranh luận trực diện với những quan điểm cũ, bị cho là sai lạc trong cách nhìn về phụ nữ và vai trò của họ: Những sự lầm lạc của ông Phạm Duy Khiêm về gia đình cũ (số 9, 19/5/1939), Vấn đề tài sản giữa vợ chồng (số 175, 30/10/1942). Bài Có cần phải hồi môn không? (số 150, 8/5/1942) cho thấy quan điểm tân tiến khi cho rằng của hồi môn của cô gái xuất giá không chỉ là tài sản mà “còn có thể là cái “công” mà người vợ sẽ thi thố sau này, khi đã chung sống với chồng. Cho nên một cô con gái lúc về nhà chồng tay trắng nhưng với tài thu vén nhà cửa, tiết kiệm chi tiêu, cô vẫn được kể là một người vợ có của hồi môn”.
Bài báo phê phán thói tệ áp lực người con gái phải có của hồi môn mới là danh giá khi về nhà chồng đồng thời khuyên chị em gái trữ sẵn cho mình “cái tài đảm các bạn dự bị ngay từ bây giờ để mang về nhà chồng, không kém hãnh diện, không kém hân hoan của một cô gái mang va li bạc về nhà chồng vậy”.
Báo còn cung cấp thông tin về phụ nữ thế giới giúp giới nữ Việt mở mang thêm hiểu biết về vị trí của nữ giới khắp 5 châu với những bài: Những điều nên nhận xét trong sự nghiệp giữa phụ nữ Pháp - Nam (số 34, 17/11/1939), Lời tuyệt vọng của những bà mẹ Do Thái (số 79, 1/11/1940), Giáo dục phụ nữ ở xứ da đen (số 96, 21/3/1941)…
Mục Trả lời Đẹp trên Đàn bà số 203
Bàn chuyện gia chánh, gánh chuyện thời sự
Để giúp chị em tỏ những thắc mắc, báo có mục Chuyện riêng - nơi giải đáp những câu hỏi được chị em, thậm chí cả nam giới gửi về với đủ băn khoăn. Nào là làm sao để người yêu quên người cũ (số 70, 30/8/1940); vợ kế của cha có tính lẳng lơ, có nên tố cáo với cha hay không (số 104, 16/5/1941)… Đã nói tới giới nữ, không thể bỏ qua nhan sắc và nội trợ. Thế nên khoản làm đẹp, cách dưỡng da, trị mụn hay phục sức, ăn mặc sao cho hợp mốt; cùng với đó là cách làm bánh, chế biến món ăn, bảo dưỡng đồ dùng… gần như xuyên suốt các số báo.
Chỉ ở Đàn bà số 203, ra ngày 2/7/1943 cũng đủ vị đã kể với bài Muốn đẹp và sống lâu của Lê Thị Đạt và Thanh Thị Phượng, mục Trả lời Đẹp, mục Gia chánh hướng dẫn làm bánh kẹp, bánh công chúa. Báo cũng dành một trang cho mục Nhi đồng ngay từ số đầu tiên về sau, đúng lẽ dĩ nhiên phụ nữ thì không thể thiếu trẻ em. Nhiều bài viết hướng tới xây dựng thế hệ tương lai theo hướng tiến bộ: Cái ống tiền (số 10, 26/5/1939), Những sách để cho trẻ đọc (số 45, 1/3/1940)…
Đứng đầu tờ báo vốn là một nhà thơ, lại có cả tiểu thuyết Một linh hồn được Vũ Ngọc Phan đánh giá trong Nhà văn hiện đại là “một tiểu thuyết xuất sắc nhất của phụ nữ Việt Nam từ trước đến nay”, thế nên trên Đàn bà, khoản thơ văn, kịch nghệ không thể thiếu, tô điểm thêm cho chất văn nghệ của tờ tuần báo bên cạnh những vấn đề thuần phụ nữ. Hầu như số báo nào cũng có khoản văn học. Mưa trong tỉnh nhỏ - thơ Bàng Bá Lân (số 159, 10/7/1942), Rừng chiều - thơ Nguyễn Bính (số 227, 24/12/1943), Gái Việt - truyện dài của Duyên Hà (số 173, 16/10/1942), Hận Phong Khê - kịch thơ của Phạm Ngọc Điển (số 186, 5/3/1943)…
Báo Đàn bà số 302-303, ra ngày 7/9/1945 là số cuối
Trong số những cây bút có danh cộng tác cùng báo có thể kể đến Đạm Phương, Vân Đài, Trúc Đường, Bàng Bá Lân, Hồ Dzếnh, Nguyễn Bính… Ngoài những số báo thường, Đàn bà có báo xuân, số đặc biệt, cụ thể là số đặc biệt về Sự tiến hóa của phụ nữ Việt Nam và bổn phận họ trước tình thế hiện thời, ứng với số 130, ra ngày 21/11/1941. Nhiều độc giả thân thiết và có vị trí trong xã hội đặt mua báo được thể hiện trong mục Thư tín ở những cái tên gửi ngân phiếu mua báo như Nam Phương hoàng hậu ở Huế (số 300-301, 17/8/1945), ông Mai Lĩnh ở Hải Phòng (số 64, 12/7/1940), Vân Đài (số 144, 27/3/1942)…
Cần phải tố cáo những kẻ tích trữ gạo (số 274, 12/1/1945), Trước nạn đói kém hiện thời (số 282, 13/4/1945), Tin trong nước: Quốc hiệu, quốc kỳ, quốc ca (số 294-295, 29-6 đến 6/7/1945)… cho thấy từ những số báo năm 1945 về sau, báo theo sát dòng thời sự nước nhà khi đưa những tin tức quan trọng chứ không đơn thuần là nội dung tin tức của phụ nữ nữa.
Trong số cuối cùng ra ngày 7/9/1945, báo chỉ còn 2 trang so với 8 hay 12, 16 trang trước đó, tập trung vào hiện tình nước nhà. Giải thích Mặt trận Việt Minh, danh sách “Chính phủ mới Việt Nam”, Bức thư của ông Ng. Ái Quốc gửi cho đồng bào là những tin tức có mặt trên trang 2 của báo. Còn đối với giới nữ, báo kêu gọi trách nhiệm với vận hội mới của đất nước qua các bài: Hoạt động của phụ nữ trong Mặt trận Việt Minh, Lời hiệu triệu các bà mẹ, Nhiệm vụ đầu tiên của Phụ nữ mới…
Trước khi kết thúc sứ mệnh của mình, ở số này, ngay trang nhất, báo có mẩu tin Báo Đàn bà tạm nghỉ với nội dung: “Trước tình thế hiện thời của nước nhà, chúng tôi cần phải dọn một đường đi, định một tôn chỉ rộng rãi hơn cho tờ Đàn bà để có thể dự phần đào tạo một tinh thần mới cho phụ nữ Việt Nam ta. Nên số này phát hành rồi, chúng tôi sẽ tạm nghỉ ít lâu để chỉnh đốn tòa soạn. Thời kỳ tạm nghỉ chúng tôi sẽ cố thu rất ngắn”. Hẹn tái ngộ là vậy nhưng Đàn bà đã một đi không trở lại.