|
Điện Kiến Trung được chọn làm sân khấu chính của các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 |
Văn hóa, con người xứ Huế là nguồn sức mạnh nội sinh
Bản sắc Huế được thể hiện thông qua nếp sống, phong tục tập quán, như văn hóa ẩm thực, trang phục, văn hóa vườn, văn hóa ứng xử đều có tính đặc thù. Điển hình trong văn hóa ẩm thực, hiện Huế có hơn 1.300 món ăn, bao gồm ẩm thực cung đình, dân gian và đồ ăn chay. Ngoài ra, di sản văn hóa Huế còn có kho tàng tri thức khoa học truyền thống phong phú, chứa đựng trong hoạt động của bộ máy triều đình. Tri thức khoa học chứa đựng trong kho tàng thư tịch Hán Nôm có đủ các loại hình, ghi chép rất nhiều mặt đời sống chính trị, luật pháp, kinh tế, ngoại giao văn hóa - xã hội, y dược cổ truyền của Việt Nam...
|
TP Huế sôi động, rực rỡ sắc màu văn hóa trong những ngày diễn ra Tuần lễ Festival Huế 2024 |
Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Cố đô Huế là nơi duy nhất còn bảo lưu khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình, với sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố con người, kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên. Đặc biệt, công tác bảo tồn luôn tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt là vừa bảo vệ tổng thể di tích gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, vừa bảo vệ di sản văn hóa vật chất đi đôi với phát huy giá trị văn hóa tinh thần đã góp phần hồi sinh di sản Huế.
|
Biểu diễn nhã nhạc tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội) |
Văn hóa và con người xứ Huế là một thể thống nhất, trong đó con người là yếu tố then chốt tạo nên bản sắc văn hóa Huế. Trong đời sống gia đình, văn hóa Huế luôn đề cao lễ nghĩa và truyền thống của gia tộc, nề nếp gia phong. Vì vậy, người Huế luôn trọng lễ nghĩa, phát huy những giá trị truyền thống gia đình. Điểm dễ nhận thấy của người Huế là xu hướng sống nội tâm, coi trọng văn hóa, hiếu học; sống khoan dung, hòa thuận; mẫu mực, nhẹ nhàng, gần gũi với thiên nhiên. Ứng xử của người Huế thường có sự dung hợp giữa các yếu tố tưởng như đối lập nhưng lại tồn tại một cách tự nhiên trong lối sống Huế. Tất cả đã tạo nên cốt cách con người, văn hóa Huế đặc trưng, phát triển trong sự hài hòa với thiên nhiên.
Tiến sĩ Nguyễn Phước Hải Trung - Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, công tác bảo tồn, tu bổ di tích là một công việc phức tạp có quan hệ đến nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ: từ lịch sử, mỹ thuật, văn học, Hán học đến khảo cổ, kiến trúc, kết cấu, vật liệu... các công nghệ truyền thống như vôi, vữa, sơn thếp, pháp lam... các nghề thủ công như mộc, chạm khắc, nề ngõa… Vì vậy, công tác này đòi hỏi phải được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, tuân thủ nghiêm túc các công ước và hiến chương quốc tế mà Chính phủ đã thừa nhận và các quy định của pháp luật.
Vươn tầm thành trung tâm văn hóa du lịch của cả nước
Theo tiến sĩ Phan Thanh Hải, trải qua gần 400 năm từ thời Chúa Nguyễn đến vương triều Nguyễn, một tầng lớp tinh hoa của đất nước đã hội tụ ở Huế. Là kinh đô cuối cùng, hiện nay Huế còn lưu giữ khá phong phú những giá trị văn hóa nghệ thuật cung đình Việt Nam. Phần lớn di sản văn hóa cung đình là những chuẩn mực về kiến trúc, các loại hình diễn xướng, ẩm thực, sinh hoạt hậu cung của triều đình... hầu như chỉ còn ở Huế.
Đặc biệt, văn hóa cung đình Huế tồn tại không che lấp hay thủ tiêu các giá trị văn hóa dân gian. “Nét nổi bật của Huế là văn hóa cung đình hòa quyện với văn hóa dân gian của xứ kinh kỳ; đồng thời, có tích hợp, dung hòa các yếu tố khác biệt để sáng tạo, kết tinh thành những giá trị mang bản sắc văn hóa Huế, từng bước hình thành hệ thống di sản văn hóa Huế. Quá trình giao lưu, dung hợp, sáng tạo của văn hóa Huế trải qua một chặng đường hơn 700 năm và tiếp tục phát triển không ngừng”, ông Hải chia sẻ.
|
Các nghệ nhân gấp rút hoàn thiện việc trang trí cuối cùng tại điện Thái Hòa để kịp đón du khách tham quan trở lại vào ngày 23/11 |
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho rằng, từ khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới - di sản văn hóa vật thể đầu tiên của Việt Nam, Quần thể di tích Cố đô Huế đã trải qua hai thời kỳ quy hoạch (giai đoạn 1996-2010 và giai đoạn 2010-2020). Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và sự giúp đỡ có hiệu quả của các chuyên gia cùng cộng đồng quốc tế, công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế đạt nhiều kết quả rất đáng tự hào. Đến nay, đã có hơn 200 công trình di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi; trong đó có nhiều công trình lớn, có giá trị tiêu biểu cả về lịch sử và nghệ thuật, tiêu biểu như lầu Kiến Trung, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, các lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, lăng vua Đồng Khánh... Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng nghiên cứu bảo tồn một cách bài bản và phát huy một cách hiệu quả.
|
Du khách hào hứng mong chờ giây phút điện Thái Hòa mở cửa đón khách sau gần 3 năm “đại trùng tu” |
Có thể thấy rằng, bộ mặt di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh dần trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống ngày càng mãnh liệt. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Trung ương dành nhiều sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Thừa Thiên Huế phát triển, đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế một cách toàn diện, ông Trung nhấn mạnh.
Sức hấp dẫn lớn là trải qua bao biến thiên lịch sử, Huế vẫn bảo tồn được chân dung của một kinh đô, bảo tồn được một “kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị” với hàng trăm công trình nghệ thuật tinh vi, tuyệt mỹ, phong phú, đa dạng về phong cảnh, đậm đà bản sắc truyền thống dân tộc, hòa quyện vào cảnh quan kỳ diệu của thiên nhiên, có giá trị đặc biệt về lịch sử và về văn hóa nghệ thuật. Đó chính là nhân tố chủ yếu cấu thành đặc thù của Huế, là nền tảng để Huế trở thành trung tâm văn hóa du lịch của cả nước. Đó hiển nhiên là một thế mạnh về văn hóa và đang trở thành một thế mạnh trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, hiện nay Thừa Thiên Huế đang tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Nghị quyết số 54/NQ-TW của Bộ Chính trị là động lực để thúc đẩy phát triển các giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế một cách bền vững, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho Thừa Thiên Huế trong việc huy động các nguồn lực phát triển văn hóa. Tỉnh cũng đã xác định văn hóa và con người xứ Huế là nguồn sức mạnh nội sinh, là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Các giá trị văn hóa, di sản văn hóa là tài sản vô giá của các thế hệ tiền nhân để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa.
Thuận Hóa